Đồng Nhân dân tệ giảm giá, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

06/07/2018 09:18 AM | Xã hội

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam có tỉ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc nên bất kỳ biến động nào trên cán cân thương mại với hệ lụy là cuộc chiến tiền tệ sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Đây là nhận định được ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn - Ngân hàng (NH) HSBC Việt Nam, đưa ra ngày 5-7, xung quanh ảnh hưởng của động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ.

Chiều 5-7, sau khi giảm nhẹ vào buổi sáng, giá USD trong các NH thương mại tiếp tục nhích lên vào buổi chiều khi được giao dịch phổ biến quanh mức 23.005 đồng/USD mua vào, 23.075 đồng/USD bán ra, tăng 5 đồng/USD so với cuối phiên trước.

Tỉ giá đã bắt đầu "nổi sóng" từ cuối tháng 6 đến nay. Trên thị trường liên NH, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng từ 22.800 đến 23.040 trong tháng 6. Tỉ giá trên bảng niêm yết của các NH thương mại cũng liên tục tăng vượt qua mốc 23.000 đồng/USD, còn giá trên thị trường tự do có lúc đạt mức đỉnh điểm là 23.200 đồng/USD (ngày 3-7).

Tính chung từ đầu năm, tiền đồng đã mất giá tổng cộng 1,4%, ngược với mức giảm khoảng 0,2% trong năm 2017, qua đó làm dấy lên một số lo ngại cho doanh nghiệp (DN) và nhiều nhà đầu tư về xu hướng của tỉ giá.

Trước diễn biến này, NH Nhà nước đã đưa ra thông điệp sẵn sàng can thiệp nhằm bình ổn thị trường và công bố giá chào bán USD ở mức 23.050 đồng/USD, giảm 244 đồng/USD so với giá bán niêm yết ngày 2-7. Điều này đã giúp tỉ giá các NH thương mại ổn định trở lại.

Đồng Nhân dân tệ giảm giá, Việt Nam có bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Tỉ giá đã tăng đáng kể từ đầu năm. Ảnh: NLĐ

Theo ông Ngô Đăng Khoa, biến động tỉ giá vừa qua phần lớn liên quan đến các yếu tố vĩ mô toàn cầu, trong khi các yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 vẫn có chiều hướng tích cực. So với biến động giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong khu vực với USD như Bath của Thái Lan (-3%), Rupiah của Indonesia (-7%), Peso của Philippines (-7,3%), Rupee của Ấn Độ (-8%), Won của Hàn Quốc (-5,6%) và đặc biệt là Trung Quốc (-3,2%), biên độ giảm giá của VNĐ vẫn nằm trong kịch bản có thể dự đoán được. Đồng thời, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2018.

Có điều, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ leo thang thời gian qua, nhân dân tệ đã giảm đến 3% so với đồng bạc xanh trong khi USD cũng mạnh hơn đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác, có ảnh hưởng tới DN xuất nhập khẩu của Việt Nam?

Phân tích điều này, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng đồng nhân dân tệ suy yếu thì Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Từ đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cùng nhóm hàng với Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Về phía Mỹ, với việc chuẩn bị áp dụng hàng rào thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như thép, đồ điện tử, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi đây là những ngành có mức tăng trưởng ấn tượng trong cơ cấu xuất khẩu vài năm trở lại đây.

"Ở chiều ngược lại, các mối đe dọa về thuế quan tăng thêm từ chính quyền Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như lắp ráp điện tử, vốn đang là xu hướng cạnh tranh của quốc gia trong thời gian qua. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài" – đại diện HSBC Việt Nam nhận xét.

Theo Thái Phương

Cùng chuyên mục
XEM