Dù là nhân viên cao cấp, có nhiều năm kinh nghiệm nhưng ứng viên vẫn bị loại khỏi vị trí quản lý nhà hàng vì thiếu những tố chất này

14/11/2018 13:47 PM | Kinh doanh

Đam mê chưa đủ, tư duy dịch vụ là một trong các yếu tố không thể thiếu ở ngành nghề ẩm thực.

Mới đây, trên chương trình "Người được chọn" của VTV6, các giám khảo đi tìm vị trí quản lý nhà hàng tại khách sạn Sheraton Hà Nội. Bên cạnh thí sinh được thẻ đỏ đi vào vòng trong thì khá nhiều ứng viên mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng vẫn bị loại.

Bị loại vì thiếu nhiệt huyết, đam mê

Ứng viên Nguyễn Huy Khoa, một trong những nhân viên cao cấp đang làm việc tại Sheraton vì muốn rút ngắn thời gian nên đã đăng kí ứng tuyển vào vị trí quản lý nhà hàng trên chương trình "người được chọn".

Khi ban giám khảo hỏi, nếu đưa ra 3 điều sẽ làm khác đi và kế thừa so với vị trí quản lý hiện tại tại Sheraton, Khoa trả lời: Hướng tiếp xúc với nhân viên, cách trao quyền cho nhân viên và phân loại được khách hàng mục tiêu của nhà hàng.

Dù là nhân viên cao cấp, có nhiều năm kinh nghiệm nhưng ứng viên vẫn bị loại khỏi vị trí quản lý nhà hàng vì thiếu những tố chất này - Ảnh 1.

Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng do ứng viên vẫn không được chọn. Ảnh cắt từ clip chương trình.

Sau khi kết thúc phần phỏng vấn, ban giám khảo đưa ra nhận xét: Ứng viên Khoa chưa thể hiện được sự trăn trở, tâm huyết ở vị trí ứng tuyển là quản lý nhà hàng, mà dường như có điều gì đó về ẩn ức cá nhân nhiều hơn. Do đó, mặc dù có kinh nghiệm và đang làm nhân viên cao cấp của Sheraton nhưng Huy Khoa vẫn không được chọn.

Tố chất nào của người làm quản lý nhà hàng, khách sạn?

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó tổng giám đốc Sheraton Hà Nội, vị trí quản lý nhà hàng không chỉ đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức, sức khỏe, hiểu biết đa dạng về ẩm thực, ứng xử khéo léo, linh hoạt, mà trên hết là phải có sự đam mê, nhiệt huyết với nghề.

Đam mê chưa đủ, tư duy dịch vụ là một trong các yếu tố không thể thiếu ở ngành nghề ẩm thực. Ứng viên Lê Huy Hiệu (21 tuổi), mặc dù nhận mình là người kiên trì và đam mê với du lịch nhưng khi giám khảo đưa ra tình huống xử lý thì không thể hiện được tư duy dịch vụ. Trong tình huống, khách yêu cầu không trả tiền cho suất ăn vì khẩu vị không đáp ứng nhu cầu, giám khảo Minh gợi ý nên xin lỗi khách hàng, ngay lập tức ứng viên này cho rằng, mình không sai nên không phải xin lỗi.

Dù là nhân viên cao cấp, có nhiều năm kinh nghiệm nhưng ứng viên vẫn bị loại khỏi vị trí quản lý nhà hàng vì thiếu những tố chất này - Ảnh 2.

Ứng viên Đồ Hạnh Dung (Hà Nội) thuyết phục được ban giám khảo với thẻ đỏ vì thể hiện được óc quan sát, quyết tâm và sự tinh tế. Ảnh chụp từ clip chương trình.

Giám khảo Nguyễn Thị Thúy Minh nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất trong ngành dịch vụ này là tư duy dịch vụ. Tư duy dịch vụ sẽ chèo lái hành vi của mình. Ở hoàn cảnh của Huy Hiệu không phải xin lỗi khách hàng vì sai, mà đơn giản xin lỗi khách vì dịch vụ của mình chưa thỏa đáng nhu cầu của khách hàng".  

Theo bà Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Điều hành Công ty Talent Pool, đa số sai lầm của người làm dịch vụ hiện nay là hay đưa giả định về kỳ vọng của người khác. Người có tư duy dịch vụ là người phục vụ sở thích và nhu cầu của người khác, chứ không phải là phục vụ điều mà bản thân đang hướng tới.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thúy Minh, người quản lý nhà hàng phải có tố chất thông minh, nhanh nhẹn, dám đương đầu với những thử thách, khó khăn và yêu cầu của khách hàng. Ứng biến rất tốt trong một số tình huống. Bên cạnh đó phải có khả năng phân tích được thị trường, quản lý đội ngũ nhân viên của mình sao để họ luôn luôn có động lực để làm viêc phục vụ khách hàng ở mức độ dịch vụ cao nhất.

Song song đó, với vị trí này, sự đột phá quyết liệt cũng là một trong các tố chất để ứng viên được chọn. Đó là lý do ứng viên Lê Anh Nam (Quảng Ninh) mặc dù có 8 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực ẩm thực nhưng vẫn bị loại vì thiếu sự quyết liệt và đột phá ở cách nhìn nhận vấn đề.

Dịch vụ nhà hàng khách sạn là một trong những ngành "hot". Đây là ngành nghề mang lại lợi nhuận cao đóng góp 9% GDP toàn cầu.

Theo thống kê từ Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, từ nay đến năm 2022 toàn ngành sẽ cần đến 4 triệu lao động với hàng triệu việc làm sẵn có mỗi năm. Ngành dịch vụ nhà hàng -khách sạn được đánh giá là 1 trong những ngành nghề có tiềm năng lớn nhất tại Việt Nam. Đây là ngành mang đặc trưng quốc tế hướng đến sự chuyên nghiệp nên yêu cầu cao về trình độ học vấn và kỹ năng chuyên môn, đặc biệt với vai trò người quản lý nhà hàng.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM