Dù rất thèm khát thị trường 15.000 tỷ, tăng trưởng không dưới 20%/năm này nhưng hiếm doanh nghiệp Việt 'chen chân' được

08/12/2016 11:30 AM | Kinh doanh

Với doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng không dưới 20%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là hết sức tiềm năng trong mắt các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm.

“Lớp trang điểm đẹp nhất của người phụ nữ là đam mê. Nhưng mỹ phẩm cũng rất dễ để mua”, nhà sáng lập nên thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp Yves Saint-Laurent từng nói như vậy. Từ lâu trang điểm, mỹ phẩm đã là sở thích của một nửa thế giới và phụ nữ Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Thị trường 15.000 tỷ đầy tiềm năng

Theo khảo sát hồi tháng 9 của hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus, gần 30% người Việt Nam được hỏi cho biết họ trang điểm hàng ngày trong khi 23% chỉ trang điểm trong những dịp đặt biệt. Ngoài ra có 25% cho biết họ hiếm khi trang điểm.

Hãng này cũng cho biết phụ nữ Việt Nam thường trang điểm trong những dịp lễ hội, đến công sở, trường học hoặc hẹn hò nhưng ít khi trang điểm khi đi chơi cũng gia đình, bạn cùng giới. Một điều khá thú vị là hầu như phụ nữ Việt nào cũng sở hữu một thỏi son (khoảng 90%) và sử dụng thường xuyên (khoảng 80%).

Đứng thứ 2 phải kể đến các sản phẩm phấn và kem nền khi có tới 63% người sở hữu và 29% người sử dụng thường xuyên. Mức chi tiêu dành cho mặt hàng mỹ phẩm thường rơi vào khoảng 200-500 nghìn mỗi tháng. Thậm chí giới phụ nữ còn sẵn sàng bỏ tiền ra mua kem nền, phấn, mascara, chì kẻ mắt, mi giả,… nhưng hiếm khi sử dụng thường xuyên. Rõ ràng phụ nữ Việt cũng khá chú ý đến vẻ bề ngoài và thị trường mỹ phẩm là miếng bánh ngon đầy lợi nhuận.

Với doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng không dưới 20%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là hết sức tiềm năng trong mắt các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm. Lãnh đạo một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm châu Âu tại Việt Nam còn cho biết thị trường này liên tục tăng trưởng 30% trong nhiều năm qua với sự tham gia của ngày càng nhiều nhãn hàng trên thế giới.

Theo hãng phân tích Euromonitor, năm 2015 nhiều nhà sản xuất quốc tế đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá nhằm thu hút khách hàng, củng cố thương hiệu tại Việt Nam. Cũng trong năm này, nhiều tay chơi mới gia nhập thị trường để bắt kịp nhu cầu mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa trong vài năm gần đây cùng sự phát triển của Internet và bán hàng trực tuyến, nhiều người tiêu dùng khu vực nông thôn cũng có thể mua mỹ phẩm dễ dàng hơn so với trước. Cùng với hoạt động tiếp thị năng động trên các phương tiện truyền thông, người tiêu dùng nhận được được tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm làm đẹp, mỹ phẩm để bảo vệ sức khỏe.

Cửa hẹp cho doanh nghiệp Việt

Tuy thị trường lớn do dân số khổng lồ, đầy tiềm năng nhưng có một thực tế là không dưới 95% thị phần mỹ phẩm Việt đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là các thương hiệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Theo Euromonitor, LG Vina Cosmetics Co Ltd (The Face Shop), Revlon Inc, Estée Lauder Vietnam Co Ltd và Skin Food Vietnam Co Ltd là những người chơi chính trên thị trường. Trong đó LG Vina đứng đầu với thị phần 16% phân khúc mỹ phẩm màu năm 2015.

Sở dĩ doanh nghiệp nội địa khó cạnh tranh được với các thương hiệu quốc tế xuất phát từ hành vi tiêu dùng của người Việt. Với tác động của quảng cáo, mọi người vẫn tin rằng chất lượng của hầu hết các công ty mỹ phẩm nước ngoài tốt hơn so với hàng sản xuất trong nước mặc dù giá cả đắt đỏ hơn nhiều lần. Với khả năng tài chính mạnh, ngoài quảng cáo, các nhà sản xuất nước ngoài cũng chú trọng tới mạng lưới phân phối để tiếp cận người tiêu dùng.

Hạn chế khác khiến các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt không dễ dàng chen chân vào cuộc chơi này, do định vị sản phẩm chủ yếu ở dòng thấp cấp và bán chủ yếu ở thị trường nông thôn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt thiếu đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới để có thể đi đường dài, một chuyên gia trong ngành cho biết.

Theo khảo sát của Asia Plus, xuất xứ, giá cả, thương hiệu và thành phần là những nhân tố xếp theo thứ tự tác động đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Giám đốc thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam, Phấn nụ Hoàng Cung cho biết mỗi tháng doanh nghiệp của bà tiếp từ 2-3 đối tác mỹ phẩm đến từ Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường Việt Nam bởi so với các vùng khác trên thế giới, mỹ phẩm Nhật và Hàn có mức độ tương đồng khá lớn về thời tiết cũng như làn da. Từ đó dẫn đến việc sử dụng mỹ phẩm Nhật, Hàn dễ đem lại hiệu quả hơn cùng với tâm lý chọn hàng Nhật vì chất lượng, Hàn Quốc vì xu hướng thời thượng của người Việt Nam.


Bà Phương và mẹ bên các sản phẩm phấn nụ.

Bà Phương và mẹ bên các sản phẩm phấn nụ.

Phấn nụ Hoàng Cung là thương hiệu mỹ phẩm hiếm hoi được biết đến khá nhiều hiện nay. Thương hiệu này do bà Nguyễn Phương Khanh gây dựng và phát triển. Bà Khanh vốn là hậu duệ thứ 4 của người thị nữ triều Nguyễn được giao nhiệm vụ chế biến phấn nụ phục vụ thế kỷ trước. Nghề này vốn chỉ được truyền cho con gái đời tiếp theo và người được chọn phải là người có tâm trong sáng, chịu thương chịu khó và có duyên với nghiệp gia đình. Và loại phấn này vốn được làm từ nguyên liệu thiên nhiên cùng với khâu chế biến thủ công.

Đến khi bà Khanh kế thừa cơ nghiệp gia đình, vốn là sinh viên đại học ngoại ngữ- tin học Tp. Hồ Chí Minh nên nghề gia truyền xứ Cố đô được thổi thêm làn gió hiện đại như bán hàng trực tuyến, đăng ký nhãn hiệu độc quyền hay thành lập công ty, chuẩn hóa quy trình sản xuất và thương mại.

Tại Tp.HCM, Hà Nội không khó có thể nhận ra showroom của Phấn nụ Hoàng cung với thiết kế kiến trúc mỹ nghệ khác biệt. Đây hiện là một trong số ít thương hiệu mỹ phẩm hiếm hoi còn tồn tại và phát triển tốt. Bà Khanh hiện đang quyết tâm xây dựng đây trở thành thương hiệu mỹ phẩm quốc gia cạnh tranh với bất kỳ tên tuổi lớn nào trên thế giới.

Thế nhưng chặng đường phía trước với thương hiệu này khá gian nan khi những hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam- Hàn Quốc có hiệu lực khiến giá mỹ phẩm nước ngoài giảm đi đáng kể và các đối thủ quốc tế sẽ gia nhập nhiều hơn vào Việt Nam.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM