Đừng đổ lỗi rằng chúng tôi lười biếng, ỷ lại, hãy thấu hiểu và thông cảm cho một thế hệ 9X đang đương đầu với con quái vật mang tên "khủng hoảng tuổi đôi mươi"

07/03/2019 16:42 PM | Sống

Tuổi trẻ có những thứ áp lực không ngờ! Khi tôi làm tốt công việc thì cuộc sống của bản thân lại trở thành một mớ hỗn độn...

1. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng mình cảm thấy thư giãn là khi nào. Mỗi khi đặt mình xuống giường hay định làm một việc nào đó mang tính giải trí, danh sách những việc cần làm lại xẹt qua trí óc tôi như một dòng điện. Tôi cảm thấy tội lỗi. Tại sao tôi lại nằm nghỉ trong khi tôi đáng ra nên dọn nhà hay thực hiện nốt công việc cho kịp deadline?

Não tôi dường như hoạt động 24/7, lúc nào cũng trong trạng thái căng như dây đàn khi nghĩ về đống việc cần làm. Mệt mỏi, stress, đó là hai từ duy nhất tôi sẽ dùng để miêu tả tình trạng của mình bây giờ.

Tôi dám chắc tôi không phải là người duy nhất đang đối mặt với cơn khủng hoảng tuổi 20. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng người ta ước tính khoảng 49% những người thuộc độ tuổi từ 18 đến 29 cảm thấy áp lực trước sự cạnh tranh. Đáng chú ý hơn, tình trạng trên có thể dẫn tới stress kéo dài và để lại hệ quả là sự cạn kiệt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Giả thiết thế hệ 9x đang phải chịu đựng một dạng khủng hoảng tinh thần lần đầu được đưa ra trên trang BuzzFeed bởi Anne Helen Petersen. Theo bà, lằn ranh công việc – cuộc sống vốn dĩ đã mỏng manh này với sự trợ giúp của công nghệ lại càng mờ nhạt hơn. Và đó cũng chính là lý do dẫn tới sự mất cân bằng trong đời sống của các bạn trẻ ngày nay.

 Đừng đổ lỗi rằng chúng tôi lười biếng, ỷ lại, hãy thấu hiểu và thông cảm cho một thế hệ 9X đang đương đầu với con quái vật mang tên khủng hoảng tuổi đôi mươi  - Ảnh 1.

2.Trở lại với trường hợp của tôi, công việc là ưu tiên hàng đầu. Tôi không bao giờ đọc mail quá vài tiếng đồng hồ, mang máy tính lên giường làm việc là điều không còn lạ lùng. Nhưng bên cạnh sự nghiệp đáng mơ ước, hiếm ai biết đời sống cá nhân của tôi là một mớ hỗn độn.

Tôi có cả tá đầu việc mà tôi biết sẽ chẳng bao giờ được hoàn thành. Tôi thậm chí còn tự gửi email cho chính mình trước khi đi ngủ để khi sáng mai thức dậy, chúng là thứ đầu tiên tôi thấy, để nhắc tôi nhớ mình cần làm những gì. Tất cả những nỗ lực đó, đều vô dụng. Chẳng có gì được hoàn thiện đến nơi đến chốn.

Danh sách những việc cần làm thì cứ dài ra còn tôi thì lúc nào cũng cảm thấy quá tải. Trong những lúc đó, não bộ trở nên thừa thãi một cách kinh khủng. Cuộc đời tôi là một vòng lặp bắt đầu bằng và kết thúc cũng bằng sự mệt mỏi.

3.Tôi bắt đầu chia quỹ thời gian của mình cho 4 ưu tiên cơ bản nhất: công việc, gia đình, bạn bè và các mối quan hệ khác. Thành thực mà nói, tôi muốn dành cho tất cả sự ưu tiên tương đương nhưng tôi không thể vì tôi đơn giản là không có đủ thời gian. Tôi không thể ngừng trách bản thân vì chưa cố gắng hết sức, tôi mệt mỏi, căng thẳng với thứ mà tôi gọi là trách nhiệm.

Thật lạ là giữa đống hổ lốn đó, tôi chưa một lần lỡ deadline công việc. Cuộc sống mà, bạn phải đánh đổi. Với tôi, hi sinh đời sống cá nhân cho công việc và thứ tôi nhận được là một sự nghiệp triển vọng đi kèm với sự thất vọng khi liên tục lỡ hẹn với bạn bè, người thân.

Trạng thái tâm lý ảnh hưởng xấu đến mọi khía cạnh cuộc sống nhưng tôi không thể chạy thoát khỏi nó. Và đây cũng là triệu chứng chính cho cơn khủng hoảng tuổi 20.

Bạn cảm thấy mệt mỏi với mọi thứ, chán ghét sự vô dụng của bản thân, bất lực với thực tại. Với những người đang chịu đựng khủng hoảng tâm lý, cảm giác tiêu cực là thứ xâm chiếm tâm hồn họ. Họ thường xuyên cảm thấy “chưa tới”, thiếu thỏa mãn, thậm chí giận dữ với mọi việc. Thậm chí, ở một mức độ nào đó, khủng hoảng tâm lý còn gây nên những cơn đau về mặt thể chất.

 Đừng đổ lỗi rằng chúng tôi lười biếng, ỷ lại, hãy thấu hiểu và thông cảm cho một thế hệ 9X đang đương đầu với con quái vật mang tên khủng hoảng tuổi đôi mươi  - Ảnh 2.

Theo nhà tâm lý học người Anh Beverly Hills, kỳ vọng từ phía gia đình, xã hội là căn nguyên trực tiếp gây nên tình trạng đáng báo động nói trên trong giới trẻ. Còn mạng xã hội, chính là chiếc âm li khuếch đại tác động của những kỳ vọng thái quá lên người trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay, họ sợ phải thất bại, sợ rằng mình sẽ không bắt kịp bạn bè đồng lứa, thậm chí, sợ thành công.

Đáng báo động hơn, stress, khủng hoảng kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm hay các suy nghĩ tiêu cực như tự tử. Vì thế, nếu thấy có biểu hiện, bạn trẻ hãy gặp bác sĩ tâm lý để có liệu trình điều trị phù hợp.

4. Với tôi, điều khó khăn nhất từng gặp phải trong quá trình trị liệu là vượt rào cản tâm lý mang tên: “Tôi không được phép gục ngã.” Tôi cho rằng nỗ lực mình bỏ ra là chưa đủ để có thể được mệt mỏi và nghỉ ngơi đôi chút.

Tôi hay so sánh mình với mẹ, một người phụ nữ đơn thân một tay gánh vác 3 vị trí công việc để có tiền nuôi lớn 2 đứa con thơ. Với tôi, mẹ là hình mẫu. Mẹ tôi đã vất vả đến như vậy nhưng không bao giờ kêu than một tiếng nên tôi, người chưa cố gắng bằng một nửa của mẹ, càng không được phép cảm thấy mệt mỏi chỉ là trong giây lát.

Thời thế đã đổi thay. Với thế hệ 9x chúng ta, làm việc không bao giờ là đủ, “bình thường” chỉ là khái niệm dành cho kẻ thiếu chí tiến thủ, chúng ta cần không ngừng chinh phạt những lĩnh vực mới. Cuộc sống là không giới hạn với sự phát triển của Internet. Mẹ tôi thì khác, bà không cần sự công nhận từ người khác cho những gì mình làm nhưng chúng ta, thế hệ trẻ không như vậy. Chúng ta sống dưới sự đánh giá của cả xã hội.

Quan niệm về thành công cũng thay đổi trong thời đại này. “Có việc”, “đủ sống” là chưa đủ. Muốn được thán phục, bạn cần có một công việc thú vị, có thành tựu.

Điều tương tự cũng xảy ra với quan niệm về lối sống lành mạnh. Với thời của mẹ tôi, nó chỉ đơn giản là có cơm ăn 3 bữa, trong tủ còn quần áo sạch để mặc. Nhưng với chúng ta, đó còn là ăn sạch, có body đẹp, đi spa chăm sóc da thường xuyên... Tất cả mọi tiêu chuẩn cuộc sống đều được đặt ở mức cao nhất. Thật mệt mỏi khi phải sống trong xã hội cầu toàn đến vậy!

 Đừng đổ lỗi rằng chúng tôi lười biếng, ỷ lại, hãy thấu hiểu và thông cảm cho một thế hệ 9X đang đương đầu với con quái vật mang tên khủng hoảng tuổi đôi mươi  - Ảnh 3.

5. Mức độ trầm cảm ngày càng gia tăng nhanh, nhưng tất cả những gì tôi làm là nằm trên giường và chẳng thèm động tay vào những việc đơn giản nhất. Tôi không ngừng đổ mồ hôi khi nghĩ đến đống việc cần làm. Tôi cáu gắt với những người xung quanh. Cảm giác như tôi đã biến thành người khác vậy.

Nếu bạn muốn hỏi xin lời khuyên để vượt qua cơn khủng hoảng này thì xin lỗi bởi có lẽ chính bản thân tôi cũng chưa định hình ra. Gặp bác sĩ tâm lý, nghỉ ngơi, viết lách để điều hòa cảm xúc, tâm sự cùng bạn bè, tất cả tôi đã thử nhưng dường như mọi thứ chưa đi đến đâu. Lời khuyên tốt nhất bây giờ có lẽ là hãy cởi mở hơn bởi bằng cách đó, ít nhất bạn có thể biết còn những người giống bạn, bạn không cô độc.

Có thể nhiều người nói rằng đây chỉ là vấn đề cỏn con của lũ trẻ mới lớn, quen hưởng thụ. Cuộc sống của cha ông ta khó khăn về mặt vật chất còn cuộc sống của chúng ta, khốc liệt theo một cách hoàn toàn khác. Nhưng đừng vội vàng đánh giá khi bạn không rõ họ đã phải đối mặt với những điều gì.

Tuổi trẻ là khi người ta mông lung, nhưng cũng là lúc dễ thay đổi nhất. Bạn chỉ cần linh hoạt với lựa chọn của mình, nỗ lực cải thiện thì những điều bạn lo lắng sẽ dần dần tốt lên.

* Theo chia sẻ của Rhiân, 28 tuổi trên BBC.

Theo Minh An

Cùng chuyên mục
XEM