Đừng sợ nhân viên nghỉ Tết lâu quá, sếp Tây có cách vừa để nhân viên nghỉ làm không giới hạn, vẫn đạt hiệu quả cao

18/01/2017 08:06 AM | Kinh doanh

Một số sếp lo ngại rằng việc áp dụng chính sách nghỉ vô thời hạn sẽ khiến nhân viên lạm dụng chúng, gây tổn hại đến năng suất của công ty nhưng thực tế không phải vậy.

Kỳ nghỉ không giới hạn vẫn luôn là chủ đề nóng mang đến cho cái nhìn mới về chính sách đãi ngộ. Vào đầu mùa thu vừa rồi, Kickstarter đã hủy bỏ chính sách nghỉ không giới hạn thời gian của mình nhằm khuyến khích nhân viên nghỉ ít đi.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều người ủng hộ việc nghỉ không giới hạn, khiến mức cân bằng giữa công việc-cuộc sống càng khó nắm bắt hơn. Một số sếp khác lo ngại rằng việc áp dụng chính sách nghỉ vô thời hạn sẽ khiến nhân viên lạm dụng chúng, gây tổn hại đến năng suất của công ty.

Tuy nhiên, sau khoảng một năm áp dụng chính sách nghỉ không giới hạn, chúng tôi đã phát hiện ra một số vấn đề khác.

Một năm với những ngày nghỉ được trả lương không giới hạn

Năm ngoái, Mammoth, công ty chúng tôi quyết định đưa ra chính sách nghỉ vô thời hạn. Dù chỉ là công ty nhỏ nhưng chúng tôi thích những chính sách truyền đạt được niềm tin cho nhân viên, hỗ trợ cuộc sống của chính họ và gia đình, giảm thiểu quan liêu. Chúng tôi quyết định thử nghiệm chính sách này trong 1 năm để có cơ sở đánh giá.

Trong suốt 1 năm đó, chính sách này trở thành một trong những phúc lợi giá trị nhất với nhân viên của công ty. Trước khi hết thời gian 1 năm, chúng tôi có tiến hành một bài khảo sát. Vượt qua các chính sách khác, nhân viên đã đánh giá chính sách này cao thứ 3 trong số những phúc lợi họ được hưởng (sau bảo hiểm y tế và lương hưu).

Không ngạc nhiên khi mọi người thích được nghỉ không giới hạn,nhưng điều chúng tôi ngạc nhiên nhất là: Trong suốt năm qua, số ngày nghỉ phép của nhân viên theo chính sách mới cũng chỉ bằng số ngày nghỉ những năm trước đó theo hệ thống cũ.

Hầu hết nhân viên của chúng tôi, dù theo chính sách nào thì họ cũng nghỉ phép khoảng 3 tuần/năm, cộng thêm khoảng 10 ngày nghỉ lễ nữa khiến tổng ngày nghỉ khoảng 5 tuần mỗi năm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu kỳ nghỉ không giới hạn không ảnh hưởng đáng kể đến số ngày nhân viên nghỉ, vậy tại sao chính sách này lại được đánh giá cao đến vậy?

Ba thông điệp ẩn của kỳ nghỉ không giới hạn

Đầu tiên, việc đưa ra kỳ nghỉ không giới hạn thể hiện rằng công ty quan tâm đến nhân viên một cách toàn diện. Công ty thừa nhận rằng nhân viên có những nhu cầu ngoài công việc đột xuất, không phải lúc nào cũng được sắp xếp trước. Miễn là nhân viên có thể sắp xếp công việc, họ có thể linh hoạt sắp xếp công việc cá nhân mà chẳng cần lo những chính sách cứng nhắc người chủ đưa ra.

Thứ hai, chính sách nghỉ không giới hạn truyền tải sự tin cậy, khiến nhân viên có tính thần trách nhiệm, đảm bảo công việc và dự án họ thực hiện vẫn hoàn thành trong thời gian họ không ở văn phòng.

