Dù đi đâu về đâu, ngày 30 hãy trở về bên mâm cơm sum họp gia đình
Người ta bảo cả năm chỉ có một cái Tết, bởi vậy mà ai cũng muốn được sum vầy, tươm tất. Bởi thế, ấm áp nhất và hạnh phúc nhất những ngày này là được sum họp bên mâm cơm gia đình.
Ký ức về những cái Tết của tôi, đáng nhớ nhất có lẽ là những bữa cơm gia đình. Hồi đó tôi còn thấy buồn cười bởi cứ đến Tết thì mâm cơm nhà nào trông cũng na ná nhau: kiểu gì cũng có đĩa thịt gà luộc, cái bánh chưng, đĩa giò, bát canh măng miến, đĩa nem rán... Và đáng nhớ hơn, nghe vừa khổ vừa buồn cười thì chính là cảnh: bữa nào cũng vậy, cứ lặp đi lặp lại mấy món này.
Nghĩ đến thì chán, thì ngấy, thì sợ, thế nhưng nếu từng nếm trải cảnh xa nhà, bạn sẽ thấu hiểu được sự mong mỏi một bữa cơm sum họp gia đình những ngày Tết...
Ăn thì ngày nào mà chẳng phải ăn? Nhưng những món ăn ngày Tết luôn thiêng liêng hơn ngày thường rất nhiều.
Mâm cơm Tết ở Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ là ý nghĩa sum vầy, đó còn là tấm lòng thơm thảo của con cháu với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ... Người Việt Nam có truyền thống "uống nước nhớ nguồn", nên những ngày Tết này, dâng cúng tổ tiên là một nghi lễ nhất định phải có.
Ở mỗi miền, mâm cơm ngày Tết lại có những đặc trưng khác nhau.
Người miền Bắc rất cầu kì về cách chế biến và hình thức. Mâm cơm ngày Tết thường sẽ đủ màu xanh đỏ, các món xào, hấp, canh... cũng vô cùng phong phú. Những món ăn còn phải giàu năng lượng, có khả năng làm ấm người để phù hợp với thời tiết của mùa đông.
Trong khi đó, cỗ Tết ở miền Trung nổi bật hẳn lên bởi cách kết hợp gia vị tài tình. Một bữa cơm phải có đủ các gia vị chua cay mặn ngọt, đặc biệt lại vô cùng đậm đà, mang một phong vị riêng mà không vùng nào có được.
Với người miền Nam, mâm cơm ngày Tết thể hiện rất rõ sự trù phú về các loại nông sản. Các món ăn từ thịt hay rau đều mang những màu sắc, hương vị phong phú, đa dạng, nhìn bắt mắt. Khí hậu miền Nam cũng ổn định hơn nên các món ăn gần gũi với ẩm thực nhiệt đới hơn.
Thế nhưng, có một điểm chung là nhà nào dù ở đâu, dù khá giả hay nghèo khó, ngày Tết dù không mâm cao cỗ đầy cũng đầy đủ các món: món mặn, món xào, món canh.
Những ngày Tết, bữa cơm luôn được chuẩn bị cẩn thận ngay từ những ngày 29, 30, khi các gia đình cúng tất niên. Rồi đến mâm cơm ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3..., ngày nào cũng đều phải chuẩn bị cẩn thận để dâng cúng, rồi để mời khách đến chơi, gia đình cùng nhau quây quần. Đến mùng 4, mùng 5 thì các gia đình bắt đầu làm hoá vàng, lại vẫn là những món ăn quen thuộc được làm đầy ắp trên mâm.
Ngày trước, các cụ thường hay bảo: "Ngày thường ăn uống sao cũng được, nhưng Tết nhất thì phải có mâm cơm tươm tất". Thời kỳ còn khó khăn, Tết nhất là dịp hiếm hoi trong năm được đủ đầy nên ai cũng thích, mâm cơm Tết vì thế mà được trân trọng hơn bao giờ hết.
Ngày nay, khi mọi thứ đã phát triển hơn, cuộc sống no đủ hơn trước rất nhiều, các món ăn cũng đa dạng thì nhiều người không còn quá thích thú với mâm cơm Tết nữa. Trái lại, chúng ta còn có đôi phần cảm thấy... sợ và ngấy khi phải ăn quá nhiều, lặp đi lặp lại.
Thế nhưng, ý nghĩa của mâm cơm Tết thì vẫn còn đó, hiện hữu rất rõ trong đời sống.
Chiều 30 Tết, cả nhà ngồi quây quần bên nhau quanh mâm cơm, có ông bà, bố mẹ, có đầy đủ anh chị em. Anh cả làm ăn trong Nam bay ra, chị hai đi học trên Hà Nội trở về... Để có được một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình thế này đâu phải dễ. Nhiều gia đình cả năm chỉ chờ có dịp này thì mới có thể sum họp được.
Ngày Tết chỉ cần đủ cả nhà quây quần quanh mâm cơm thôi cũng đủ hạnh phúc rồi! Vui như Tết chính là thế!
(Địa điểm: Tầm Vị - số 4 Yên Thế).