Đồng USD bị thách thức

27/10/2018 10:09 AM | Xã hội

Niềm tin của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng sử dụng đồng USD như một vũ khí chống lại các quốc gia đối thủ và đồng minh cứng đầu có nguy cơ phản tác dụng.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty châu Âu "tháo chạy khỏi Iran" sau khi quốc gia này bị Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt, Washington có thể bị cám dỗ bởi chuyện phớt lờ những nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran của châu Âu. Tuy nhiên, sẽ khôn ngoan hơn nếu họ chống lại cám dỗ này.

Một kế hoạch mới của Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga về việc tạo ra hạ tầng tài chính đặc biệt để giao dịch với Iran có thể là thách thức đáng kể đối với sự thống trị toàn cầu lâu nay của đồng USD. Bà Federica Mogherini, quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), vào tháng rồi nói về kế hoạch tạo ra "một phương tiện đặc biệt" để giao thương với Iran. Cụ thể, các nước thành viên EU sẽ thành lập một thực thể pháp lý để tạo điều kiện cho những giao dịch tài chính hợp pháp với Iran. Điều này sẽ cho phép các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Tehran. Các chi tiết của kế hoạch vẫn đang được bàn thảo nhưng những phát biểu này phần nào cho thấy nó được tiến hành ra sao.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt sau khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Chúng khiến cho việc giao thương giữa bất kỳ thực thể nào liên quan đến Mỹ và Iran gần như là bất khả thi. Cái giá phải trả cho việc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ là rất cao. Hồi năm 2015, Ngân hàng BNP Paribas SA của Pháp phải nộp phạt gần 9 tỉ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, Cuba và Sudan. Washington cũng phớt lờ phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Pháp đối với mức phạt mạnh tay này.

Các biện pháp trừng phạt Iran đã trở lại, khiến các giao dịch trong tương lai giữa Tehran với châu Âu (cũng như Trung Quốc và Nga) đều phải được thực hiện thông qua các thực thể không liên quan gì đến hệ thống tài chính Mỹ. Trong một báo cáo hồi tháng 7-2018, ông Axel Hellman - thuộc tổ chức Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN) và Esfandyar Batmanghelidj, nhà sáng lập Công ty Truyền thông Bourse & Bazaar (Anh), đã đề xuất thành lập "một kiến trúc ngân hàng mới" để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ. Kiến trúc này dựa vào hệ thống hiện hữu của các ngân hàng không hoạt động ở Mỹ và chỉ tập trung làm ăn với Iran, như Ngân hàng Iran - châu Âu (trụ sở TP Hamburg - Đức) và chi nhánh tại châu Âu của các ngân hàng tư nhân Iran.

 Đồng USD bị thách thức  - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa kêu gọi biến euro thành đồng tiền toàn cầu để thách thức đồng USD Ảnh: REUTERS

Kế hoạch mới của châu Âu dường như tập trung vào phương án này. Bà Mogherini cho biết Đức, Pháp, Anh sẽ thiết lập một hệ thống tài chính trung gian đa quốc gia được nhà nước hậu thuẫn để hỗ trợ các công ty châu Âu muốn làm ăn với Tehran và cả những đối tác ở Iran. Những giao dịch này, nhiều khả năng sẽ được thực hiện bằng đồng euro và bảng Anh, sẽ không được công khai với giới chức Mỹ. Về mặt kỹ thuật, các công ty châu Âu giao dịch với hệ thống tài chính trung gian này thậm chí không vi phạm các biện pháp trừng phạt hiện hữu của Mỹ. Hệ thống này nhiều khả năng sẽ để mở với cả Nga và Trung Quốc. Điều châu Âu cần làm là cung cấp một hạ tầng hợp pháp, an toàn và bảo đảm những giao dịch không được trình báo cho Mỹ.

Khi đó, việc trừng phạt hệ thống đặc biệt nêu trên là vô ích bởi Mỹ không thể biết được ai giao dịch với nó và vì sao. Tất cả những gì Washington có thể làm là trừng phạt ngân hàng trung ương của các nước tham gia hoặc Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) với cáo buộc hỗ trợ các giao dịch (nếu hệ thống tài chính trung gian đặc biệt sử dụng SWIFT). Một động thái như thế sẽ chỉ khiến Mỹ tự chuốc lấy thất bại bởi nó không những để lại hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính Mỹ mà còn khiến châu Âu đẩy nhanh "nỗ lực" tạo ra một kiến trúc ngân hàng có khả năng chống chọi các biện pháp trừng phạt nói chung của Mỹ.

Việc tạo ra một "kiến trúc ngân hàng có thể bảo vệ được" cũng có thể là mục tiêu cuối cùng của châu Âu lẫn Nga và Trung Quốc. Iran chính là cái cớ thuận tiện để châu Âu, Nga và Trung Quốc hợp tác thực hiện mục tiêu: Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong số ít vấn đề khiến EU, Trung Quốc và Nga bắt tay đối đầu Mỹ. Dù vậy, nỗ lực xóa bỏ sự thống trị toàn cầu của USD rốt cuộc không phải chỉ vì Iran.

Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu hồi tháng rồi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi biến euro thành đồng tiền toàn cầu để thách thức đồng USD. Trung Quốc và Nga từ lâu cũng mong muốn thực hiện điều tương tự. Tuy nhiên, chỉ khi hợp tác với châu Âu - nơi hiện có lượng dự trữ tiền tệ nhiều thứ hai thế giới, Bắc Kinh và Moscow mới có cơ hội thách thức sự thống trị của Mỹ.

Lịch sử cho thấy không đồng tiền nào thống trị toàn cầu mãi và không có lý do gì để đồng USD là trường hợp ngoại lệ. Niềm tin của Tổng thống Donald Trump về khả năng sử dụng USD như một vũ khí chống lại các quốc gia đối thủ và đồng minh cứng đầu có nguy cơ phản tác dụng bởi đang có những nỗ lực ngày một nghiêm túc nhằm lật đổ vị thế của đồng tiền này.

Theo Cao Lực

Từ khóa:  USD
Cùng chuyên mục
XEM