Đột nhập một xưởng sản xuất smartphone giá rẻ tại Trung Quốc

04/06/2016 10:49 AM | Kinh doanh

Cho những ai quan tâm về cách mà một chiếc smartphone giá rẻ tại Trung Quốc được ra đời.

Nếu như nước Mỹ có thung lũng Silicon, thì Trung Quốc có thành phố Thẩm Quyến là đối trọng. Có điều, tại thung lũng Silicon người ta chỉ tập trung sáng chế và tạo ra các công nghệ mới, thực sự đột phá. Trong khi tại Thẩm Quyến, công nghệ sao chép và đóng dập lại được phổ biến hơn cả.

Đây cũng là lý do tại sao, số lượng nhà máy, xưởng sản xuất smartphone tại đây lại ngày một tăng lên chóng mặt đến như vậy. Và cũng sẽ chẳng bất ngờ nếu gọi Thẩm Quyến, Trung Quốc là cái nôi của smartphone giá rẻ. Mà gọi là smartphone giá rẻ cũng chẳng phải, đúng ra là smartphone siêu rẻ.

Bởi tại những phân xưởng sản xuất như vậy, họ không hề dùng nhiều tới máy móc hay các dây chuyền hiện đại. Thậm chí, hầu hết các hộp đựng, linh kiện, cho tới thành phẩm cuối cùng đều được hoàn thiện bằng sức người. Bạn không tin ư? Hãy cùng chúng tôi đột nhập một xưởng sản xuất smartphone giá rẻ tại Trung Quốc.

Cuộc viếng thăm một xưởng sản xuất smartphone giá rẻ như vậy sẽ bao gồm 5 khu vực và giai đoạn chính. Đầu tiên là khu vực nhà kho, nơi chứa hầu hết các linh kiện, thành phần nhằm chế tạo nên một chiếc smartphone. Dù là sản phẩm giá rẻ, nhưng các thành phần này hầu hết đều được giữ khô ráo và khá sạch sẽ. Tại đây, người ta cũng sử dụng các kệ sắt sơn xanh trông rất ngay ngắn.

Tại đây chúng ta sẽ được quan sát tất tần tật các thành phần như màn hình, khung máy, bo mạch, các linh kiện cho tới chi tiết bên trong điện thoại. Đặc biệt, đây cũng nơi cất giữ các smartphone đã và đang được thử nghiệm. Trên hình là một chiếc điện thoại "cục gạch" nguyên mẫu có tuổi đời lên tới vài năm. Thậm chí, có thể chiếc điện thoại này cũng chưa bao giờ được đưa vào sản xuất.

Tiếp theo là khu vực lắp ráp smartphone. Có thể bạn sẽ cảm thấy bất ngờ, nhưng sự thực là các smartphone giá rẻ ở đây đều được lắp ráp hết sức thủ công, chủ yếu dựa vào sức người. Ở đây không hề có các dàn máy hiện đại, hay dây truyền lắp ráp tự động. Có cảm tưởng như chúng ta đang ngược về lịch sử tới hàng chục năm trước, thời kì mà ngành công nghiệp di động còn thô sơ và non trẻ.

Dàn công nhân tại nhà máy này làm việc đều tăm tắp: lấy bo mạch chủ đã được in sẵn ra, upload firmware dành riêng cho thiết bị, tiếp tục gắn các linh kiện khác như camera vào thiết bị. Và cũng xin lưu ý rằng, quy trình lắp ráp ở đây hoàn toàn thô sơ, có thể gọi là "tay không bắt giặc". Bởi ngoài tay không, các nhân công không hề được trang bị bất kì thiết bị, hay bộ đồ bảo hộ nào trong quá trình làm việc.

Như cảnh người công nhân này đang tỉ mỉ lắp phần vỏ bọc cho cụm camera có trên smartphone. Tất cả những gì anh chàng này có trong tay là một chiếc nhíp chuyên dụng. Các thiết bị bảo hộ tiêu chuẩn như găng tay, hay khẩu trang là không hề xuất hiện. Giá thành sản xuất ra một chiếc smartphone quá rẻ, khiến chính những nhân công sản xuất, lắp ráp ra chúng nhận về điều kiện làm việc bèo bọt theo.

Sau công đoạn lắp ráp, các smartphone giá siêu rẻ tại Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn kiểm thử. Nhưng cũng tương tự như những giai đoạn trước, việc kiểm thử được tiến hành hết sức đơn giản và thô sơ, không hề có bất kì thiết bị chuyên dụng nào ở đây. Đơn cử như việc người công nhân giơ 2 chiếc điện thoại lên để kiểm tra camera, bằng cách so sánh với một bức tranh được đặt sẵn trước mặt.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải bước kiểm thử cuối cùng. Bởi ngay sau đó, sản phẩm đã được gắn tem cũng như nhãn mác hàng loạt. Tại công đoạn này, nhân công được phát cho các bảng tem có sẵn, việc của họ là dán chúng lên các vị trí đã được đánh dấu trên smartphone. Nhưng do smartphone được dán tem thủ công, nên không phải tem mác nào cũng chuẩn chỉnh và đúng cự li, vị trí.

Gắn xong tem mác, các smartphone này bắt đầu được phân loại để đưa vào giai đoạn kiểm thử tiếp theo. Không rõ, số lượng smartphone chưa đạt tiêu chuẩn và bị thải hồi là bao nhiêu. Nhưng chắc chắn một điều, với việc lắp ráp thủ công như vậy, sai số trong một phân xưởng là không hề nhỏ. Điều này giải thích tại sao, người ta lại liên tục phải phân loại các smartphone như vậy.

Cũng phải tới một trong những công đoạn cuối cùng, chúng ta mới bắt đầu được nhìn thấy máy móc thật sự. Như trên hình, một nhân công đang kiểm thử khả năng chịu lực của màn hình smartphone. Họ sử dụng một viên bi kim loại, kẹp vào máy kiểm thử, sau đó thả viên bi xuống màn hình ở độ cao khoảng 1 mét. Nếu màn hình còn sống sót, smartphone sẽ tiếp tục được đưa tới công đoạn tiếp theo.

Ngoài độ bền, âm thanh cũng là một yếu tố quan trọng trên một chiếc điện thoại. Trên hình, người ta đang thử nghiệm loa ngoài của khoảng 5 chiếc smartphone. Cả 5 máy này đều được cắm sạc pin liên tục, đặt trong một chiếc tủ cách âm. Điều đáng nói là chúng chẳng hề được thử nghiệm bằng một bản nhạc du dương nào đó. Người ta ví von rằng, âm thanh phát ra nghe như những bản nhạc chết chóc vậy.

Tới đây mới thực sự là màn thử nghiệm cuối cùng, quyết định tới yếu tố sống còn của một chiếc smartphone. Tất cả các mẫu điện thoại trước khi được xuất xưởng đều phải trải qua màn thử nghiệm khả năng chịu nhiệt. Đầu tiên là khả năng chịu sức nóng. Cuối cùng là khả năng chịu lạnh. Sau khi hoàn thành cả 2 thử thách này, smartphone sẽ được đưa vào công đoạn đóng gói.

Tương tự như các công đoạn khác, công đoạn đóng gói sản phẩm cũng được thực hiện hết sức thủ công. Ở các nhà máy như vậy, người ta cũng chẳng hề tự sản xuất hộp đựng. Thay vào đó, họ sẽ đặt in ở các cơ sở khác, sau đó chuyển về cho công nhân nhà máy đóng gói bằng tay. Cuối cùng là đóng gói các phụ kiện kèm theo như củ sạc, dây cáp, sách hướng dẫn và chuyển ra thị trường để bán trong tương lai.

Cùng chuyên mục
XEM