Dòng tiền ồ ạt bắt đáy trong một giờ kích thanh khoản HOSE lần đầu vượt 35.000 tỷ sau Tết, nhà đầu tư bán tháo đã mất hàng?

24/02/2022 16:20 PM | Kinh doanh

Ở thời điểm giảm mạnh nhất 39 điểm, vốn hoá HOSE đã bốc hơi hơn 152.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong hơn 1 giờ dòng tiền lớn vào bắt đáy, HOSE đã lấy lại hơn 84.000 tỷ vốn hoá.

Việc bán tháo vào thời điểm giảm mạnh nhất của phiên là mất hàng hay "chạy thoát" trước ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga- Ukraina sẽ phải chờ những phiên kế tiếp mới có thể đưa ra kết luận được. Chỉ biết rằng, thị trường phiên hôm nay đã có "cú rút chân" dài nhờ hàng chục ngàn tỷ bắt đáy ồ ạt trong khoảng hơn một giờ cuối phiên.

Mở phiên giao dịch chiều 24/2, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm sâu tới 39 điểm trong khi VN30 mất 33 điểm do tác động tâm lý từ lời tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự của Nga vào miền đông Ukraina. Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của giới đầu tư, nhiều người lo sợ đây sẽ là đòn kích hoạt chiến tranh thế giới thứ 3. Do đó đã có một lượng hàng bán tháo mạnh mẽ ngay đầu phiên khiến cho chỉ số chứng khoán giảm sâu.

Hàng loạt các cổ phiếu trụ lớn như VHM, VIC…đặc biệt là nhóm bank như TCB, CTG, TPB, STB… bị "đập" giảm sâu khiến cho chỉ số "rơi như thang máy". Nhà đầu tư đua mang hàng ra bán tạo ra sóng bán tháo trên thị trường.

Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cảm thán: "Chứng khoán Nga thì đóng cửa vì chiến tranh leo thang, chứng khoán Việt giảm bù chăng", hay "TCB có văn phòng đại diện ở Ukraina hay sao mà giảm ghê vậy". Thực tế, phiên 24/2 số mã giảm mạnh áp đảo hoàn toàn các mã tăng, nhiều mã giảm mạnh thậm chí sàn.

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện cân hết lượng hàng này và mua lên khiến cho VN-Index có "cú rút chân" thần thánh.

Chốt phiên VN-Index hồi phục mạnh nhờ dòng tiền vào bắt đáy này. VN-Index giảm 17,5 điểm xuống 1.495 điểm, so với lúc giảm sâu nhất 39 điểm, VN-Index đã hồi được hơn một nửa. VN30 cũng hồi mạnh một nửa với sự cứu cánh từ VPB và GAS, MSN, tuy nhiên vài "cánh én không làm nên mùa xuân", chốt phiên VN30 vẫn giảm 16,8 điểm xuống còn 1.522 điểm. "Tội đồ" của thị trường là nhóm cổ phiếu bank và trụ. Toàn thị trường có tới hơn 800 cổ phiếu giảm điểm.

Điểm đáng chú ý nhất phiên nay đó là dòng tiền lớn đã được kích hoạt, sẵn sàng vào thị trường bắt đáy khi có cơ hội. Thanh khoản của VN-Index đã tăng lên 35.000 tỷ khớp lệnh, toàn thị trường ở mức 43.000 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. VN-Index kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán chỉ giao dịch bình quân ở mức 15.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức 30.000 - 40.000 tỷ/phiên thời kỳ cuối năm 2021.

Dòng tiền ồ ạt vào bắt đáy đã kích hoạt cổ phiếu hồi phục mạnh, tuy nhiên để nói những nhà đầu tư đã bán tháo tại thời điểm VN-Index giảm mạnh nhất là mất hàng hay "chạy thoát" trước ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraina thì phải chờ các phiên tiếp theo mới có thể kết luận được. Song dòng tiền 35.000 tỷ của phiên hôm nay là điểm sáng tích cực tạo nên "cú rút chân" mạnh vào cuối phiên.

Vốn hoá của HOSE đã "bốc hơi" gần 68.700 tỷ đồng, xuống còn 5,9 triệu tỷ đồng sau phiên hôm nay. Ở thời điểm giảm mạnh nhất 39 điểm, vốn hoá HOSE đã bốc hơi hơn 152.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong hơn 1 giờ dòng tiền lớn vào bắt đáy, HOSE đã lấy lại hơn 84.000 tỷ vốn hoá.

 Dòng tiền ồ ạt bắt đáy trong một giờ kích thanh khoản HOSE lần đầu vượt 35.000 tỷ sau Tết, nhà đầu tư bán tháo đã mất hàng?  - Ảnh 1.

Bản đồ cổ phiếu tăng giảm phiên 24/2

Trong một báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam mới đây, ông Petri Deryng, quản lý quỹ Pyn Elite Fund nhấn mạnh rằng không hề nhìn thấy tác động tiềm tàng của căng thẳng Nga -Ukraine với thị trường chứng khoán Việt Nam. Người quản lý Pyn Elite Fund cũng tỏ ra lạc quan với thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 5 năm tới. VN-Index sẽ hướng đến vùng 2.500 điểm. Hiện nay, các công ty niêm yết Việt Nam có bức tranh tài chính vẫn rất khoẻ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cấu yếu, xuất khẩu Việt Nam tăng chậm lại nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chống chọi được.

"Làn sóng bán cổ phiếu tiềm năng trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể mạnh mẽ nhưng chúng tôi kỳ vọng rằng điều này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam cho năm 2022 là +25% và P/E cho năm 2022 là 13,7 đây là mức hợp lý", ông Petri nhấn mạnh.

Trong nhiều bài viết trước, chúng tôi đã đưa tin góc nhìn của các chuyên gia tài chính chứng khoán trong nước về chiến tranh Nga - Ukraina có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư Việt là chính, ít tác động đến kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ukraina hay Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021. Về yếu tố giá dầu, ngay cả trước khi có cuộc chiến này, giá dầu đã có xu hướng tăng và tìm đỉnh mới.

Theo Bạch Huệ

Cùng chuyên mục
XEM