Đừng nhầm lẫn giữa kỷ luật và thiết quân luật, doanh nghiệp có kỷ luật chặt chẽ vẫn có thể khiến nhân viên hài lòng

19/08/2017 14:41 PM | Kinh doanh

Kỷ luật là một cái khung mà trong đó anh em nhân viên công ty biết mình được làm gì và không được làm gì. Dựa trên cái khung này, người lãnh đạo có thể căn chỉnh để ra quyết định và nhân viên sẽ hiểu rằng công ty đang rắn lên hay đang thả lỏng hơn.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Kỷ luật có nhất thiết là phải cứng" của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.


Khi tôi nói tới vấn đề áp kỷ luật tại công ty, ngay lập tức có nhiều anh/chị chủ doanh nghiệp sẽ có ý kiến cho rằng cần phải linh hoạt, lúc cứng lúc mềm, chứ không thể lúc nào cũng cứng nhắc được.

Những anh/chị ấy nhiều khả năng mắc phải một định kiến, là cứ hễ nói tới kỷ luật sẽ hiểu ngay là nói tới việc thiết quân luật - không có du di trong áp dụng. Nhưng thực tế, họ quên mất rằng chúng ta là con người, cả bên đưa ra kỷ luật lẫn bên được áp kỷ luật. Con người khác máy móc chính ở chỗ không bao giờ chính xác được 100% cả! Sai số luôn cao hơn máy móc và luôn có một sự điều chỉnh nào đó!

Mở đầu mỗi lần nói về việc mở công ty ra sao hay chấn chỉnh một hệ thống có sẵn như thế nào, tôi hay nói về kỷ luật. Về thực chất, kỷ luật là thứ cần có để tạo ra một nền tảng hoạt động chung, một cái khung mà trong đó anh em nhân viên công ty biết mình được làm gì và không được làm gì. Tức là nó tạo ra một môi trường phù hợp cho công ty phát triển qua những hành vi đúng của các thành viên.

Trên cái khung đó, người ta mới đưa ra được quyết định theo kiểu tuỳ tình huống là áp dụng hay không áp dụng cái nào. Tôi hoàn toàn phản đối quan điểm không cần có kỷ luật mà chỉ cần linh hoạt lúc cứng lúc mềm là đủ. Bởi lẽ, không có kỷ luật tức là không có chuẩn mực, mà đã không có chuẩn mực thì khi phát sinh vấn đề sẽ không thống nhất được với nhau. Chẳng hạn như, lúc giám đốc cho rằng chỉ tiêu doanh số tháng này là nhẹ nhàng thì nhân viên lại vẫn coi đó là quá cao.

Muốn mọi người hiểu thế nào là cứng là mềm thì đầu tiên ông chủ phải đưa ra một con số, một tiêu chí hoặc một quy trình làm chuẩn đã. Kỷ luật nằm ở chính việc đó! Chuẩn này là mức mà khi giám đốc ra quyết định thì mọi người có thể nhìn vào đó và hiểu rằng ông ấy đang rắn lên hay đang thả lỏng cho mọi người thoải mái!

Do vậy, dù phong cách giám đốc ra sao, thì khi áp dụng cứng hay mềm cứ phải có luật cái đã.

Nói về kỷ luật, chúng ta nên xem cách xử sự của Donald Trump trong series The Apprentice. Giám khảo có 3 người, khi quyết định việc gì đó, bao giờ Trump cũng hỏi ý kiến hai người còn lại, tuy nhiên, do đó là show của ông ta, nên quyết định cuối cùng sẽ do chính Trump đưa ra. Hai người còn lại có định ý kiến hay phản biện gì, thì ông ta cũng chỉ quay sang nói đơn giản: "Tôi quyết định như vậy, tôi chịu trách nhiệm về quyết định này!". Vậy là hai người kia sẽ không cần phải nói thêm nữa.

Và cách xử lý đó cũng chính là một dạng kỷ luật: Sếp đã quyết thì đừng hỏi!

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM