Đừng đẩy con ra nước ngoài du học khi các con còn chưa biết… luộc trứng

15/08/2016 10:44 AM | Nghề nghiệp

Du học sinh Việt Nam thường gặp phải vấn đề thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng phó với thất bại, kỹ năng ứng xử và nhiều kỹ năng khác để có một cuộc sống tốt, được bạn bè tôn trọng nơi xứ người.

Các bài viết trước:

Lãi hơn 100 triệu đồng/du học sinh, nhiều công ty du học Nhật kiếm siêu lợi nhuận

Du học Nhật: Đừng để cảnh hồ hởi tiễn con đi, đón con về trong nước mắt

Vạch trần mánh lới phù phép hồ sơ để kiếm bộn tiền của các công ty du học Nhật gian dối


Cách đây khoảng 10 năm, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật được phen choáng váng khi biết thông tin Hoàng Thanh Thủy, một sinh viên đang theo học hệ Tiến sỹ tại trường đại học lớn ở Tokyo cắt tay tự tử.

Theo lời kể của chồng Thủy, vốn cũng là một sinh viên khác đang học hệ tiến sỹ, thì những ngày trước đó, Thủy có phàn nàn về việc cô và giáo sư mâu thuẫn về ý tưởng làm luận án. Mâu thuẫn khá gay gắt khiến Thủy rất phiền lòng.

Chồng Thủy cho biết anh có đi vắng vài ngày vì buổi hội thảo khoa học khi quay về đã thấy Thủy cắt tay tự tử trong nhà tắm. Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát cho biết đây hoàn toàn là một vụ tự tử, không có tác động của ngoại lực.

Còn bố mẹ Thủy, vốn là trưởng khoa của một trường đại học lớn trong nước, cũng rất sốc khi nghe tin con gái lớn của mình tự tử. Trước đó, Thủy có tâm sự về mâu thuẫn với giáo sư, nhưng thực ra, với kinh nghiệm đã học tiến sỹ ở nước ngoài, bố mẹ Thủy nghĩ rằng những bất đồng với giáo sư trong quá trình làm luận án cũng là điều bình thường, ai cũng sẽ như vậy nên khuyên Thủy cứ bình tĩnh giải quyết hoặc xin đổi giáo sư.

Thông thường chương trình học tiến sỹ ở Nhật kéo dài 3 năm, nhưng nếu có trục trặc kiểu như Thủy trong quá trình làm luận án, chương trình có thể kéo dài đến 5 năm, sinh viên cũng không gặp khó khăn gì.

Không ai có thể tưởng tượng rằng với vấn đề chỉ ở mức độ như vậy mà Thủy lại có thể tự tử. Theo mẹ Thủy, với thành tích 12 năm học xuất sắc, thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 60 điểm/6 môn học, giải nhất toán châu Á – Thái Bình Dương, thủ khoa đầu vào cùng thủ khoa đầu ra tại trường đại học, rồi thủ khoa thạc sỹ tại Nhật và được học thẳng lên tiến sỹ, cú sốc thất bại của Thủy trong chương trình tiến sỹ khiến cô có thể đã không chịu được áp lực dẫn đến hành vi tiêu cực trên.

Nếu cô từng thất bại, từng không thành công ở thời điểm nào đó trong cuộc đời, hẳn cô cũng đã có khả năng chống đỡ tốt hơn với những khó khăn.

Trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật ngay trong năm 2016 này, tại một buổi sinh hoạt chung, có một câu hỏi khiến hai sinh viên dù được học bổng toàn phần nhưng không thể trả lời nổi khiến mọi người rất ngạc nhiên.

Đó là khi MC chương trình gọi 3 người lên sân khấu đố vui, câu hỏi cuối cùng là muốn luộc trứng chín mềm còn lòng đào thì cần bao nhiêu phút khi nước sôi? Và thật ngạc nhiên với tất cả khán giả trong hội trường, khi có hai nữ sinh đã không thể trả lời nổi câu hỏi đó dù hai em đang theo học với học bổng toàn phần tại trường đại học vô cùng danh tiếng tại Tokyo.

Còn không tính đến nhóm những em sinh viên nhận học bổng toàn phần thì cộng đồng du học sinh du học tự túc người Việt Nam tại Nhật cũng quá tai tiếng vì trộm cắp, lừa đảo, đâm chém lẫn nhau.

Nói rộng ra, du học sinh Việt Nam thường gặp phải vấn đề thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng phó với thất bại, kỹ năng ứng xử và nhiều kỹ năng khác để có một cuộc sống tốt, được bạn bè tôn trọng nơi xứ người.

Từng có thời gian khá dài sống và học tập tại châu Á cũng như châu Âu, người viết nhận thấy trong các bảng xếp hạng về thành tích học tập, điểm số trên trường lớp, sinh viên Việt Nam thường xếp ở trong top đầu.

Tuy nhiên trong các hoạt động nhóm hay khi hoạt động tập thể như văn nghệ, tài năng, làm sự kiện, hung biện bằng tiếng nước ngoài, sinh viên Việt Nam thua xa sinh viên các nước phát triển.

Còn nếu tính trong khu vực châu Á, sinh viên Việt Nam hoạt động tập thể cũng không bằng sinh viên Malaysia hay Philippines, chứ chưa nói đến Nhật hay Hàn Quốc. So với người Nhật, từng cá nhân Nhật làm việc và hoạt động tập thể có kỹ năng và ra hiệu quả tốt hơn Việt Nam. Khi làm việc tập thể, sức mạnh của người Nhật được nhân lên gấp nhiều lần bởi họ đã được rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể từ bé.

Khi mà sinh viên Việt Nam quá thiếu kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập như vậy trong môi trường quốc tế, đã có bao giờ các bậc cha mẹ tự hỏi từ khi con còn bé cho đến khi lớn, ngoài việc ép con học cho thật nhiều cho bằng bạn bằng bè, được bao nhiêu lần bố mẹ khuyến khích con các kỹ năng sinh tồn trong hoàn cảnh nguy hiểm, kỹ năng làm người lịch sự văn minh, hay khuyến khích con tự học thêm các kỹ năng mềm như đàn, hát, khiêu vũ, hội họa?

Trong chương trình phổ thông ở Việt Nam, tất cả những môn như nhạc, họa, bơi lội vẫn chỉ coi như những môn phụ. Dù đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các bậc phụ huynh trong những năm gần đây nhưng thời lượng vẫn còn quá ít so với các nước phát triển. Tại bậc tiểu học ở Nhật, thời lượng dành cho các môn học đó chiếm gần nửa chương trình và được quản lý rất chặt chẽ.

Ngoài ra, bởi vì tâm lý coi trọng điểm số nên cha mẹ chỉ luôn ép con học các môn chính khóa để luôn đạt thành tích cao về điểm số chứ không quan tâm đến việc con có hạnh phúc khi phải học nhiều như vậy hay không. Chính vì thế, khi ra các môi trường quốc tế, dù có khả năng học vấn tốt nhưng không nhiều sinh viên Việt Nam thành công vượt trội nếu xét toàn diện các mặt.

Nhiều sinh viên ra nước ngoài du học vài ba năm nhưng ngoài giờ học, các em chủ yếu dành thời gian mua sắm, kinh doanh hàng về Việt Nam, đi du lịch theo kiểu “lấy được”, đi để chụp ảnh mà có khi chẳng dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương.

Khi các kỹ năng mềm quá yếu, chính sinh viên đã tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển rất quý giá của mình, dù là trong cũng như ngoài nước. Không chỉ thiếu kỹ năng mềm, sinh viên Việt Nam còn kém cả ngoại ngữ, tối thiểu là tiếng Anh chứ chưa nói đến 2-3 ngoại ngữ khác.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM