Đừng vội than thở vì phải nai lưng làm thêm giờ, chúng ta của 10, 20 năm nữa sẽ thầm biết ơn những nỗ lực khi còn trẻ!

04/03/2020 00:42 AM | Sống

(Over-time: Làm thêm giờ) rõ là mệt mỏi và nhiều áp lực. Tuy nhiên, chẳng phải tự nhiên mà nhiều người vẫn hài lòng, vui vẻ "bán đi tuổi trẻ".

Tìm được sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân chắc hẳn là bài toán khó với dân công sở, đặc biệt là những bạn trẻ mới chân ướt, chân ráo bước ra khỏi trường Đại học để bắt đầu hành trình xây dựng sự nghiệp, phát triển bản thân.

Có lẽ cũng vì lý do đó mà việc OT (Over-Time: Làm thêm ngoài giờ) đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong thời đại ngày nay.

Rõ ràng, chúng ta đều biết rằng mình làm việc để sống, chứ không phải sống để làm việc. Và chuyện tăng ca quá nhiều ảnh hưởng thế nào tới đời sống cá nhân cũng chẳng còn xa lạ gì nữa.

Đừng vội than thở vì phải nai lưng làm thêm giờ, chúng ta của 10, 20 năm nữa sẽ thầm biết ơn những nỗ lực khi còn trẻ! - Ảnh 1.

Bạn sẽ không có đủ thời gian dành cho chính mình hay những hoạt động phát triển thể chất cùng những cuộc vui khác. Hậu quả nhãn tiền nhất có lẽ chính là việc bạn thậm chí chẳng có đủ thời gian để ngủ một giấc trọn vẹn 8 tiếng mỗi đêm, hoặc những bữa ăn qua loa mà tay vẫn phải gõ phím, mắt vẫn phải nhìn màn hình.

Nhưng hãy tạm để sang một bên những "cái mất" của việc OT mà ai cũng đều biết ấy. Bởi chuyện gì cũng đều có hai mặt tốt - xấu. Và làm thêm giờ không phải là điều chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của một người.

Dưới đây là 3 "cái được" từ việc OT mà có thể bạn chưa nhận ra:

1. Bạn sẽ có mức thu nhập khá hơn

Hầu hết, mọi người phản đối hoặc có cái nhìn không tích cực về việc làm thêm ngoài giờ là do họ cảm thấy không được trả công xứng đáng cho số giờ làm thêm mà mình đã bỏ ra. Tuy nhiên, với những công ty lớn, có uy tín và chế độ rõ ràng, mọi sự đóng góp ngoài nhiệm vụ được giao đều sẽ được ghi nhận.

Đừng vội than thở vì phải nai lưng làm thêm giờ, chúng ta của 10, 20 năm nữa sẽ thầm biết ơn những nỗ lực khi còn trẻ! - Ảnh 2.

Thế nên, điều bạn cần làm chỉ là tìm hiểu thật kỹ về những điều khoản trong hợp đồng lao động trước khi đặt bút ký, và đừng ngần ngại đứng lên đòi quyền lợi cho mình trong trường hợp bạn cảm thấy công sức của bản thân chưa được ghi nhận một cách xứng đáng.

2. Phát triển khả năng tư duy, chịu áp lực của bản thân

"Practice makes perfection" - Sự luyện tập tạo ra sự hoàn hảo.

Điều này có lẽ hoàn toàn đúng với những người đang muốn học hỏi, trải nghiệm những lĩnh vực mới. Tự đẩy bản thân vào tình huống "nghìn cân treo sợi tóc", deadline đã dí đến cổ, bạn sẽ nhận ra đầu óc mình "nhảy số" ở một tốc độ hoàn toàn khác so với bình thường.

Chắc hẳn, chúng ta đều từng trải qua cảm giác này khi ngồi làm bài trong những kỳ thi quan trọng như Tốt nghiệp THPT hay thi Đại học. Việc chấp nhận làm thêm ngoài giờ, hoặc nhận thêm một công việc đột xuất từ sếp cũng y hệt như vậy.

Đừng vội than thở vì phải nai lưng làm thêm giờ, chúng ta của 10, 20 năm nữa sẽ thầm biết ơn những nỗ lực khi còn trẻ! - Ảnh 3.

Các nhà khoa học tại trường Đại học Quốc gia Singapore cũng đã khẳng định: "Tự đẩy bản thân vào trạng thái áp lực trong thời gian ngắn là một trong những cách để phá vỡ giới hạn và phát triển khả năng suy nghĩ."

3. Chứng minh năng lực, mở rộng con đường thăng tiến

Hầu hết những người trẻ mới ra trường đều bắt đầu công việc của mình ở vị trí nhân viên. Sau vài năm làm việc, có người sẽ lên quản lý, trưởng phòng. Thế nhưng, cũng có những người vẫn mãi chỉ là một nhân viên như những ngày đầu đi làm.

Điều này không có gì đáng chê trách bởi nó tùy thuộc vào mục đích đi làm và nhu cầu thăng tiến của từng cá nhân.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn đạt tới một vị trí cao hơn trong môi trường làm việc hiện tại, OT là một trong những cách nhanh nhất để chứng minh cho sếp thấy bạn là người có khả năng tư duy, hoàn thành công việc tốt.

Đừng vội than thở vì phải nai lưng làm thêm giờ, chúng ta của 10, 20 năm nữa sẽ thầm biết ơn những nỗ lực khi còn trẻ! - Ảnh 4.

Trong kinh tế học, có một khái niệm mang tên "Chi phí cơ hội", nghĩa là khi bạn lựa chọn điều A, bạn nhất định sẽ bỏ qua điều B. Điều này hoàn toàn đúng với quyết định có chấp nhận làm thêm ngoài giờ hay không.

Không OT, bạn sẽ có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc bản thân, hẹn hò với người thương, bè bạn.

Chấp nhận OT, bạn sẽ có một mức thu nhập đủng đỉnh hơn, cùng khả năng nhạy bén trong tư duy, xử lý công việc và con đường thăng tiến có phần rộng mở.

OT không phải chỉ toàn mang lại những điều tiêu cực. Dẫu vậy, dù có chấp nhận làm thêm ngoài giờ hay không, cũng đừng quên chăm sóc bản thân và biết lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính mình nhé!

Theo AMT

Cùng chuyên mục
XEM