Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: “Tôi rất bất ngờ khi Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch”

09/09/2016 08:31 AM | Kinh doanh

Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận không có tên trong danh mục chương trình, dự án đầu tư chủ yếu tại Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung mới phê duyệt ngày 22/8.

Tuy nhiên, tại Quyết định 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Tại danh mục chương trình, dự án đính kèm đối với các dự án ngành luyện kim được kể đến như: nhà máy phôi thép, luyện thép tại Nghi Sơn – Thanh Hoá; nhà máy sắt xốp, luyện gang tại Nghệ An; liên hợp luyện kim tại Nhơn Hội – Bình Định; nhà máy luyện cán thép tại Đà Nẵng.

Về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực luyện kim cho biết, việc bổ sung thêm dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với công suất lên đến 16 triệu tấn/năm vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 là vội vã.

Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết, hiện Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng khi Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, hoàn thiện dự kiến sẽ có sản lượng thép hơn 20 triệu tấn.

Bộ Công Thương mới đây cũng đã bổ sung dự án thép Nghi Sơn – Thanh Hoá vào quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm tổng mức đầu tư lên đến 4,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2015 đến năm 2017.

“Như vậy, tính đến 2030 Việt Nam có khoảng 50 triệu tấn thép mỗi năm trong khi theo tính toán, nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm”, vị chuyên gia đưa ra tính toán.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho biết, bà lo ngại về đề xuất của Tập đoàn Hoa Sen và cũng rất bất ngờ khi Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch dự án này.

“Bởi lẽ, vấn đề quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi cứ có bất kỳ dự án nào doanh nghiệp muốn làm thì lại đưa vào quy hoạch. Tôi cho rằng quy hoạch một dự án cần phải có tính toán cẩn thận, thật cẩn trọng và kỹ lưỡng. Chứ Nhà nước cứ chạy theo các doanh nghiệp thế này thì quy hoạch để làm gì?”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho biết, Bộ Công Thương nên thận trọng, cần có trách nhiệm, việc đưa vào quy hoạch với dự án có nguy cơ ảnh hưởng môi trường cũng là trách nhiệm của Chính phủ và bộ ngành khác như Bộ Tài nguyên môi trường.

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng, trách nhiệm về môi trường của dự án phải đến từ cả nhà đầu tư Tập đoàn Hoa Sen và người đứng lên chấp thuận quy hoạch của dự án.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 cũng yêu cầu việc xử lý nghiêm, thậm chí dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Chỉ đạo của Phó thủ tướng cũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm quy hoạch ngành, chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường trong cấp phép đầu tư và giám sát hoạt động của các dự án, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM