Dùng tiền phúc lợi làm vỉa hè nghìn tỷ

30/03/2016 08:49 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo lãnh đạo UBND quận 1, TPHCM, một số doanh nghiệp đề xuất lát đá granite vỉa hè và sẵn sàng ứng vốn không tính lãi (ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng). Quận sẽ hoàn trả sau bằng nguồn thu từ quảng cáo và thu vượt dự toán thành phố để lại cho quận thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội.

Đổ cho nhà đầu tư

Trả lời báo chí về đề xuất lát đá hoa cương , đồng bộ hóa hạ tầng trên 130 tuyến đường, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, 1.000 tỷ đồng là hạn mức các doanh nghiệp trên địa bàn cam kết ứng vốn cho UBND quận 1 chỉnh trang vỉa hè đô thị. Đây không phải là lần đầu tiên UBND quận 1 chỉnh trang vỉa hè. Trong hai năm 2008 và 2011, quận 1 đã thực hiện hai đợt chỉnh trang vỉa hè một số tuyến đường.

Cụ thể: Trong quá trình quận 1 xây dựng kế hoạch chỉnh trang đô thị, một số doanh nghiệp đề xuất sẵn sàng ứng vốn để địa phương lát đá hoa cương, đồng bộ hạ tầng. Hiện UBND quận xây dựng kế hoạch cụ thể, như: Chỉnh trang bao nhiêu tuyến đường, vị trí... trình xin ý kiến UBND TPHCM để xin chủ trương.

“Chi 1.000 tỷ đồng mà nói DN tạm ứng. Họ phải tính lời trong đó. Không ai lấy tiền nhà đi tạm ứng. Rồi phải trả cho DN bằng cái gì… Nói thẳng, nghe là đã thấy có vấn đề rồi”.

PGS- TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc

Sở Xây dựng TPHCM

“Lát vỉa hè bằng đá hoa cương mới là đề xuất của các doanh nghiệp khi đề đạt nguyện vọng hỗ trợ quận thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị. Trong quá trình thực hiện, quận sẽ mời các cơ quan chuyên môn, chuyên gia thẩm định, phản biện, người dân góp ý… để có phương án tối ưu nhất” – bà Hường nói.

Theo kế hoạch, quận 1 sẽ tập trung chỉnh trang các tuyến đường phục vụ du khách như Công xã Paris, Đồng Khởi, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai và Phùng Khắc Khoan nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo điều kiện cho người dân đi lại.

“Chúng tôi tập trung chăm lo cho người dân nên ngân sách chắc chắn không đủ để lót đá hoa cương vỉa hè. Đến nay, các doanh nghiệp mới cam kết ứng vốn và chưa có điều kiện kèm theo. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi nếu làm vì họ có trụ sở, văn phòng trên các tuyến đường cần chỉnh trang. Họ được quảng cáo trên tuyến đường đó. UBND quận chỉ thực hiện khi bố trí đủ ngân sách để hoạt động và chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách…” – bà Hường nói.

Lãnh đạo UBND quận 1 nhấn mạnh chỉ xin cơ chế chứ không xin ngân sách lát đá granite toàn bộ vỉa hè. Nếu được phép làm, trước mắt, các doanh nghiệp sẽ tạm ứng, sau này UBND quận trả lại cho doanh nghiệp từ hai nguồn chủ yếu là tiền quảng cáo và khoản thu vượt ngân sách hàng năm thành phố để lại cho quận thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội.

Tốt, xấu xin mời xuống coi

PGS TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nói thẳng: Muốn biết sử dụng đá hoa cương lát vỉa hè tốt hay xấu, xin mời lãnh đạo xuống nhà tôi trên đường Hậu Giang là sẽ rõ. TS Hiệp nói: Trên đường Hậu Giang, người ta cũng lát đá hoa cương trên vỉa hè. Mới làm năm ngoái, bây giờ chất lượng còn tệ hơn vỉa hè xi măng. Đá rẻ tiền, rất nhám. Người ta “khò” không đạt yêu cầu nên mặt đá bị mốc, rất bẩn…

“Đây là sự lãng phí kinh khủng. Đất nước còn nghèo, ở thành phố bệnh viện, trường học còn quá tải. Thay vì lát đá hoa cương, UBND quận 1 nên dành khoản tiền đó để xây trường, nâng cấp bệnh viện để người bệnh bớt khổ. Tôi đi nhiều nước, kể cả Mỹ, không thấy ai chọn đá hoa cương lát vỉa hè mà chủ yếu là sử dụng vật liệu bê tông cốt thép. Làm đá hoa cương vừa đắt, vừa quá lãng phí. Đá hoa cương là tài nguyên, hàng thế kỷ mới có được mỏ đá quý nên không thể sử dụng tùy tiện. Đó là chưa nói sau này, người ta còn đào xới vỉa hè lên để đặt ống nước, cống thoát nước. Làm hoàn chỉnh sau này đào vỉa hè lên lại nham nhở, vá víu tùm lum”- ông Hiệp nói

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, đá vẫn có thể chọn loại nhám, không trơn trượt và có thể tạo những rãnh nhỏ thoát nước xuống đất, cây xanh vẫn sống được. Về kỹ thuật không có gì đáng ngại. Vấn đề quan trọng là hiệu quả đầu tư. Khi đầu tư bất cứ thứ gì thì nên cân nhắc trên phạm vi thành phố, không nên tập trung hết vào quận 1. Quận 1 có ưu thế rất lớn, nhiều thuận lợi như địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, thu vượt cao… nhưng nếu chi cả nghìn tỷ đồng vào mục đích “trang sức” thì quá lãng phí.

Theo Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM