Dừng uống cà phê đắt tiền để dành tiền tiêu Tết

16/12/2022 18:07 PM | Sống

Đối với những dịp cần chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí như dịp lễ Tết, mình chọn cách tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất để tiền lương không bị thâm hụt.

Việc kiểm soát chi tiêu bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Có đôi lúc, chỉ tiết kiệm 10-20k thôi, cũng khiến bạn ngạc nhiên vì số tiền dư ra vào cuối tháng. Hoàng Thái (29 tuổi, làm việc tự do) cho biết: "Mình đã học cách tiết kiệm những khoản nhỏ nhặt chẳng mấy cần thiết, để có thể tiêu tiền thoải mái hơn vào những trường hợp quan trọng. Ví dụ như hoạt động giải trí trong dịp lễ Tết. Để có thể chi tiền mạnh tay cho quà cáp gia đình, bao lì xì biếu bố mẹ, hay những bữa tiệc giải trí cùng bạn bè,... Mình lựa chọn giảm bớt chi tiêu cho việc mua sắm quần áo, nước hoa, hay chọn uống cafe loại rẻ tiền hơn,... chỉ duy trì một cuộc sống vừa đủ."

Tích lũy là chuyện cả năm, không phải riêng ngày Tết

Không chỉ thời điểm gần Tết mình mới bắt đầu cắt giảm những chi tiêu nhỏ này. Mà trong suốt thời gian dài, mình luôn tuân theo những nguyên tắc quản lý tài chính riêng. Việc phân bổ các khoản thu - chi rõ ràng, giúp mình điều chỉnh ngân sách linh hoạt trong cả năm, mà không gây ảnh hưởng đến những khoản mục khác.

Ngân sách của mình được phân chia thành các khoản mục: Chi phí sinh hoạt - Tiết kiệm - Đầu tư - Chi tiêu tự do. Trong đó khoản "Tiết kiệm - Đầu tư" là cố định, và không được tiêu hụt vào số tiền này, chỉ được bù thêm, không được rút ra. Còn lại “Chi phí sinh hoạt - Chi phí tự do” thì linh động hơn. Và mình luôn cố gắng để 2 chi phí này nằm ở mức thấp nhất có thể. Ngoài những chi phí cơ bản để duy trì cuộc sống, mình còn sử dụng vào những nhu cầu khác như lễ Tết, sinh nhật, mua sắm hay đám đình của bạn bè người thân.

Dừng uống cafe 80-100k/ ly để dành tiền tiêu Tết - Ảnh 1.

Hoàng Thái (29 tuổi) - Ảnh NVCC

Quy tắc khi sử dụng loại chi phí này là: Nếu như nhu cầu cơ bản tăng, thì những nhu cầu khác giảm, và ngược lại. Tùy từng thời điểm mình sẽ điều chỉnh để cân đối những khoản chi này. Ví dụ như vào dịp sinh nhật, nhu cầu tự thưởng bản thân nhiều hơn. Mình lựa chọn cắt bỏ những kế hoạch về du lịch, mua sắm quần áo, giày dép hoặc những món đồ linh tinh. Thay vào đó thì chi tiền nhiều hơn để đi ăn, gặp mặt bạn bè.

Còn đối với dịp lễ Tết năm nay, khi có quá nhiều khoản chi tiêu như biếu Tết, lì xì, sắm sửa quà tết cho gia đình... Thì mình lại lựa chọn cắt bỏ những nhu cầu của bản thân. Hạn chế ăn ngoài, tụ tập với bạn bè dịp cuối năm. Không mua sắm những món đồ mắc tiền, hoặc chưa cần ngay lúc này. Mình cũng hạn chế luôn sở thích sưu tầm những chiếc ly nước đắt đỏ. Quần áo, nước hoa, cũng hạn chế luôn. Bình thường mình vẫn quen uống cafe của các hãng khá lớn, mức giá dao động cũng tầm 80-100k/ly cafe. Nhưng khoảng vài tháng trước Tết, mình chuyển sang cafe tự pha, hoặc uống đồ giá rẻ hơn, hạn chế đặt đồ uống bên ngoài. Chi phí tiết kiệm được cũng lên tới tiền triệu. Những mẹo chi tiêu này, mình áp dụng cả năm chứ không riêng gì dịp lễ Tết. Mình thấy quan trọng nhất là biết linh động chi tiêu tùy thời điểm, và phân bổ dòng tiền hợp lý, có sự liên kết với nhau.

Luôn chuẩn bị một kế hoạch tài chính thật chặt chẽ

Để đảm bảo thu nhập được phân bổ hợp lý, phục vụ cho những mục tiêu cá nhân trong cuộc sống, mình lựa chọn lập 1 ngân quỹ cho riêng mình. Cái lợi của việc lập ngân quỹ còn giúp mình hạn chế tình trạng "vung tay quá trán", kiểm soát được thu nhập mà không cần thắc mắc tiền lương đã bay đi đâu mất.