Thứ ba, chính sách này khiến nhân viên được coi như những cá thể độc lập. Thời gian nghỉ phép là vấn đề cá nhân. Hỏi 5 nhân viên về thời gian nghỉ phép họ cần, họ sẽ đưa ra cho bạn 5 câu trả lời khác nhau. Hỏi cùng một người nhưng ở 2 thời điểm khác nhau, bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời khác nhau. Phong cách làm việc và cuộc sống cá nhân luôn khác nhau, từ người này đến người khác, từ năm này sang năm khác. Mỗi người đều cần thời gian nghỉ ngơi khác nhau để có được cuộc sống lành mạnh, hiệu quả hơn, chính sách giúp nhân viên có sự tự do để thích nghi với hoàn cảnh.

5 bí quyết để áp dụng thành công chính sách nghỉ không giới hạn

Dựa vào kinh nghiệm trong suốt năm qua và hưởng ứng từ nhân viên, chúng tôi vẫn tiếp tục áp dụng chính sách nghỉ phép vô thời hạn ở Mammoth. Tôi xin đưa ra một số cải tiến để các công ty khác xem xét nếu muốn áp dụng.

1. Xem xét một cái tên khác. Ít nhất trong trường hợp của chúng tôi, “nghỉ phép không giới hạn” không phù hợp lắm. Sẽ luôn có giới hạn thời gian nhân viên nghỉ phép (Ví dụ trong trường hợp công việc bị ngừng trệ). Thuật ngữ “kỳ nghỉ không giới hạn” không nhấn mạnh được sự chuyên nghiệp và hợp tác của chúng tôi. Thay vì dùng những từ giật gân, hãy thay thế bằng những cụm từ như “linh hoạt”, “tự chủ”, “cá nhân” hay thậm chí là “kỳ nghỉ có trách nhiệm”. Tên chính sách phải truyền tải cả mục đích đằng sau, chứ không phải chỉ là bức tranh biếm họa.

2. Hướng chính sách đến giá trị của công ty. Một trong những giá trị của công ty chúng tôi là “quan tâm đến cốt lõi”. Hiện nay chúng tôi đưa chính sách nghỉ vào trong giá trị của công ty, để nhân viên hiểu tại sao chúng tôi có nó, điều hướng như thế nào và vai trò trong nuôi dưỡng văn hóa công ty ra sao.

3. Hãy truyền đạt thời gian nghỉ như một con đường 2 chiều. Chúng tôi để nhân viên có sự linh hoạt trong cuộc sống cá nhân. Nhưng để đổi lại thì chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên thực hiện sứ mệnh, đảm bảo công việc hoàn thành tốt. Khi đó, công ty có thể phát triển mạnh, khách hàng được hỗ trợ và đồng nghiệp của họ cũng có thể cân bằng công việc và cuộc sống.

4. Đưa ra hướng dẫn về quy trình phê duyệt nghỉ phép. Một số hướng dẫn đơn giản sẽ giúp nhân viên biết được khi nào họ có thể xin nghỉ phép và khi nào không.

5. Đừng quá chú tâm vào thời gian mà quên đi sự đóng góp. Hãy ngừng tự hỏi: Làm việc bao nhiêu thì đủ, nghỉ như thế có nhiều không? Các sếp hãy dùng những công cụ khác để đánh giá đóng góp của nhân viên, giúp họ yên tâm sắp xếp lịch trình của mình hơn.

Chính sách nghỉ vô thời hạn chẳng thể phù hợp với tất cả các công ty. Nhưng nếu bạn nghĩ nó sẽ phù hợp với nhóm của mình, đừng cố ngăn chặn hay nghĩ cách để nhân viên không lạm dụng. Theo kinh nghiệm của tôi, đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ. Thay vào đó, hãy tập trung kết nối chính sách với văn hóa, truyền đạt cho các thành viên để mọi người đều được hưởng lợi.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM