Được bơm thêm 139 triệu USD, Jetstar Pacific có cạnh tranh nổi với Vietjet Air?

06/05/2016 08:35 AM | Kinh doanh

Hiện tại, Vietjet có vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng, hơn 30 máy bay và kế hoạch sau năm 2020 là 100 máy bay. Còn với vốn điều lệ 4.615 tỷ đồng, JPA mới có 12 máy bay và kế hoạch đến năm 2020 là 30 chiếc.

Năm 2015, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airline (JPA) vui mừng thông báo sau 25 năm hoạt động, hãng đã có lãi lần đầu tiên. Dù mức lãi chỉ có 270 triệu đồng.

Tại thời điểm năm 2012 khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước tại JPA, vốn điều lệ của JPA là 1.317 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 2.476 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 607 tỷ đồng.

Để cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ, JPA được bơm thêm vốn

Với số vốn góp bổ sung của các cổ đông trong 2 năm 2012, 2014, tình hình tài chính của JPA đã cải thiện. Nếu như từ năm 2011- 2013, doanh thu của JPA đều đi ngang quanh mức xấp xỉ 2.600 tỷ đồng thì bắt đầu từ năm 2014, doanh thu của JPA đã bật tăng lên gần 3.300 tỷ đồng và bớt lỗ. Năm 2015, JPA đạt doanh thu lên tới 4.615 tỷ đồng – tăng 40% so với năm 2014 và lãi 270 triệu đồng.

Tại thời điểm 31/12/2015, vốn điều lệ JPA là 2.632 tỷ đồng và lỗ lũy kế 3.312 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn âm 129 tỷ.

Nhưng trong lúc JPA đang được “chữa bệnh” thì các hãng hàng không giá rẻ khác đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Vietnam Airlines nhận định: Mặc dù đã có sự phục hồi đáng kể nhưng JPA đang rơi vào thế bị cạnh tranh mang tính sống còn và VNA cần tiếp tục tăng vốn cho hãng hàng không này.

Theo đó, JPA dự kiến sẽ tăng vốn theo 3 đợt. Đợt 1 vào tháng 6/2016 với số vốn dự kiến tăng thêm 39 triệu USD. Đợt 2 vào tháng 1/2018 và đợt 3 vào tháng 8/2019 với số vốn dự kiến mỗi đợt là 50 triệu USD. Qantas đã cam kết góp vốn ngay trong giai đoạn 1. VNA dự kiến góp 27,3 triệu USD, bao gồm cả việc mua lại số cổ phần của 2 cổ đông nhỏ là Saigon Tourist và ông Lương Hoài Nam.

Theo định hướng của VNA thì JPA sẽ là đơn vị cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ còn VNA tập trung khai thác phân khúc cao và trung bình.

Sự đe dọa đến từ Vietjet Air

Vietjet Air (VJA) đang nổi lên là một hãng hàng không trẻ có tốc độ tăng trưởng chóng mặt.

Năm 2015, với đội tàu bay gồm 94 chiếc, Vietnam Airlines đã vận chuyển được 17,4 triệu lượt khách, thực hiện hơn 127.500 chuyến bay. Tổng doanh thu hợp nhất của VNA ước đạt hơn 69.300 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu vận tải hàng không.

Còn Vietjet, với mức tăng trưởng 205% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu đạt trên 10.991 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo số liệu từ CAPA, năm 2015, VJA chiếm 40% thị phần thị trường bay nội địa, Vietnam Airlines chiếm 45% và Jetstar chiếm 15%. CAPA ước tính, công suất hoạt động trên thị trường nội địa của VJA có khả năng vượt qua công suất của VNA và đe dọa nghiêm trọng thị phần của ông lớn này.

Trước sự bám đuổi của VJA, CEO của VNA, ông Phạm Ngọc Minh phát biểu rằng: “Thị phần bao nhiêu không quá quan trọng mà lợi nhuận mới là điều quan trọng hơn. Chúng tôi muốn duy trì thương hiệu cao cấp và hướng đến những dịch vụ đẳng cấp.”

Song có thể thấy, VNA khá “sốt ruột” trong công cuộc cơ cấu lại JPA để cạnh tranh với VJA trong phân khúc giá rẻ. Được biết, JPA đã tính đến phương án tìm cổ đông mới nhưng việc này đòi hỏi thời gian dài do phải thuê tư vấn định giá, tìm đối tác và thực hiện các thủ tục, có thể sẽ khiến JPA không kịp tăng vốn lần 1. Vì thế, vẫn là VNA và Qantas đổ vốn cho hãng hàng không này.

JPA cạnh tranh như thế nào?

Nếu so với JPA, hiện tại, Vietjet có vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng, hơn 30 máy bay và kế hoạch sau năm 2020 là 100 máy bay. Còn với vốn điều lệ 4.615 tỷ đồng, JPA mới có 12 máy bay và kế hoạch đến năm 2020 là 30 chiếc.

139 triệu USD dự kiến được bơm thêm (đến năm 2020) để phát triển đội bay và “chiếm lĩnh thị trường hàng không” như Tổng giám đốc Lê Hồng Hà từng phát biểu. Nhưng số tiền này chắc mới chỉ đủ bù đắp lỗ lũy kế để hãng hàng không này có bộ mặt tài chính đẹp hơn, nhằm có thể huy động thêm vốn từ các nguồn khác,

Trong khi đó, VJA với định giá khoảng 1 tỷ USD đã nhắm một kế hoạch IPO và thực hiện chiến dịch truyền thông hiệu quả, định vị thương hiệu của mình với tên gọi thân thiện là “hãng hàng không bikini”.

Nhiều năm qua, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng 2 con số và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới. So với các phương tiện vận tải hành khách khác về giá cả và thời gian di chuyển thì vận tải hàng không giá rẻ có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực càng tạo điều kiện cho miếng bánh này thêm béo bở.

Nhưng chưa rõ chiến lược của JPA để cạnh tranh với VJA tại phân khúc giá rẻ như thế nào. Liệu vé có thể rẻ hơn những chương trình 0 đồng? Liệu giá có thể rẻ hơn mà dịch vụ tốt hơn nhờ dựa vào Vietnam Airlines? Hay JPA sẽ xây dựng được một thương hiệu thân thiện và vui vẻ hơn hình ảnh của những bộ bikini mà VJA đã sử dụng?

Chỉ biết rằng, hiện tại nhiều người vẫn chỉ nhớ đến JPA với hình ảnh là một hãng hàng không thua lỗ.

Theo Minh Châu

Cùng chuyên mục
XEM