Mình chọn phân chia thu nhập thực nhận mỗi tháng thành 4 mục chính: Chi phí sinh hoạt (Fixed Cost - 50%); Chi tiêu tự do (Guilt Free - 20%); Tiết kiệm (Goalsaver - 10%); Đầu tư (Investment - 20%).

Dừng uống cafe 80-100k/ ly để dành tiền tiêu Tết - Ảnh 2.

Vòng tròn ngân sách - NVCC

Chi phí sinh hoạt

Các loại chi phí cố định để mình có thể duy trì 1 cuộc sống vừa đủ. Mình thường đặt trường hợp không có thu nhập, thì mức ngân sách tối thiểu mình dành để duy trì cuộc sống là bao nhiêu? Và lấy con số đó làm mốc. Chi phí sinh hoạt của mình được chia thành:

+ Tiền thuê nhà: Là khoản tiền dành ra để thuê nhà, hoặc trả góp nếu mua nhà.

+ Tiền điện, nước, internet: Với mình, cuộc sống gần như phải gắn với các loại tài khoản trực tuyến như Google Drive, Netflix, Spotify,...

+ Tiền di chuyển: Mình sử dụng xe máy là chủ yếu, ít đi grap nên chi phí cho xăng xe, tiền gửi xe là chính. Ngoài ra, mình còn tính dư ra khoản tiền bảo dưỡng xe, thay nhớt hàng tháng.

+ Tiền quần áo và đồ dùng sinh hoạt: Mỗi năm, mình ước tính sẽ chi khoảng bao nhiêu tiền để đầu tư vào trang phục, nước hoa, các đồ dùng như sữa tắm, dầu gội,... để chia ra trung bình 1 tháng cần tiêu bao nhiêu.

+ Tiền quà cáp, đám cưới, sinh nhật,...

+ Tiền đóng bảo hiểm sức khỏe, trả nợ, các khoản tiền bắt buộc đóng cho bên thứ ba.

Khi lên 1 danh sách cụ thể như thế, mình thực hiện phân bổ nguồn thu cho từng mục. Mình chia dần theo tỷ lệ quan trọng nhất đến ít quan trọng, làm sao để cân đối các khoản này chỉ nằm tối đa 50% thu nhập. Nếu vượt quá ngân sách, mình sẽ cắt bớt những khoản tiền không quá cần thiết như mua sắm quần áo, đóng tiền Netflix,...

Tiết kiệm - Goalsaver

Tùy theo từng giai đoạn trong cuộc sống mà mình đặt ra những mục tiêu khác nhau, và thực hiện nó theo thứ tự. Hiện tại, khi sắp bước sang tuổi 30, mình có những mục tiêu cần thực hiện như tổ chức đám cưới, mua nhà trả trước 30%, dành tiền cho 1 chuyến du lịch, và tiết kiệm được ít nhất 3 tháng chi phí sinh hoạt để đề phòng trường hợp xấu nhất là thất nghiệp.

Đầu tư

Về cơ bản, đầu tư và tiết kiệm không phải 2 khoản mục tách nhau quá rõ ràng. Nguyên tắc của mình là luôn dành tối thiểu 20% thu nhập hàng tháng để đầu tư, với mục tiêu xây dựng Networth (tài sản ròng) càng sớm càng tốt, để tận dụng được sức mạnh lãi kép.

Ngoài ra, khoản tiền tiết kiệm được mà chưa cần sử dụng ngay, mình không chọn gửi ngân hàng mà thay vào đó, mình mua vàng tích trữ, hoặc mua trái phiếu. Đây cũng có thể xem như 1 khoản đầu tư dài hạn, vì nó có khả năng sinh lời tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, mà rủi ro lại nằm ở mức khá thấp. Đây cũng là cách để không khiến tiền tích lũy bị mất giá theo thời gian, hoặc lạm phát.

Tiêu xài - Guilt Free

Sau khi đảm bảo thu nhập hàng tháng được phân bổ cho 3 việc như sinh hoạt, tiết kiệm và đầu tư, thì phần còn lại khoảng 20% mình sẽ sử dụng cho những sở thích cá nhân.

Mấu chốt của khoản tiền này là được sử dụng linh động và tự do. Tức là nếu như muốn tự thưởng bản thân bằng 1 bữa ăn ngoài có chút mắc tiền, hay mua món đồ hiệu nào đó, mình cũng không cảm thấy lấn cấn vào khoản tiền khác. Hoặc nếu như có dự án nào cần đầu tư, khoản tiền này cũng có thể linh động chuyển sang mục đó.

Để bắt đầu quản lý tài chính cá nhân, tìm ra được con số phù hợp nhất với mình, hãy bắt đầu bằng bước liệt kê từng khoản thu - chi vài tháng vào bảng excel.

Sau đó tính toán, quan sát xem mức độ chi tiêu hàng tháng của mình thế nào, tiêu nhiều hay ít, cần thiết hay không. Từ đó, đóng khung các con số này lại và liên tục chỉnh sửa để đạt được tỷ lệ phù hợp nhất với bản thân.

Theo Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
XEM