Dự thảo Nghị định Về phát triển và quản lý ngành phân phối: Không thực tế?

16/06/2018 16:16 PM | Xã hội

Nghị định Về phát triển và quản lý ngành phân phối của Chính phủ do Bộ Công Thương dự thảo với những quy định dành cho siêu thị, trung tâm thương mại "quá sâu sát", được cho là không thực tế.

Chẳng hạn như mở cửa đến 22h mỗi ngày, diện tích không quá 10.000m2, chỉ thực hiện 3 lần khuyến mãi trong năm...

Dự thảo Nghị định Về phát triển và quản lý ngành phân phối (gọi tắt là Dự thảo) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, có rất nhiều tiêu chuẩn, quy định về siêu thị khiến nhiều người bất ngờ. Trong đó, các siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tại nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, qua điện thoại. Siêu thị và trung tâm thương mại phải mở cửa các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ.

Mỗi năm, siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi đợt kéo dài 30 ngày và giữa 2 đợt phải cách nhau ít nhất 30 ngày. Trong đợt giảm giá phải có ít nhất 70% số hàng hóa tại siêu thị cùng giảm giá.

Thậm chí, một số quy định còn đưa ra rất chi tiết như hàng hóa trong siêu thị phải đáp ứng yêu cầu là do tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất, kinh doanh.

Các đơn vị bán lẻ phải có ít nhất một giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị là người Việt Nam và nhân viên tất cả các cấp phải có thành phần là người Việt Nam không dưới 50%...

Dự thảo cũng nêu rõ, các đơn vị kinh doanh đáp ứng đủ các quy định này thì mới được phép đặt tên là siêu thị hay trung tâm thương mại bằng tiếng nước ngoài, như supermarket, shopping center, trade center, plaza...

Đánh giá về Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số nội dung trong Dự thảo đang đẻ ra thêm các điều kiện kinh doanh mới, can thiệp quá sâu vào kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.

Chẳng hạn, về khuyến mãi, giảm giá đã có Luật Cạnh tranh thì không cần quy định "mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi đợt phải kéo dài 30 ngày và giữa 2 đợt phải cách nhau ít nhất 30 ngày". VCCI đã có văn bản góp ý gửi đến Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đề nghị Bộ bỏ các quy định bất cập như đã nêu trên.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), một số quy định trong Dự thảo như siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại là chưa hợp lý. Bởi, không nhất thiết tất cả siêu thị phải có những dịch vụ này mà tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng doanh nghiệp. Quy định cụ thể thời gian mở cửa tất cả các ngày trong tuần là can thiệp sâu và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Không những thế, quy định khống chế diện tích các siêu thị, trung tâm thương mại cũng có vấn đề. Bởi kinh doanh trong ngành này, các nhà bán lẻ tự biết làm thế nào để đạt hiệu quả, nên Nhà nước không cần phải quy định về giờ giấc đóng mở cửa. Trong cơ chế thị trường, Nhà nước không thể nghĩ thay, làm thay doanh nghiệp.

Với quy định khuyến mãi, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam cho rằng, như vậy là rất khó cho doanh nghiệp. Bởi lâu nay, để thực hiện các chương trình khuyến mãi với số lượng mỗi đợt khoảng vài ngàn mặt hàng đã khiến đơn vị thực hiện "mệt bả hơi". Với quy định của Dự thảo là "Trong đợt giảm giá, phải có ít nhất 70% số hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá" thì e rằng doanh nghiệp không kham nổi.

Với số mặt hàng khuyến mãi quá lớn như vậy, cung sẽ không đủ cầu và như vậy sẽ khó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về quy định "nguồn hàng phải được tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất, kinh doanh" cũng gây trở ngại cho nhà phân phối. Bởi trên thực tế, có rất nhiều mặt hàng mang tính thời vụ thì không thể cung cấp thường xuyên như quy định.

Mục đích của Nghị định Về việc phát triển và quản lý ngành hàng phân phối là nhằm tạo hành lang pháp lý để chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Để đạt được những điều đó thì nhất thiết Dự thảo phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM