Dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng

19/08/2022 08:37 AM | Tài chính

Lãi suất tiền gửi vẫn duy trì đà tăng trong tháng 7, tháng 8 mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm lại. VNDirect cho rằng, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới do 3 yếu tố.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect nhận định có sự gia tăng đáng lưu ý của lãi suất tiền gửi trong tháng 7.

Tính đến ngày 27/7/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 9 và 16 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Như vậy kể từ đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng đáng kể lần lượt là 38 và 44 điểm cơ bản.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng tăng thêm 3 điểm cơ bản trong tháng 7/22 khi Vietcombank thông báo tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 7. Kể từ đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã tăng nhẹ lần lượt 3 và 7 điểm cơ bản.

VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì đà tăng trong những tháng tới do nhu cầu tín dụng cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, trên thực tế, tăng trưởng tiền gửi còn chậm trong 7 tháng đầu năm (chỉ tăng 4,2% so với đầu năm và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Thêm vào đó, Cục dự trữ lên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 100-125 điểm cơ bản cho đến cuối năm 2022 cũng ảnh hưởng tới VIệt Nam. Đồng USD mạnh sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

"Chúng tôi giữ quan điểm rằng lãi suất tiền gửi có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong 6 tháng cuối năm 2022. Dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm", nhóm phân tích cho biết.

Trên thực tế, bước sang tháng 8, một số ngân hàng nhỏ cũng tiếp tục tăng lãi suất huy động. Trong đó, CBBank gây chú ý khi nâng lãi suất cao nhất lên 7,55%/năm cho hình thức gửi online, cùng với SCB là 2 ngân hàng có lãi suất huy động lớn nhất hiện nay.

Trong khi đó, cuộc đua lãi suất ở các ngân hàng lớn có phần chững lại do chưa được cấp thêm "room" tăng trưởng tín dụng. Lãi suất ở các ngân hàng lớn nhìn chung vẫn duy trì dưới mốc 7%/năm, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19. Chẳng hạn tại Vietcombank, lãi suất cao nhất hiện nay mới chỉ 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi online.

Tại VPBank, lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy là 7%/năm, tuy nhiên áp dụng cho khách hàng gửi 36 tháng với số tiền từ 50 tỷ trở lên. Tương tự, ACB có lãi suất cao nhất là 6,8%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 36 tháng và là khách hàng ưu tiên.

Theo nhiều chuyên gia, thời gian tới, nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nới "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động có thể sẽ lại nóng lên.

Ngoài ra, theo Thông tư 08/2021/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống mức 34% cũng có thể khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn.

Công ty chứng khoán VCBS dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%/năm cho cả năm 2022. Theo đó, lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và cũng sẽ có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Thanh Anh

Từ khóa:  lãi suất
Cùng chuyên mục
XEM