Đứng trước nguy cơ "chìm nghỉm" như Sài Gòn, Jarkarta chuẩn bị xây một công trình chắn sóng lớn nhất lịch sử

29/09/2016 09:51 AM | Xã hội

Jakarta đang xem xét một dự án có trị giá ít nhất 40 tỷ USD để xây dựng một con đê chắn sóng bao ngoài và 17 đảo nhân tạo.

“Thành phố này không bắt kịp được với tốc độ sụt lún”, nhà địa lý tự nhiên Victor Coenen nhận định khi đứng bên bờ Vịnh Jakarta, cho biết trung bình mỗi năm mặt đất lại lún sâu thêm 7,5 cm và một số nơi còn lên đến 10 cm, nhanh hơn nhiều so với Venice, thành phố trên mặt nước nổi tiếng ở Ý.

Có thể nói Jakarta là tàu Titanic của các đô thị trên thế giới. Người ta dự đoán trong 15 năm tới, 80% khu vực phía bắc thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trong 50 năm nữa, các con phố hiện nay sẽ thấp hơn đến 3 mét.

Để cứu vãn tình trạng này, tất cả đánh cược vào một trong những dự án đê chắn sóng lớn nhất trong lịch sử với trị giá ít nhất 40 tỷ USD.

“Chúng tôi đang xây dựng một thành phố trong đê chắn sóng”, Coenen cho biết, ông đồng thời cũng là người quản lý dự án ở Jakarta cho công ty tư vấn Witteveen+Bos, một nhánh của tập đoàn lớn ở Hà Lan chịu trách nhiệm về quy hoạch tổng thể.

Với tên gọi The Great Garuda, dự án này mới chỉ bắt đầu diễn ra vào năm ngoái. Phải 2 năm nữa các quan chức mới quyết định có làm tiếp 2 giai đoạn còn lại của dự án không, và cũng chưa rõ trong 2 giai đoạn đó người ta sẽ làm gì.

Niềm hy vọng từ những con đê chắn sóng

Từ thời xa xưa, các đê chắn sóng đã được xây dựng để ngăn nước. Và ngày nay chúng càng được biết đến nhiều hơn với tốc độ dâng cao của nước biển do hậu quả của biến đổi khí hậu. Rất nhiều nước trên thế giới sẽ xây đê chắn sóng để bảo vệ người dân của mình, vì theo một nghiên cứu năm 2014 thì giá của những dự án này rẻ hơn nhiều so với tổn thất mà một trận lũ lụt gây nên.

Tuy nhiên dự án của Jakarta lại gây khá nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu của chính phủ nói rằng nó có thể làm xói mòn các hòn đảo xung quanh, gây tổn hại đến môi sinh tự nhiên (như dải san hô ngầm), và khiến hàng ngàn người dân ven biển phải tái định cư, trong đó có cả các ngư dân.

Những người hay hoài nghi còn cho rằng nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng, làm nảy sinh nhiều dự án xây dựng và phát triển nhưng lại tránh né giải quyết gốc rễ vấn đề: đó là tình trạng khai thác nước ngầm quy mô lớn.

Một chuyên gia còn cho rằng Jakarta phát triển cực nhanh nhưng không xử lý đủ nước thải để cung cấp nước sạch cho người dân, gây nên rất nhiều hệ lụy cả về môi trường lẫn sức khỏe cộng đồng.

Ý kiến này nhận được khá nhiều sự đồng thuận. Một bài báo trên Jakarta Post còn kêu gọi xây dựng một nhà máy xử lý nước thải công suất cao. “Mặc dù tốn hàng chục năm, Tokyo và Bangkok cuối cùng cũng đã ngừng khai thác nước ngầm và chắc chắn Jakarta cũng có thể làm điều đó, và chắc chắn phải làm”, bài báo cho biết. “Và khi Jakarta làm được điều đó, thì liệu có cần phải quây Vịnh Jakarta lại bằng một con đê chắn sóng khổng lồ nữa hay không?”

Thời gian sắp hết

​Theo Gijs van den Boomen đến từ công ty KuiperCompagnons – chịu trách nhiệm thiết kế quy hoạch đô thị cho Jakarta – thì nếu chờ thành phố thực hiện các bước để ngăn chặn sự khai thác nước ngầm, mọi chuyện có thể sẽ quá muộn.

Thật vậy, Coenen cho biết nhiều phần trong hệ thống đê chắn sóng hiện thời – được xây dựng năm 2008 – đều đã ngập sâu trong nước khi thủy triều lên cao. Ông nói rằng việc nâng cấp tuyến đê này sẽ chỉ bảo vệ Jakarta được đến năm 2025, khi đó một lớp đê bao ngoài là rất cần thiết.

Các chuyên gia đến từ Hà Lan biết rằng dự án này có thể gây tổn hại đến môi trường, nhưng họ không thấy có cách nào tốt hơn để cứu Jakarta khỏi chìm trong biển nước. Họ hy vọng sẽ có những thay đổi trong kế hoạch tổng thể khi các quan chức quyết định có làm tiếp dự án hay không. Vì phần đê chắn sóng bao ngoài cần từ 6 đến 8 năm để xây dựng nên theo lời Coenen, Jakarta phải bắt đầu trong vài năm sắp tới.

Ông còn nói rằng: “Đây là thành phố của những điều chưa chắc chắn. Thật khó để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM