Dư luận kêu tốn kém, dự án sân bay 3.400 tỷ đồng bị loại khỏi danh mục ưu tiên đầu tư

23/08/2016 14:56 PM | Kinh tế vĩ mô

Sân bay An Giang có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng bị loại khỏi danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP do nhiều lo ngại dự án hoạt động kém hiệu quả như dư luận phản ánh.

Dự án sân bay An Giang với vốn đầu tư 3.417 tỷ đồng đã bị bác bỏ tại hội nghị “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long” ngày 22/8, do Phó thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ chủ trì.

Lý do Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải loại dự án này ra khỏi danh mục ưu tiên đầu tư là lo ngại dự án hoạt động kém hiệu quả như dư luận phản ánh.

Dự án sân bay An Giang có tổng vốn đầu tư 3.417 tỷ đồng, được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020, nằm trong dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thiết kế, sân bay An Giang thuộc sân bay nội địa trong mạng cảng hàng không, dùng cho mục đích bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát triển bay khai thác thường lệ khi có thị trường và là sân bay dùng chung trong lĩnh vực dân dụng và quân sự.

Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là 1.481 tỷ đồng, định hướng đến năm 2030 là 1.936 tỷ đồng. Sân bay được xây dựng trên nền đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 235 ha thuộc khu vực xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, chỉ ra 3 vấn đề của dự án.

Một là, dự án sẽ “hút” vốn rất lớn, chiếm khoảng 66% tổng vốn đầu tư của lĩnh vực hàng không cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 5 năm tới, trong khi điều kiện chúng ta rất khó khăn và nhu cầu chưa thật sự cần thiết.

Vấn đề thứ hai là khoảng cách địa lý. Ở đồng bằng sông Cửu Long đã có sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc…, thì liệu xây sân bay An Giang có hiệu quả hay không.

Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ cũng chưa khai thác hết công suất thiết kế. Năm 2011, sân bay Cần Thơ được xây dựng trở thành sân bay quốc tế, có năng lực phục vụ 3-5 triệu lượt khách/năm, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay vận tải lớn nhưng năng lực vận chuyển hành khách hằng năm quá ít - bằng khoảng 10% so với công suất thiết kế.

Vấn đề cuối cùng, An Giang là nơi gần vùng biên giới Campuchia, cho nên có thông tin cho biết việc cất/hạ cánh máy bay có thể lấn qua biên giới và về mặt chuyên môn cần có nghiên cứu sâu.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM