Dù vắng khách và toàn bán cho sinh viên, một cửa hàng của chuỗi trà sữa này vẫn có thể thu tới 21 triệu đồng/ngày

27/06/2016 15:01 PM | Kinh doanh

Trà sữa vốn là món mà nhiều sinh viên, học sinh... ưa dùng. Khách mua trà sữa thường mua mang đi, thay vì ngồi lại quán.

Trà sữa Đài Loan đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm qua và nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ thành thị. Với 40 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TP HCM, có thể nói Tiên Hưởng là thương hiệu mạnh vào hàng nhất nhì tại Sài Gòn về sản phẩm trà sữa.

Vì sao khách ngày không đông, nhưng vẫn lãi lớn?

Mặc dù là buổi sáng cuối tuần nhưng cửa hàng trà sữa Tiên Hưởng ở Hoàng Văn Thụ không quá đông như cảnh tượng ở hầu hết các quán cà phê khác. Khách đến mua trà sữa thường chọn mua mang đi. Lác đác trong quán là vài lượt khách ngồi theo từng nhóm.

Nhân viên ở đây cho biết, khách chỉ đông vào buổi tối, cuối tuần và ngày nghỉ lễ. Khách ngồi lại quán chủ yếu là giới trẻ như sinh viên, học sinh. Nhiều bạn trẻ đến đây ngồi cả ngày cùng sách vở và laptop. Các quán Tiên Hưởng ở Quang Trung, Gò Vấp và một số địa điểm khác cũng tương tự, không quá đông vào buổi sáng.

Đến nay, thương hiệu này đã có 40 cửa hàng trên toàn quốc. Riêng TPHCM có hơn 30 cửa hàng. Chuỗi này đã vươn tới được các tỉnh như Cà Mau, Đồng Nai.... và sắp mở điểm bán đầu tiên tại California, Mỹ. Chuỗi cũng đã Bắc Tiến ra Hà Nội với 1 cửa hàng ở phố Nguyễn Chí Thanh.

Kinh doanh trà sữa có thể nói là dạng điển hình của kinh doanh take away (mang đi). Với đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên và giới trẻ, trà sữa trở thành món đồ uống ưa thích của nhóm khách hàng này khi đến trường và tụ tập bạn bè. Điều đó lí giải tại sao không mấy khi các quán trà sữa đông khách vào ban ngày, nhưng hệ thống vẫn mở rộng và phát triển ngày một rầm rộ.

Nhân viên một cửa hàng của chuỗi trà Đài Loan này cho hay, doanh thu mỗi ngày của quán khoảng 21 triệu đồng. Chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng là 80 triệu, trả nhân viên khoảng 30 triệu đồng tiền công và khoảng 20 triệu đồng tiền điện.

Như vậy, làm phép tính đơn giản, doanh thu cả tháng của quán vào khoảng 630 triệu. Các loại chi phí như mặt bằng, lương nhân viên và tiền điện là khoảng 130 triệu. 500 triệu còn lại quán sẽ chi trả tiền nguyên liệu và lãi để bù vào đầu tư mua nhượng quyền. Chi phí nhượng quyền quán là 2 tỷ đồng.

Khách "ruột" sinh viên: Học ở đây, vừa có đồ ăn, vừa có máy lạnh

My, sinh viên Đại học FPT, cho biết, cô là khách ruột của một cửa hàng Tiên Hưởng đã 2 năm nay. Theo nữ sinh này, cô thường đến đây học bài vì quán gần nhà, không gian lại rất phù hợp với việc học ban ngày vì không quá đông khách và không ồn ào. Quán có máy lạnh, có ghế sofa ngồi thoải mái cả ngày.

Vào những đợt ôn thi My thường ngồi từ sáng đến chiều. Theo My, dù một số bạn phản hồi rằng phục vụ quán không tốt lắm nhưng cô thấy chấp nhận được. "Đôi khi ở quán chỉ có một mình em và vài người bạn em, em yêu cầu tắt nhạc luôn để học bài", nữ sinh chia sẻ.

My cho biết cô thích quán này hơn cà phê Phúc Long, lý do là vì Phúc Long đông khách quá, không thể ngồi tập trung được. "Với em chỉ là vấn đề không gian học bài", My nói.

Hân, bạn cùng trường của My, thì chọn Tiên Hưởng vì trà ngon, giá tốt. Và món bạn yêu thích nhất là trà xanh mật ong.

Hai nam sinh khác trong quán ở Quang Trung thì cho hay, cả hai thường đến đây ôn bài. Quán vừa có máy lạnh, có wifi, phục vụ tốt, có ghế lười nên họ hay ở đây học cả ngày. Chi phí trung bình cho tiền ăn, uống nước cho một buổi khoảng 50 ngàn, bao gồm gọi đồ uống khi đến và bữa trưa ngay tại quán.

Trà sữa vốn là món mà nhiều sinh viên, học sinh... ưa dùng. Các thương hiệu nổi tiếng như Feeling tea, Happy Cup hay các loại đến từ Thái Lan luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Họ thường kiếm địa điểm gần trường học hoặc đông giới trẻ để mở điểm bán.

Các quán mang thương hiệu Tiên Hưởng bán nhiều loại như trà sữa bí đao, trà sữa sương sáo, trà sữa cafe, trà sữa nho Mỹ, giá bán khoảng 30 ngàn đồng/ly. Loại cao cấp hơn như trà xanh phô mai sủi bọt, hồng trà phô mai sủi bọt, Alishan phô mai sủi bọt khoảng 40 ngàn đồng/ly.... Ngoài ra, quán cũng bán các loại bánh ngọt như bánh chanh (12.000 đồng/chiếc), bông lan trà xanh Anna (30.000 đồng/chiếc), phô mai tam giác nhỏ (30 nghìn đồng/chiếc)....

Khá thành công trong mô hình kinh doanh, nhưng một điều các thương hiệu trà sữa phải bận tâm đó là chất lượng sản phẩm. Feeling Tea, một "đồng nghiệp" của Tiên Hưởng trong mảng kinh doanh trà sữa, vừa dính bê bối về nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây có thể là bài học cho nhiều doanh nghiệp trà sữa đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Tiên Hưởng.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM