Đừng an ủi: "Làm bài không được cũng không sao”, cha mẹ thông minh sẽ nói với con 3 điều này

11/12/2024 15:40 PM | Gia đình

Những lời nói của cha mẹ, dù là khuyên nhủ hay khích lệ đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và tư duy của con trẻ.

Khi nhìn thấy kết quả các bài thi hay bài kiểm tra của con cái không đạt được như kỳ vọng, một số phụ huynh sẽ có xu hướng trách mắng. Việc này vô hình trung sẽ gây nên những áp lực tâm lý không đáng có cho trẻ. Để xua tan sự lo lắng, hoảng sợ của trẻ, nhiều phụ huynh sẽ chọn cách nói những câu khích lệ như “Con làm bài không tốt cũng không sao đâu”. Tuy nhiên, cách an ủi này nếu sử dụng nhiều ngược lại sẽ dễ hình thành nên tâm lý ỷ lại, hoặc có thể khiến con cái càng để tâm đến việc bản thân thực sự đã luôn “làm không tốt”.

Daniel Wegener, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Harvard (Mỹ), đã tiến hành một thí nghiệm như sau: Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu cố gắng không nghĩ đến một "con gấu trắng". Nhưng không có ngoại lệ, tất cả mọi người đều không ngừng nghĩ đến nó và hình ảnh con gấu trắng sớm hiện lên trong tâm trí họ.

“Hiệu ứng gấu trắng” nổi tiếng này cũng được áp dụng trong giáo dục. Bạn càng không muốn con mình không bận tâm thì con sẽ càng quan tâm hơn. Ở một mức độ nào đó, đây là một loại hiệu ứng "củng cố tiêu cực". Việc thường nghe những câu “không sao đâu” lại khiến trẻ kém tự tin hơn khi học, hình thành sự kháng cự trong học tập và thi cử.

Vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, trong trường hợp này, các bậc cha mẹ thông minh sẽ có 3 cách giải quyết tốt hơn. Những phương pháp này vừa khiến con không buồn bã hay áp lực, mà còn giúp tăng ý chí cầu tiến và tạo cho con động lực để cố gắng.

Đừng an ủi: "Làm bài không được cũng không sao”, cha mẹ thông minh sẽ nói với con 3 điều này- Ảnh 1.

“Lần thi này, con cảm thấy phần nào mình làm tốt?”

Câu hỏi này mang ý nghĩa bạn đang trao quyền cho con trẻ quyền được lựa chọn và tăng cường lòng dũng cảm để chống lại thất bại. Dù điểm kiểm tra có tệ đến đâu, nếu đã có sự ôn tập thì sẽ có phần nào đó là thế mạnh và ở mức độ đứa trẻ có thể làm được. 

Bên cạnh đó, có những đứa trẻ có thế mạnh ở một số môn nhất định và yếu hơn ở những môn còn lại. Việc hỏi con bạn về phần thi mình đã làm tốt, thay vì tập trung vào phần làm không tốt giúp con có thể lấy lại được sự tự tin. Khi trẻ nhận ra sở trường của mình là điều gì, như viết văn tốt, tính toán giỏi… trẻ sẽ phát hiện ra: “Hóa ra mình cũng có nhiều ưu điểm”.

Ngoài ra, bạn có thể hỏi thêm con tại sao lại có thể làm tốt phần thi đó. Điều này giúp đứa trẻ nhận ra, thành tích tốt của tôi không phải do may mắn mà là do quá trình cố gắng ghi nhớ lời thầy cô giáo giảng, ghi chép tốt và chăm chỉ ôn bài. Nhắc nhở để con hiểu các phương pháp hữu ích này có thể áp dụng để cải thiện những phần làm chưa tốt ở lần thi sau.

Bằng cách này, trẻ sẽ không còn lo lắng về việc mình làm sai hay kém cỏi nữa, mà tập trung vào việc “làm cách nào để làm tốt hơn”.

“Điểm yếu của con nằm ở phần nào?”

Tuy nhiên, khiến trẻ lấy lại được sự tự tin, phát huy điểm mạnh nhưng cũng không được tránh điểm yếu. Cha mẹ nên không nên phán xét mà hãy phân tích những phần làm chưa tốt với con một cách khách quan và chín chắn. Mặc dù điểm số không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá trẻ, nhưng nó giúp ta biết mình làm chưa tốt ở đâu và tại sao, từ đó nhìn nhận rõ những điểm yếu và điều chỉnh chiến lược học tập.

Khi trẻ đã nhận ra vấn đề của mình và những lĩnh vực có thể cải thiện, đừng quên khen ngợi trẻ. Trong quá trình trưởng thành và học tập, con trẻ rất cần được cha mẹ cung cấp những lời khuyên và hướng dẫn tận tình. Chỉ khi được cha mẹ dạy và làm mẫu từng bước, trẻ mới tự tin hơn rằng mình có thể làm được và có thể khắc phục thành công vấn đề tương tự vào lần sau.

Đừng an ủi: "Làm bài không được cũng không sao”, cha mẹ thông minh sẽ nói với con 3 điều này- Ảnh 2.

“Nhớ luôn giữ bình tĩnh nhé”

Rèn luyện tâm lý vững vàng cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc học tập và thi cử. Nhiều học sinh thường biểu hiện rất tốt và sáng dạ vào ngày thường, nhưng đến các kỳ thi quan trọng, thành tích của các em lại không ổn định và bỏ lỡ những cơ hội tốt. Điều này thường là do chính bản thân học sinh hoặc gia đình quá coi trọng điểm số và kết quả, tạo áp lực rất lớn cho bản thân, sợ thất bại và sợ kết quả không như ý. Tuy nhiên, sự căng thẳng và lo lắng quá mức này thường gây tác dụng ngược, khiến kết quả bài thi càng kém hơn.

Là bậc cha mẹ, chúng ta cũng nên lưu ý không nên quá chú ý đến điểm số, mà nên tập trung vào khả năng học tập và tiếp thu kiến thức của con. Chỉ khi tạo nên được động lực học tập, ham mê khám phá điều mới cho trẻ, các con mới có thể tiến bộ vững chắc trên con đường học tập.

Vì vậy, các phụ huynh kiên nhẫn trò chuyện và dạy con đừng coi kỳ thi là cuộc thi quyết định số phận, mà là cơ hội để kiểm tra thành tích học tập của mình. Việc duy trì được tâm lý bình tĩnh và đối mặt với kỳ thi với thái độ thoải mái, con mới có thể hoàn thành được bài thi một cách tốt nhất.

(Theo Sohu)


Theo Nguyên An

Cùng chuyên mục
XEM