Dự án bán dẫn 2,8 tỷ USD của Trung Quốc đi vào ngõ cụt, được chính phủ TQ hậu thuẫn nhưng không còn đủ tiền để trả lương nhân viên

16/07/2020 14:25 PM | Công nghệ

Một công ty sản xuất bán dẫn mới đây đã phải tuyên bố phá sản vì cạn vốn và không thể thu hút được nhà đầu tư mới, trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Theo Asia Nikkei, công ty Tacoma Semiconductor Technology mới đây đã được Tòa án Nhân dân Trung cấp của tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) yêu cầu tiến hành quá trình phát mãi tài sản, sau khi công ty này nộp đơn phá sản lên tòa án. Đáng chú ý, vào 4 năm trước, Tacoma Semiconductor Technology đã khởi động dự án sản xuất chip nhớ với trị giá lên tới 2,8 tỷ USD và được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Được hỗ trợ bởi Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Nam Kinh, dự án này được trình làng lần đầu tiên vào vào năm 2016. Theo Asia Nikkei, dự án Nam Kinh là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, khi quốc gia tỷ dân đặt mục tiêu sản xuất 70% nhu cầu bán dẫn vào năm 2025.

Dự án bán dẫn 2,8 tỷ USD của Trung Quốc đi vào ngõ cụt, được chính phủ TQ hậu thuẫn nhưng không còn đủ tiền để trả lương nhân viên - Ảnh 1.

Chính quyền thành phố Nam Kinh đã đầu tư gần 55 triệu đô la vào Tacoma Semiconductor Technology, nhưng công ty này đã không thực hiện được lời hứa của mình.

Theo kế hoạch ban đầu, Tacoma Semiconductor Technology sẽ xây dựng một nhà máy chế tạo tấm wafer có kích thước 8 inch, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất khác trong toàn bộ chuỗi sản xuất chip.

Với tầm quan trọng đặc biệt như vậy, kế hoạch này đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ phía chính phủ Trung Quốc, cũng như thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình từ các quỹ đầu tư lẫn nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy theo kế hoạch của Tacoma đã bị dừng lại kể từ tháng 3 năm 2019 vì gặp vấn đề về vốn, theo tiết lộ từ chính Chủ tịch Tacoma là Li Ruiwei, vốn còn được biết đến với tên gọi là Joseph Lee.

Vào thời điểm dự án bị đình lại, nhà máy này đã hoàn thành được khoảng 90% tiến độ xây dựng. Theo tiết lộ từ Li Ruiwei, chính quyền thành phố Nam Kinh đã đầu tư 384 triệu nhân dân tệ (54,9 triệu USD), nhưng việc Tacoma không thu hút được các nhà đầu tư khác đã khiến dự án phải tạm dừng.

Trước đó, khi Li trình dự án lên chính quyền thành phố Nam Kinh, chủ tịch của Tacoma từng hứa hẹn doanh nghiệp này sẽ không cần nhận vốn đầu tư từ phía chính phủ. Thay vào đó, Tacoma sẽ cố gắng tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài, theo một nguồn tin thân cận với doanh nghiệp tiết lộ với trang Caixin. Tuy nhiên, tại buổi lễ cắt băng khởi công dự án vào năm 2016, Tacoma vẫn chưa thể huy động được nguồn tài chính từ bên ngoài theo đúng như kế hoạch.

"Ý tưởng được đưa ra là vừa thực hiện dự án, vừa tìm kiếm nguồn tiền", nguồn tin này cho biết.

Theo đó, Tacoma đã lựa chọn hãng sản xuất chip của Israel là TowerJazz làm đối tác. Công ty niêm yết trên sàn Nasdaq này chuyên sản xuất chip viễn thông không dây và cảm biến camera, với các khách hàng lớn bao gồm Intel và Texas Instruments.

Theo kế hoạch, TowerJazz sẽ không đầu tư hay đóng góp tiền cho dự án của Tacoma. Thay vào đó, công ty này chủ yếu đóng vai trò tư vấn kỹ thuật. Tacoma đã trả cho TowerJazz 30 triệu USD theo thỏa thuận cấp phép công nghệ. Về phía TowerJazz, công ty này cũng hứa hẹn sẽ đặt mua tới 50% trong số 40.000 tấm wafer được sản xuất bởi Tacoma mỗi tháng.

Li cũng đã tiếp cận các nhà đầu tư khác, bao gồm Công ty bán dẫn công nghệ Hubei, JAC Capital và Peng Capital, nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong việc huy động vốn.

Do không thể trả lương nhân viên, Tacoma đã bị đưa vào danh sách những thực thể mất khả năng thanh toán và bị chính quyền Trung Quốc xử phạt vào cuối năm 2019. Hiện tại, Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Nam Kinh đã có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư mới nhằm hoàn thành việc xây dựng nhà máy và tận dụng công nghệ của dự án và các tài sản khác.

Anh Việt

Cùng chuyên mục
XEM