Đừng tưởng chỉ là biểu tượng "nhảm" những emoji đôi khi mang lại ý nghĩa lớn hơn rất nhiều

01/05/2017 20:31 PM | Công nghệ

Các nhà nghiên cứu và các công ty công nghệ từ lâu đã thấy rằng người ta có thể sử dụng emoji theo nhiều cách không ngờ đến, và ngay cả emoji cơ bản nhất cũng có thể gây hiểu lầm thay vì giúp cho cuộc hội thoại mạch lạc hơn.

Khi đang dạy một lớp ngôn ngữ học tại Đại học Toronto thì nhà nhân chủng học, tiến sĩ Marcel Danesi nhận được một câu hỏi là ông nghĩ gì về biểu tượng cảm xúc (emoji). Và điều đó đã tạo cảm hứng cho ông làm một nghiên cứu về chúng.

Ông đề nghị các sinh viên chia sẻ nội dung các tin nhắn của họ vì nghiên cứu và đã nhận được hơn 300 lời hồi đáp. Danesi nhận thấy rằng trong khi emoji được sử dụng để truyền tải cảm xúc theo cách mà chữ viết không làm được, thì chúng còn có thể được dùng như một cách nói chuyện phiếm hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu và các công ty công nghệ từ lâu đã thấy rằng người ta có thể sử dụng emoji theo nhiều cách không ngờ đến, và ngay cả emoji cơ bản nhất cũng có thể gây hiểu lầm thay vì giúp cho cuộc hội thoại mạch lạc hơn.

Sự quan tâm dành cho hình thức giao tiếp mới này đang ngày càng tăng lên khi người ta sử dụng các emoji ngày càng nhiều trong giao tiếp và các công ty liên tục đưa chúng vào các mô hình kinh doanh và chiến lược marketing của mình.

Theo Ben Mills – giám đốc sản phẩm của ứng dụng thanh toán Venmo – emoji đã trở thành một mỏ vàng để tìm hiểu cách người dùng sử dụng ứng dụng thanh toán Venmo. Yêu cầu người ta trả tiền khá là khó xử, nhưng emoji đã giúp cho sự tương tác này trở nên vui vẻ hơn.

Thống kê của Venmo cho thấy 30% các thanh toán có emoji và tỷ lệ này đang ngày càng tăng. Các biểu tượng liên quan đến đồ ăn, đồ uống và tiền bạc (như icon bánh pizza, cốc bia, ngôi nhà và đồng đô la đang bay) là những emoji được sử dụng nhiều nhất, và hiểu được điều đó sẽ giúp Venmo kết nối doanh nghiệp với khách hàng tốt hơn.

Dù có rất nhiều biểu tượng để lựa chọn, nhưng trên thực tế chỉ có một số icon được sử dụng phổ biến. Phân tích dữ liệu từ ứng dụng bàn phím SwiftKey cho thấy các emoji được sử dụng nhiều nhất thường là gương mặt, bàn tay và trái tim, và biểu tượng “mừng phát khóc” đứng top đầu. Kết quả cũng tương tự khi phân tích việc sử dụng emoji ở các ứng dụng nhắn tin do Google phát triển.

Ứng dụng Emogi còn bắt tay với các công ty như McDonald’s và nhiều công ty khác để phát triển các chiến dịch dựa trên emoji. VD: khi một người viết tin nhắn “Muốn đi ăn burger không?”, bàn phím của Emogi sẽ hiện lên một loạt emoji liên quan đến Big Mac và người dùng có thể chọn để gửi cho bạn. Ứng dụng này còn lấy thông tin về vị trí, dữ liệu emoji và một số từ khóa để đưa ra các gợi ý về emoji. Không chỉ sử dụng emoji để tìm đến nhóm khách hàng mục tiêu, các công ty còn dùng chúng để cải thiện dịch vụ trong tương lai.

Tuy nhiên, thử thách đối với các công ty và các nhà nghiên cứu là biết được những cách hiểu khác nhau của người dùng về cùng một emoji.

Ở Nhật, cái nôi của emoji, biểu tượng “người lướt ván” có thể hàm ý người gửi tin nhắn muốn chia tay (như họ đang lướt ra khỏi một mối quan hệ). Nhưng cách hiểu này lại không tồn tại ở Mỹ.

Và mặc dù bàn phím Unicode đã tiêu chuẩn hóa rất nhiều emoji, nhưng Google, Microsoft và Samsung lại có những cách minh họa khác nhau cho cùng một emoji.

Theo Hannah Miller, nhà nghiên cứu đến từ đại học Minnesota, thì thậm chí “người ta nhìn vào cùng một emoji và có những cách hiểu khác nhau”.

Nơi đặt emoji trong một tin nhắn cũng có ý nghĩa. Tiến sĩ Danesi nhận thấy chúng đánh dấu sự thay đổi trong cảm xúc, vì thế đặt chúng sai chỗ có thể tạo ra sự hiểu lầm. Vì thế, sử dụng emoji cũng cần phải thành thạo, ông nói, “như một ngoại ngữ vậy”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM