Dù chỉ chiếm 1/10 diện tích TPHCM nhưng thành phố mới Thủ Đức chiếm tới 30% thị trường BĐS toàn TPHCM, lo ngại giá nhà sẽ tiếp tục tăng

02/04/2021 14:00 PM | Kinh doanh

Thành phố mới Thủ Đức chiếm 30% tổng số đơn vị nhà ở của TP Hồ Chí Minh, trong khi chỉ chiếm 10% tổng diện tích và 12% tổng dân số.

Tháng 12 năm 2020, TP Thủ Đức chính thức được thành lập, trực thuộc TP Hồ Chí Minh. Với quy mô trên 20 nghìn ha và dân số hơn 1 triệu người. TP Thủ Đức hứa hẹn sẽ  phát triển trở thành đầu tàu công nghệ, tài chính và dịch vụ của TP Hồ Chí Minh, với hy vọng đóng góp gần 30% tổng GDP toàn thành phố. Sau khi sáp nhập, TP Thủ Đức sẽ nằm giữa hai con sông quan trọng là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, cũng như tiếp giáp với Đồng Nai và Bình Dương, một vị trí chiến lược sẽ tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.

Mô hình ‘thành phố trong thành phố’ hay ‘bất động sản tích hợp’ đã được JLL đề cập nhiều trong các báo cáo trước đây. Khái niệm này đề cập đến các dự án quy mô tương đương một khu phố hoặc khu đô thị, nơi tích hợp nhiều chức năng hỗn hợp trong một dự án như nhà ở, văn phòng, bán lẻ, giáo dục, giải trí, và nhiều tiện ích khác. Những dự án này hướng đến mục đích cuối cùng là tạo ra không gian sống lý tưởng, nơi cư dân có thể sống, làm việc và vui chơi. Nó bao gồm nhiều tòa nhà đa chức năng kết nối với nhau trong một tổng thể hài hòa về mặt kiến trúc và môi trường sống.

Ông Paul Fisher, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam cho biết "TP Thủ Đức sẽ là điểm đến cho những dự án theo đuổi mô hình ‘thành phố trong thành phố’ này nhờ quỹ đất rộng lớn với mật độ dân cư hiện hữu thấp hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh."

Cũng giống như thị trường căn hộ chung cư của TP Hồ Chí Minh, tất cả các dự án được phát triển tại TP Thủ Đức đều được đón nhận tích cực. Nhu cầu được hỗ trợ bởi nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam và bởi những người mua có sẵn nguồn tiền mặt hoặc khả năng huy động vốn. Tính đến quý 4 năm 2020, hơn 90% tổng nguồn cung căn hộ mở bán đã có chủ. Ngoài ra, về tốc độ tăng giá, khu vực này cũng vượt trội hơn so với toàn thành phố, cả về căn hộ và đất nền trong những năm qua.

Thành phố mới chiếm 30% tổng số đơn vị nhà ở của TP Hồ Chí Minh, trong khi chỉ chiếm 10% tổng diện tích và 12% tổng dân số. Trong khi các dự án căn hộ cao cấp có xu hướng tập trung tại các phường ở Quận 2, khu vực gần Quận 1, các dự án căn hộ phân khúc thấp hơn và các dự án đất nền sẽ nằm xa trung tâm hơn chủ yếu tại Quận 9, nơi vẫn còn quỹ đất lớn.

Trong giai đoạn đầu phát triển, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Thủ Đức sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư 6 trung tâm chức năng chính, bao gồm: 1) trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 2) khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; 3) khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao SHTP; 4) khu giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; 5) khu công nghệ sinh thái ở khu vực Tam Đa; và 6) khu đô thị Trường Thọ.

Thành phố mới được định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo công nghệ cao, với kỳ vọng thu hút lực lượng người lao động trí thức cao. Chưa nói đến tương lai, ngay hiện tại, TP Thủ Đức đã có nền tảng nổi bật cho hướng phát triển mang tính sáng tạo, chuyên về khoa học và giáo dục bậc cao. Thành phố sở hữu hệ thống giao thông khá tốt, kết nối với hai thành phố khác là TP Biên Hòa thuộc Đồng Nai và TP Thủ Dầu Một thuộc Bình Dương, cùng tuyến Metro số 1 đang xây dựng hứa hẹn sẽ là nam châm hút người lao động về đây.

Nổi bật nhất có thể kể đến hạt nhân khu đô thị Thủ Thiêm với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đang dần lột xác trở thành trung tâm tài chính như đã được định hướng. Về đào tạo và giáo dục, cụm đại học Quốc gia TP.HCM hiện có hơn 10 trường thành viên mỗi năm đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, cùng nhiều trường đại học trong nước cũng như quốc tế cũng nằm trong khu vực này. Khu công nghệ cao quận 9 có sự hiện diện của nhiều ‘đại gia’ công nghệ trên thế giới với số vốn đầu tư hàng tỉ USD vào hệ thống nhà máy, cơ sở sản xuất hiện đại.

Đi song song với triển vọng cũng là nhiều thử thách. Tin tức về việc lập thành phố đã đẩy giá nhà đất lên cao, tạo cơ hội cho hoạt động đầu cơ tích trữ. Nếu không có sự ngăn chặn, hoạt động đầu cơ thổi giá sẽ ngăn cản sự phát triển của thành phố mới, khiến chủ đầu tư dự án chật vật trong việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp, và nếu có sẽ đẩy gánh nặng tài chính lên người dân có nhu cầu ở thật.

Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng trong TP Thủ Đức và kết nối với các quận khác vẫn còn chưa hoàn thiện. Trong khi chờ loại hình giao thông công cộng có sức chứa lớn như tàu điện ngầm, thành phố cần phát triển thêm các tuyến xe buýt công cộng, đặc biệt chú trọng kết nối các khu dân cư tới các trạm tàu điện ngầm trong tương lai. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu đẩy mạnh thêm dịch vụ taxi tàu thủy, một loại hình mới đang rất được nhiều người dân ủng hộ.

‘Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lĩnh vực bất động sản trên toàn thế giới đang tăng tốc để ứng phó với biến đổi khí hậu và tập trung phát triển bền vững. TP Thủ Đức đang dần thành hình, điều quan trọng nhất chính là các nhà đầu tư, người sở hữu và các công ty bất động sản phải chia sẻ trách nhiệm để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển bền vững, mang đến một thành phố thông minh và hiện đại của tương lai,’ ông Paul nhận định.

Với việc các chủ đầu tư và người mua bắt đầu tận dụng cơ hội mới này, JLL tin tưởng mạnh mẽ rằng TP Thủ Đức sẽ là một trong những điểm nóng đầu tư chính tại TP Hồ Chí Minh trong những năm tới.

Lan Nhi

Cùng chuyên mục
XEM