“Đua” nhau tăng giá chung cư cao, chủ nhà rao bán nửa năm không ai mua

15/09/2022 13:20 PM | Kinh doanh

Không ít chủ nhà mạnh dạn tăng giá nhà nhiều lần khi nhận thấy thị trường chung cư cũ sôi động. Tuy nhiên, thực tế, sau màn tăng giá quá đà, nhiều chủ nhà khó “chốt” được khách.

Kể lại hành trình tìm mua chung cư cũ, chị Nguyễn My (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn không khỏi bức xúc khi nhiều chủ nhà đổi giá “xoành xoạch”. Quyết định lên kế hoạch đổi nhà, vợ chồng chị Linh dự tính sẽ chuyển vào trong khu vực Mỹ Đình tìm căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích từ 90m2 trở lên. Thông qua môi giới, vợ chồng chị My ưng một căn hộ tại dự án Sudico Mỹ Đình. Căn hộ không nội thất, diện tích 110m2, đã xuống cấp. Môi giới cho biết, chủ nhà đưa ra mức giá 3 tỷ đồng cho căn hộ này.

“Đua” nhau tăng giá chung cư cao, chủ nhà rao bán nửa năm không ai mua - Ảnh 1.

Một số căn hộ tại Sudico Mỹ Đình được chủ nhà thách giá cao. (Ảnh: Nhật Minh)

Sau khi tham khảo các căn hộ khác, chị My và chồng quyết định tiến tới bước đàm phán với chủ nhà về giá về cách thức thanh toán. Tuy nhiên, đến khi gặp chủ nhà, chị My và chồng bất ngờ khi căn hộ này tăng thêm 200 triệu đồng. Lý do mà chủ nhà đưa ra là bởi giá căn hộ xung quanh đều tăng nên mức 3,2 tỷ vẫn còn rẻ so với thị trường.

Theo chị My, mặt bằng căn hộ tại Sudico Mỹ Đình dao động từ 2,7 tỷ - 3,6 tỷ đồng. Một số căn hộ có mức giá 3,3-3,6 tỷ đồng đều có diện tích lớn, nằm ở khu vực thấp tầng, và sở hữu nội thất đẹp. Tuy nhiên, căn mà vợ chồng chị My tìm hiểu đã xuống cấp. chị My nhẩm tính, riêng chi phí sửa lại căn hộ như đi lại toàn bộ hệ thống điện nước, lát gạch sàn nhà, sơn, làm trần thạch cao đã lên tới ít nhất 200 triệu đồng. Chi phí này chưa bao gồm nội thất đi kèm. Nếu với mức tiền 3,2 tỷ đồng/căn hộ thì vợ chồng chị My ước tính bỏ ra từ 400-500 triệu đồng mới có thể chuyển về ở.

Thấy chủ nhà tăng giá vô lý, vợ chồng chị My quyết định chuyển sang tìm căn hộ khác. “Hai tháng sau, khi nói chuyện lại với môi giới, tôi biết được, căn hộ kia vẫn chưa có khách ưng, thậm chí người xem nhà cũng ít hẳn. Trước đó, nhưng căn hộ 3 phòng ngủ, nội thất đẹp, có mức giá 3-3,3 tỷ đều nhanh chóng có người đặt cọc. Nhưng căn hộ tăng giá vô lý vẫn chưa tìm được khách mua. Căn hộ này chủ nhà cũng đã rao hơn nửa năm nay”, chị My kể.

Một trường hợp tương tự khác cũng diễn ra. Chị H. (một môi giới chung cư ở Hoài Đức, Hà Nội) kể, dự án Gemek 1 thời gian vừa qua rất “đắt” khách. Hầu hết các căn hộ 2 phòng ngủ với mức giá 1,5- 1,8 tỷ đồng và căn 3 phòng ngủ 2-2,1 tỷ đồng đều nhanh chóng tìm được khách “chốt”. Mặt bằng chung của dự án tăng 100-200 triệu đồng/căn so với thời điểm cách đây 3-4 tháng.

“Thấy chung cư tăng giá, khách mua nhiều, một số chủ nhà cũng gửi tôi căn hộ để bán. Nhưng họ “đua” nhau tăng giá cao. Có căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 85m2, chủ nhà “hét” giá 2,5 tỷ đồng. Nội thất không quá đẹp, diện tích không phải lớn nhưng mức giá đưa ra gần như cao nhất. Có căn, chủ nhà còn đưa ra giá 2,9 tỷ đồng. Nhưng nói thật, không có khách nào đến xem nhà ngay sau khi tôi thông báo giá tiền”, chị H. nói.

Theo môi giới này, thị trường căn hộ chung cư đã bàn giao diễn ra khá sôi động. Mức giá chung cư đều tăng 10-20%. Nguyên nhân là bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, đẩy giá dự án mới tăng. Lựa chọn của người mua nhà chuyển hướng sang loại hình căn hộ đã bàn giao.

Song người mua nhà vẫn tâm lý chi trả tiền ở mức hợp lý. Họ không chạy theo mức giá tăng ảo. Đây là lý do, các căn hộ tăng giá quá ảo đều không có khách xem nhà. Thậm chí, để lâu cũng không có khách chốt mua.

“Thực tế, thanh khoản thị trường căn hộ chung cư cũ thấp, chỉ rơi vào căn hộ giá phải chăng, đẹp. Còn căn hộ tăng cao, rất khó bán”, chị H. nói thêm.

Giới chuyên gia cũng khuyến nghị về mức giá tăng ảo của loại hình chung cư ở thời điểm hiện tại. Dù dự báo rằng, loại hình này còn tăng giá nhưng vẫn dựa trên thực tế về vị trí, chất lượng của căn hộ. Trong bối cảnh, nguồn vốn vay ngân hàng khó khăn, người mua nhà chật vật khi huy động vốn nên rất khó đưa ra quyết định nhanh mua nhà.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM