Đừng nhầm lẫn sốt xuất huyết với cảm cúm thông thường

21/07/2017 20:00 PM | Sống

Sốt xuất huyết với cảm cúm thông thường. Nhiều bệnh nhân chủ quan khi bị nóng sốt không đi kiểm tra thăm khám kịp thời khiến sốt xuất huyết diễn tiến nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, anh Lê Hồng Phi (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) vẫn đang sốt nóng, toàn thân ửng đỏ. Người nhà anh cho biết, anh đã sốt liên tục 5 ngày và sáng nay (19/7) mới nhập viện. Gia đình cho biết, tại ấp đã có 4 người mắc bệnh và 2 ấp lân cận đã có khoảng 50 người sốt xuất huyết .

Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã kín bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng như sốc thoát huyết tương, xuất huyết nặng, suy đa tạng. Đã có 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết tại đây.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyên người dân bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần lưu ý đến bệnh để cho bệnh nhân xét nghiệm máu xem tiểu cầu có giảm...

Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, có thể dùng paracetamol hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ). Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Người bệnh thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày, từ ngày thứ hai trở đi có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

Có người chỉ sốt, sau vài ngày đã dẫn đến sốc. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng. Nhiều trường hợp bị chảy máu dạ dày, rong kinh kéo dài, mất nhiều máu. Nếu không được điều trị và hỗ trợ truyền máu kịp thời, nguy cơ người bệnh tử vong rất cao.

Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văc xin phòng bệnh. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.

Theo An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM