Dù gánh nặng nợ công mỗi người Việt đang tăng lên nhưng đừng lo lắng, các nước khác còn nợ nhiều hơn chúng ta nhiều

23/08/2016 15:14 PM | Kinh doanh

Bên cạnh thông tin về sự tăng lên, vẫn còn một vài điểm tích cực xung quanh những thống kê về nợ công Việt Nam.

Theo những số liệu được công bố từ Bộ tài chính (EIU), nợ công của Việt Nam đã tăng lên gấp đôi chỉ trong nửa thập kỷ, vươn lên mức 117 tỷ USD vào cuối năm 2015. Theo đó, mức nợ công này chiếm tới 62,2% GDP, là một mức rất cao trong khu vực.

Tuy nhiên, xung quanh những con số này, vẫn còn những thống kê phần nào mang tính tích cực về tình hình nợ công hiện tại.

Tốc độ tăng của nợ công bình quân đầu người đang trên đà giảm

Chỉ số nợ công trên bình quân đầu người được dùng để thể hiện số nợ trung bình mỗi người dân đang phải “gánh” cho quốc gia mình.

Những thống kê về nợ công bình quân đầu người Việt Nam so sánh với những năm gần đây và so sánh với các quốc gia trong khu vực có thể giúp cho mỗi người Việt “thở phào trong giây lát” về số nợ mình đang phải gánh.

Với mức nợ công được nhắc đến ở trên, trung bình một người Việt đang phải gánh 1.384 USD nợ quốc gia, tương ứng với khoảng 30 triệu tiền Việt Nam.

Điều đáng chú ý, dù số nợ một người Việt Nam phải chịu vẫn tăng liên tục trong 10 năm vừa qua nhưng những thống kê đang cho thấy xu hướng tăng chậm dần của con số này. Nếu như năm 2013, nợ công đầu người đã tăng so với năm ngoài vẫn còn là 11,9% thì đến năm 2014, con số này chỉ còn là 10,6%. Đến cuối năm 2015 vừa qua, mức tăng được ghi nhận chỉ còn 9,6%.

Cần nhớ rằng trong lịch sử, đã có nhưng năm, bình quân mỗi người dân Việt Nam phải gánh thêm số nợ nhiều hơn so với năm ngoái tới từ 20% đến gần 30%. Như vậy, đà giảm này có thể coi là một tín hiệu tích cực cho tình hình nợ công Việt Nam.

Người dân Việt Nam không phải là những người “gánh” nợ nhiều nhất

Trong khu vực, mức nợ tính trên mỗi người Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều người dân ở các nước khác. Theo đó, người Việt Nam “gánh” số nợ vẫn còn ít hơn công dân các nước Sinagapore, Malaysia, Thái Lan hay Indonesia.

Mỗi người dân Singapore đang phải chịu một khoản nợ 56.518 USD cho quốc gia mình. Điều đáng nói, “Đảo quốc Sư tử” cũng là nước có quy mô nợ công so với quy mô nền kinh tế cao nhất Đông Nam Á Chỉ riêng nợ khu vực chính phủ của nước này đã chiếm 94% tổng GDP và toàn bộ nợ công thì chiếm hơn 105% giá trị GDP. Tính đến cuối năm 2015, Singapore đang nợ tới 316,5 tỷ USD, cũng xếp hàng đầu khu vực Đông Nam Á và vượt trội so với các quốc gia khác.

Chịu nhiều nợ thứ hai khu vực phải kể đến người dân ở Malaysia. Chia trung bình, một người dân nước này đang chịu gần 7.000 USD nợ quốc gia. Tuy nhiên, quốc gia có quy mô nền kinh tế gấp 1,8 lần Việt Nam này có tỷ lệ nợ công chỉ có 53,5%, thấp hơn con số của Việt Nam là 62,2%.

Thái Lan là nước xếp thứ 3 khu vực về nợ công trên đầu người. Mỗi người trong gần 70 triệu dân Thái đang “gánh” hơn 3.500 USD, gấp 3 lần so với Việt Nam. Ba nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á này là Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời là những nước giữ các vị trí đứng đầu về nợ công tính trên đầu người trong khu vực kể từ thời điểm năm 2011.


Có thể thấy nợ công bình quân đầu người của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan vượt trội so với các nước khác trong khu vực

Có thể thấy nợ công bình quân đầu người của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan vượt trội so với các nước khác trong khu vực

Trong khu vực, các quốc gia có trình độ phát triển tương đương như Việt Nam đều có mức nợ công trên đầu người khoảng 1.000 USD. Theo đó, mỗi người dân Indonesia nợ gần 1.500 USD và mỗi người dân Philippines phải “gánh” 1.312 USD. Đứng cuối bảng xếp hạng về chịu nợ quốc gia là những người dân ở Lào và Campuchia với số nợ chưa đến 1.000 USD

Những điều trên thấy rằng, không chỉ người Việt Nam, mà ngay cả người dân ở nhiều nước Đông Nam Á khác cũng đang phải oằn lưng gánh nợ cho quốc gia mình. Trong đó, mức nợ người Việt Nam chịu thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ nợ công trên bình quân đầu người thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực là tốt cho Việt Nam. Để có sự khách quan, vẫn còn cần đưa tỷ lệ này đặt lên bàn cân cùng với chỉ số thu nhập bình quân đầu người của hoặc GDP bình quân đầu người của Việt Nam và đem ra so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM