Đừng chết ở Ả-rập Xê-út: Cuốn sách về hiện thực phũ phàng nơi xứ người dành cho những ai mơ mộng đổi đời

02/12/2019 11:39 AM | Xem - Đọc

Những ngày qua dư luận xã hội xôn xao về trường hợp 39 người Việt, đa phần là những người trẻ tuổi bị chết ngạt trên một chiếc xe công-ten-nơ trong quá trình tìm cách trốn vào Anh quốc để lao động bất hợp pháp. Có rất nhiều luồng ý kiến xoay quanh sự việc này, trong đó nổi lên là sự xót thương cho những phận người phải đánh cược mạng sống để đổi lấy cơ hội kiếm tiền, thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thực tế không chỉ đường vào Anh quốc, mà rất nhiều thị trường xuất khẩu lao động trên thế giới cũng tiềm tàng nguy hiểm, như xứ sở nghìn lẻ một đêm được miêu tả trong cuốn sách: Đừng chết ở Ả-rập Xê-út "nổi như cồn" trong cộng đồng những người yêu sách tháng vừa qua.

Quyết định bốc đồng sau ly hôn

Trong cuốn sách Đừng chết ở Ả-rập Xê-út, Nghiêm Hương, tác giả cuốn sách kể lại lý do run rủi chị đi xuất khẩu lao động ở xứ sở nghìn lẻ một đêm; cũng như hành trình hơn 9 tháng tủi nhục, phải tìm mọi cách để có thể an toàn trở về quê hương.

Chị Nghiêm Hương kể, là một người thích phiêu lưu, chị quyết định đến Ả-rập Xê-út lao động để tìm lại cân bằng sau đổ vỡ hôn nhân, mà không hề tìm hiểu, lên kế hoạch kỹ càng cho quyết định này. Tin theo một mẩu quảng cáo hỗ trợ xuất khẩu lao động sang Ả-rập, chị nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết với mong muốn sẽ được làm đầu bếp đúng như sở trường và sở thích khi đến xứ người.

Tuy nhiên, chờ đợi chị là một thực tế phũ phàng: chị bị ép làm giúp việc cho nhiều gia đình, và bị đối xử không khác gì nô lệ trong các câu chuyện nghìn lẻ một đêm: Thường xuyên bị buộc lao động gần 20 tiếng, thậm chí 20 tiếng một ngày; phải nhịn đói khi không muốn ăn lại cơm thừa lẫn đầy xương xẩu bỏ đi của chủ; bị đánh đập tàn nhẫn khi làm trái ý của bà chủ; thường xuyên phải gắng sức chống trả với âm mưu cưỡng hiếp của vài ông chủ, thậm chí bị bà chủ nhốt và bỏ đói suýt chết khi bà ta phát hiện chồng mình có ý đồ xấu xa với người giúp việc…

285 ngày ở xứ người là hành trình tác giả cuốn sách phải gồng lên từng ngày để bảo toàn được mạng sống, để không chết vì kiệt sức và bị đối xử tàn tệ, để hy vọng tìm được cơ hội hồi hương trong bối cảnh công ty môi giới xuất khẩu lao động gần như "đem con bỏ chợ", trốn tránh trách nhiệm với người lao động, những người chủ Ả-rập coi người giúp việc như tầng lớp hạ đẳng tha hồ chà đạp, bóc lột sức lao động và quấy rối…

"Thực tế phũ phàng hơn những gì tôi tưởng tượng. Không có lời cảnh báo nào về việc bạn sẽ bị cưỡng hiếp. Chẳng có lời nào cho bạn biết bạn sẽ bị biến thành nô lệ. Và không có đường về", Nghiêm Hương viết.

Đừng chết ở Ả-rập Xê-út: Cuốn sách về hiện thực phũ phàng nơi xứ người dành cho những ai mơ mộng đổi đời - Ảnh 1.

"Hãy cân nhắc trước khi đặt bút ký vào một hợp đồng mang mác xuất khẩu lao động"

Hơn 9 tháng ở Ả-rập Xê-út, tác giả Nghiêm Hương phải trải qua bốn đời chủ, trong đó có một gia chủ tốt nhưng thời gian chị giúp việc cho họ không được bao lâu, bởi chi phí thuê người làm quá đắt đỏ và gia đình họ không thể thuê chị lâu dài (phần lớn chi phí này vào tay công ty môi giới).

Với ba đời chủ còn lại, tại nhà chủ đầu tiên chị phải đối mặt với nguy cơ bị ông chủ cưỡng bức và không ai đứng ra bảo vệ mỗi lần bà chủ vắng nhà. Tại nhà chủ thứ hai, chị thường xuyên bị bà chủ đánh đập khi không hài lòng "bà ta tát tôi đến chóng mặt vì không giữ bọn trẻ cho tốt để bà ta xấu hổ trước mặt mọi người"… Mức độ bạo hành thể xác tiếp tục tăng lên khi chị được chuyển đến nhà chủ thứ ba, dù đã cùng những người giúp việc khác "như những con vật câm lặng làm theo tiếng huýt gió của mama (bà chủ)".

Cuối cùng, tác giả cuốn sách đã phải lừa dối những người tốt bụng hiếm hoi cô gặp ở xứ người, nói dối về cái chết của mẹ mình, ngụy tạo vụ tự tử để có thể hồi hương; những hành động khiến chị phải sống trong sự áy náy và day dứt trong thời gian dài trước khi mở lòng với độc giả bằng cuốn sách này.

Và Đừng chết ở Ả-rập Xê-út là một cuốn tự truyện ngồn ngộn thực tế về cuộc sống nghẹt thở của một người phụ nữ trong thời gian làm giúp việc ở xứ sở nghìn lẻ một đêm. Viết ra cuốn sách này, tác giả cuốn sách muốn gửi đến độc giả một lời cảnh tỉnh về việc xuất khẩu lao động ở xứ người nói chung và xuất khẩu lao động ở Ả-rập Xê-út nói riêng. Thực tế, tiền bạc, sự đổi đời không có nghĩa lý gì nếu người lao động có thể chết vì bị hành hạ đến kiệt sức; hay chết trên con đường tìm đến xứ sở kiếm tiền mơ ước.

"Hãy cân nhắc trước khi trả giá, trước khi đặt bút ký vào một hợp đồng mang mác xuất khẩu lao động" (Nghiêm Hương - Đừng chết ở Ả-rập Xê-út)

Việt Hà- Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách

Cùng chuyên mục
XEM