Dòng rượu đắt đỏ nhất Trung Quốc: 1 chai có giá 36 tỷ, trên thế giới chỉ còn 6 chai nhưng 3 chai rỗng vì rượu đã bay hơn

22/04/2023 10:50 AM | Sống

Vua rượu trắng Trung Quốc

Vào ngày 5/9/2011, tại buổi đấu giá rượu nổi tiếng Trung Quốc do Công ty đấu giá Hoằng Vận Quý Châu tổ chức, một chai rượu Lại Mao - một dòng rượu Mao Đài - sản xuất năm 1935 đã được bán với giá 10,7 triệu NDT (khoảng hơn 36 tỷ VND).

10,7 triệu NDT này đã phá kỷ lục đấu giá  8,9 triệu NDT của chai Mao Đài Hán Đế trước đó, đưa Lại Mao trở thành vua đấu giá trong lịch sử đấu giá rượu Trung Quốc, đồng thời soán ngôi "Vua rượu trắng Trung Quốc".

Báo cáo thẩm định do Ủy ban thẩm định đồ cổ thuộc Hiệp hội các nhà sưu tập tỉnh Quý Châu công bố cho thấy, chai Lại Mao có giá ngất trời này đã có lịch sử 76 năm (tính đến thời điểm đấu giá), gần như độc nhất vô nhị. 

Chiều cao của chai là 16,5 cm, đường kính là 7,8 cm, chai rượu còn nguyên vẹn không sứt mẻ, màu men chín tự nhiên, có thể ngửi thấy mùi thơm từ bên ngoài chai, hương rượu đậm đà.

Dòng rượu đắt đỏ nhất Trung Quốc: 1 chai có giá 36 tỷ, trên thế giới chỉ còn 6 chai nhưng 3 chai rỗng vì rượu đã bay hơn - Ảnh 1.

Rượu Lại Mao 1935 vô cùng quý hiếm, đắt đỏ. Ảnh: Sina

Ngày nay, toàn Trung Quốc chỉ còn tìm thấy 6 chai rượu Lại Mao này, trong đó có 3 chai rỗng do rượu bay hơi. Hai chai khác (sản xuất vào nam 1950 và 1952) đã được bán đấu giá tại Công ty đấu giá Poly Bắc Kinh vào đầu năm 2011 và giá đấu giá của chai rượu Lại Mao sản xuất năm 1950 là 2,645 triệu NDT.

Với người Trung Quốc, rượu Mao Đài càng để lâu năm càng có giá trị, trong đó rượu Lại Mao được sản xuất vào những năm 1930 là hàng lâu đời và khan hiếm về số lượng nên được vô số nhà sưu tập và những người yêu thích văn hóa rượu săn lùng.

"Rượu ngon của đấng mày râu"

Lại Mao là tiền thân của quốc tửu Mao Đài. Gia tộc họ Lại là một danh gia vọng tộc ở Quý Châu trước đây.

Theo ghi chép, vào thời Đạo Quang nhà Thanh, Lại Chính Hoành, tổ tiên của gia tộc Lại là người đã thành lập xưởng chưng cất rượu đầu tiên ở làng Mao Đài, Quý Châu.

Sau đó, Lại Gia Vinh kế thừa tổ nghiệp, đột phá các kỹ thuật nấu rượu truyền thống và tạo ra công nghệ Hồi sa khiến rượu ủ có hương thơm khác biệt, thanh tao tinh tế, dư vị lâu dài.

Năm 1915, tại Triển lãm Quốc tế Panama, nơi quy tụ các loại rượu nổi tiếng thế giới, rượu Lại Mao với hương vị đặc biệt đã giành được huy chương vàng và trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Lại Gia Vinh được các thế hệ sau tôn là ông tổ Lại Mao.

Sau đó, con trai thứ ba của Lại Gia Vinh đã thành lập xưởng rượu Hằng Hưng, tạo ra một tương lai rực rỡ khác cho ngành công nghiệp rượu Lại Mao.

Là dòng rượu trắng có tuổi đời lâu nhất nên chai rượu Lại Mao 1935 có giá trị rất lớn đối với việc nghiên cứu sản xuất và pha chế rượu có hương vị Mao Đài. Hơn nữa, nó còn được coi là tài sản vô hình của ngành công nghiệp rượu Trung Quốc.

Vào năm 1949, rượu Mao Đài chính thức được chọn làm quốc tửu, phục vụ quốc yến.

Có chuyện kể rằng, danh hài Charlie Chaplin từng tới thăm Trung Quốc và được Thủ tướng Chu Ân Lai mời thưởng thức rượu Mao Đài. 

Ông này đã khen ngợi rằng: "Tôi đã uống nhiều loại rượu nổi tiếng thế giới nhưng từ trước tới nay chưa uống loại rượu nào mạnh mà không nóng, không bị kích thích, uống xong thấy thơm trong miệng. Đây đúng là rượu ngon của đấng mày râu".

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM