Dự đoán về khả năng sống chung với virus SARS CoV-2 trong tương lai của thế giới

30/04/2020 10:57 AM | Xã hội

Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 sắp tới là giai đoạn quan trọng để chính phủ nhiều nước trên thế giới hành động ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 gây ra bởi virus SARS CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán – Trung Quốc [1] từ tháng một năm nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng diễn tiến nghiêm trọng hơn với gần 2 triệu người nhiễm trên toàn cầu và hơn 124 ngàn người thiệt mạng [2].

Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, các hoạt động xã hội gần như bị đóng băng với khoảng 4.5 tỷ người trên thế giới đang phải thực hiện cách ly tại nhà nhằm chặn đứng quá trình lây lan của dịch bệnh. Việc này tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có các nước đang phát triển, với bộ phận người lao động thu nhập thấp đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thế giới còn phải tiêu tốn một lượng lớn tiền của cho quá trình chặn đứng sự lây lan. Mọi người sẽ băn khoăn về viễn cảnh của thế giới trong thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào để sắp xếp các kế hoạch công việc, hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Tuy nhiên viễn cảnh thực tế của thế giới trong thời gian sắp tới không mấy sáng sủa dựa trên những đánh giá tổng quát về các dự đoán trong dịch tễ học, phát triển các liệu pháp chữa trị và phát triển vaccine.

Hiện nay chưa có liệu pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân nhiễm virus SARS CoV-2. Các thử nghiệm lâm sàng cho các loại thuốc ức chế virus vẫn đang được tiến hành và cần thời gian cho các thử nghiệm để thu được các kết quả đánh giá khoa học đáng tin cậy cho phác đồ điều trị rõ ràng.

 Dự đoán về khả năng sống chung với virus SARS CoV-2 trong tương lai của thế giới - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, việc phát triển thử nghiệm các chất ức chế virus vẫn được tiến hành liên tục. Hiện nay đã có những công bố các chất ức chế virus dựa trên đích là glycoprotein S trên bề mặt virus [3], cũng như chất ức chế hai enzyme protease chính của virus là MPRO [4] và 3CLPRO [5].

Tuy nhiên để tiến tới thử nghiệm lâm sàng, và có phương pháp điều trị cụ thể từ các chất ức chế này thì có thể mất vài năm, nên có thể ít nhất sáu tháng đến một năm sắp tới, chúng ta vẫn có thể không có thuốc điều trị cụ thể cho loài virus này.

Về lý thuyết, dịch bệnh chỉ có xu hướng biến mất khi có gần 60% - 70% dân số tiếp xúc với virus và có khả năng miễn dịch.

Để đạt được điều này thì cần phải có một vaccine hiệu quả. Nếu các nước không thực hiện được "miễn dịch cộng đồng" bằng vaccine và gỡ bõ các lệnh cách ly xã hội sẽ có nguy cơ đối mặt với sự quá tải hệ thống y tế khi dịch bệnh bùng nổ.

Vaccine là một trong những chiến lược quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch, đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển. Hiện nay, thế giới phải tiến hành phát triển nhiều loại vaccine bằng nhiều phương pháp khác nhau, bởi vì chắc chắn một số trong những vaccine đó sẽ không hiệu quả.

Có khoảng 115 loại vaccine đã được phát triển, trong đó có 18 loại vaccine đi vào giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và 5 vaccine đi vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng [6].

 Dự đoán về khả năng sống chung với virus SARS CoV-2 trong tương lai của thế giới - Ảnh 2.

Nếu thế giới may mắn thì có thể tháng 9 tới chúng ta sẽ có những kết quả khả quan về vaccine. Tuy nhiên sau khi chúng ta có một vaccine hiệu quả, thì việc sản xuất và sử dụng rộng rãi hàng tỷ liều vaccine cho toàn thế giới là một vấn đề khác không hề đơn giản.

Điều này hoàn toàn phụ thuộc loại vaccine thử nghiệm nào sắp tới có hiệu quả trong đáp ứng miễn dịch và công nghệ sản xuất loại đó có sẵn sàng hay không [7].

Nên khả năng có một vaccine có thể được sử dụng rộng rãi, trong vòng ít nhất 18 tháng tới, là một dự báo khá lạc quan. Đồng thời, các nước phát triển có thể tích trữ vaccine và các nước đang phát triển sẽ tiếp cận với vaccine trong thời gian lâu hơn [7].

Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 sắp tới là giai đoạn quan trọng để chính phủ nhiều nước trên thế giới hành động ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Sau đó, các nước sẽ dần tái khởi động lại các hoạt động kinh tế, xã hội trong sự cẩn trọng khi đại dịch được dự báo có thể quay trở lại vào mùa thu hay mùa đông năm nay [8].

Rất có thể các chính phủ sẽ cho các hoạt động kinh tế và xã hội diễn ra chậm trong thời gian tới trong sự kiểm soát chặt chẽ với các hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện giãn cách xã hội. Việc đi lại giữa các quốc gia và các vùng khác nhau trên thế giới sẽ bị hạn chế vì chính phủ các nước sẽ kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn bệnh dịch quay lại.

Do đó các hoạt động kinh tế và xã hội sẽ diễn ra một cách chậm chạp. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp kiểm soát dịch một cách gắt gao có thể được nhiều chính phủ các nước áp dụng, điển hình là xét nghiệm chẩn đoán virus ở quy mô rộng lớn trong xã hội, kết hợp với việc truy dấu các cá nhân mắc bệnh mới.

Trung Quốc đã áp dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ quản lý công dân để truy dấu và cách ly các trường hợp mới nhiễm bệnh trong cộng đồng [9]. Một điều chắc chắn là đi kèm với các biện pháp kiểm soát gắt gao phòng chống dịch là một sự tốn kém không nhỏ đối với ngân khố của các quốc gia.

Tham khảo:

[1] Forster, P., et al. Phylogenetic network analysis of SARS-CoV-2 genomes. PNAS 2020, https://doi.org/ 10.1073/pnas.2004999117 .

[2] https://www.worldometers.info/coronavirus/#countries

[3] Walls, A. C., et al. Structure, Function, and Antigenicity of the SARS-CoV-2 Spike Glycoprotein. Cell 2020. pii: S0092-8674(20)30262-2. https://doi.org/10.1016/j.cell.2020.02.058 .

[4] Jin, Z., et al. Structure of Mpro from COVID-19 virus and discovery of its inhibitors. Nature 2020, volume 580, https://doi.org/10.1038/s41586-020-2223-y .

[5] Zhang L., et al. Crystal structure of SARS-CoV-2 main protease provides a basis for design of improved α-ketoamide inhibitors. Science. 2020. pii: eabb3405. https://doi.org/10.1126/science.abb3405 .

[6] Le T. T., et al. The COVID-19 vaccine development landscape. Nature reviews drug discovery 2020, https://doi.org/10.1038/d41573-020-00073-5 .

[7] Roxanne, K. If a coronavirus vaccine arrives, can the world make enough? Nature 2020, volume 580, https://doi.org/10.1038/d41586-020-01063-8 .

[8] Ferguson M. N., et al. Impact of non-pharmaceutical interventions (NPIs) to reduce COVID-19 mortality and healthcare demand. Reprort from Imperial College London 2020. https://doi.org/10.25561/77482 .

[9] https://www.youtube.com/watch?v=vLmmwvuXYY4

Theo Nguyễn Tấn Trung, Tiến sĩ Di Truyền Phân Tử, Viện INRAE, Pháp

Cùng chuyên mục
XEM