Dùng đũa gắp thức ăn cho người khác: Là nét văn hóa thân thiện hay sự tuềnh toàng thiếu tinh tế?

15/07/2019 11:18 AM | Sống

Nét đẹp văn hóa Việt Nam là ở chỗ ăn trông nồi ngồi trông hướng, liệu cơm gắp mắm, liệu kinh tế mà bày biện chứ đâu phải ở cái chuyện gắp mời nhau ăn.

Tôi không ăn được nước mắm sống. Xin lỗi các quý cụ nguyện sống chết cùng nước mắm, tôi phải nói rõ nguyên nhân trước khi nói tiếp chuyện sau. Chị nào nhạy cảm xin lướt qua phần này. Đấy là, tôi không ăn được nước mắm vì với tôi, nó tanh, gây cảm giác rất không ngon trong miệng. Miếng ăn ngon mấy dính chút nước mắm tôi cũng bỏ thẳng cánh, không cách nào ăn được.

Thế rồi một lần ăn tiệc, có người thân, người sơ, người quen, người lạ nhưng ngồi quanh bàn ăn một lúc thì ai cũng thành quen hết, mọi người chuyện trò rất vồn vã. Một vị khách nọ chọn miếng thịt gà luộc nhìn ngon lắm, nhiều nạc vàng ươm, cẩn thận chấm kỹ vào chén nước mắm rồi… với qua, gật gật đầu bảo tôi chìa chén ra.

Ối thần linh ơi!

Các cụ thấy Từ Hải chết đứng giữa trận tiền như thế nào chưa? Tôi cũng chưa, nhưng bữa đó tôi chính là Từ Hải đấy rồi.

Dùng đũa gắp thức ăn cho người khác: Là nét văn hóa thân thiện hay sự tuềnh toàng thiếu tinh tế? - Ảnh 1.

Giữa bàn ăn đông người, tôi không thể không nhận miếng ăn ngon mà người khác (đoán là quý mình, quan tâm đến mình) chọn gắp cho như thế. Nhưng chỉ nhìn thấy cách nó lăn và thấm kỹ trên chén nước mắm tôi đã dội ngược huống hồ cho vào miệng.

Nhưng Từ Hải hy sinh, còn tôi dứt khoát không. Tôi tươi cười chìa cái chén ra với anh khách, miệng cảm ơn, dù ruột đứt phừn phựt. Đã thế ông trời trêu ngươi, thường chén nước mắm ăn tiệc chỉ là nước chấm pha chế nhạt đi rất nhiều, nhưng hôm ấy, lại nước mắm nguyên chất!

Dùng đũa gắp thức ăn cho người khác: Là nét văn hóa thân thiện hay sự tuềnh toàng thiếu tinh tế? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bưng cái chén về, mùi nước mắm xộc lên mũi, tôi hết tinh thần ăn uống. Nhìn miếng thịt gà ngon chết người nằm phía trên và dính nước mắm vào thức ăn có trước, lòng tôi khóc hận vì cả cái chén ấy tôi không cách nào ăn được nữa. Bụng sôi réo, ngồi trước thức ăn ngon lành mà không thể nhai nuốt vào bụng, thê lương đến vô cực, bạn hiểu hôn?

Tôi đành để nó xuống cạnh, giả đò cười cười uống nước tám chuyện. Rình tới lúc êm êm coi bộ không ai để ý, mới kiếm cái chén mới để tiếp tục chiến đấu.

Các cụ có thương xót cho tôi không? Vừa đói, vừa phụ tấm lòng tốt của người khác, vừa bỏ dư thức ăn phí phạm nữa. Tất cả chỉ vì sự nhiệt tình không đúng chỗ.

Dùng đũa gắp thức ăn cho người khác: Là nét văn hóa thân thiện hay sự tuềnh toàng thiếu tinh tế? - Ảnh 3.

Trong một diễn đàn khá lớn trên mạng xã hội, nhiều người đang hăng hái cãi nhau chuyện có nên dùng đũa cá nhân gắp thức ăn cho người lạ hay không . Người bảo không được, mất vệ sinh, coi chừng gắp trúng thứ người ta không thích (như tôi).

Phe ngược lại nói đấy là văn hóa truyền thống mấy nghìn năm, văn minh lúa nước, văn minh làng xã nét đẹp Việt Nam, thể hiện sự quan tâm chăm sóc, quý yêu nhau mới thế; gắp cho nhau chứng tỏ sự tinh tế, biết sẻ chia, không ích kỷ. "Ngồi ăn cỗ với bề trên bảo gắp chung như thế mất vệ sinh xem các cụ có đánh cho không". Có người nói chỉ người nước ngoài, không thuộc văn hóa Việt mới áp đặt thói quen ăn muỗng nĩa vào cho Việt Nam mới phê phán ngây ngô như thế.

Nhưng, văn hóa mấy nghìn năm Việt Nam nào có cỏn con và hẹp hòi. Sự quan tâm, sẻ chia là "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "Đói lòng ăn đọt chà là/ Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng", hay "Nhà em có vại cà đầy/ Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương/ Dầu không mỹ vị cao lương/ Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em"… Chứ chẳng có bề trên hay cha ông nào trách việc ăn uống vệ sinh, đẹp mắt cả.

Dùng đũa gắp thức ăn cho người khác: Là nét văn hóa thân thiện hay sự tuềnh toàng thiếu tinh tế? - Ảnh 4.

Đôi đũa vừa ăn vào miệng mình (có người còn mút đũa chùn chụt nữa cơ), lại tiếp tục gắp thức ăn cho người khác, nhìn đã thấy "không được an toàn", làm sao có thể cưỡng bức gọi là nét đẹp văn hóa. Một bát nước mắm chấm chung cho cả nhà cũng thế. Vừa bất tiện, vừa không thể chiều khẩu vị riêng từng người, vừa nhễu nhão nhỏ nước từ rau hay các món khác khiến nó đầy cặn, đục ngầu xấu xí và mất vệ sinh nữa.

Bạn vẫn thường tránh hút chung ống hút với người khác khi đi cà phê, hay dặn lòng cố mà né nơi dấu môi trên vành cốc của người uống trước khi cực chẳng đã hai người chung một ly trà (đặc biệt khi người đó là người khác giới); vậy tại sao lại không cảm thấy dị hoặc khi một cá thể không phải bạn, dùng đôi đũa đã được đưa vào miệng họ, dính nước bọt và hàng tá enzyme khác để gắp cho bạn một miếng ăn? Hôn gián tiếp cũng có cùng cơ chế ấy đấy, thưa các anh chị.

Các anh chị ạ, nếu muốn lấy thức ăn giùm người khác, hãy dùng chiếc muỗng chung trong các bát canh, đĩa xào, nồi lẩu, tuyệt đối đừng nhúng đôi đũa cá nhân vào phần thức ăn chung. Mỗi người nên có một hoặc vài chén nước chấm riêng pha chế theo khẩu vị cá nhân.

Dùng đũa gắp thức ăn cho người khác: Là nét văn hóa thân thiện hay sự tuềnh toàng thiếu tinh tế? - Ảnh 5.

Vào bữa ăn thì ân cần lấy miếng ngon, mềm cho người già, xem chừng con trẻ. Cử động thì xem người ngồi cạnh mình để đừng làm vướng víu nhau. Nói chuyện vui tươi từ tốn, đừng mở miệng quá trớn để khỏi thêm gia vị bất đắc dĩ cho các món ăn phía trước. Ăn xong cùng nhau dọn dẹp. Đừng hết bữa thì phủi tay để đống chén bát cho phụ nữ dọn dẹp, còn mình lỉnh đi làm chén chè bồm, đá điếu thuốc rưng rưng nước mắt ca ngợi về truyền thống Việt Nam với nét đẹp tần tảo cánh cò cánh vạc.

Cò vạc nó viết đơn ly hôn cho, rồi lại ngồi đấy mà nước mắt lưng tròng.

Theo Hoàng Xuân

Cùng chuyên mục
XEM