Đồng nghiệp 'ở bẩn', vô tư nói chuyện điện thoại to tiếng...: Muôn kiểu khó chịu nơi công sở khiến bạn im lặng không được mà nhắc thẳng cũng chẳng xong!

26/12/2018 11:05 AM | Nghề nghiệp

Hành vi gây khó chịu được định nghĩa là những thói quen gây phiền nhiễu của một cá nhân khiến bạn thường xuyên bận tâm, làm cạn kiệt năng lượng và tinh thần của bạn.

Greg nghiến răng và hít một hơi sâu. Anh tự nhủ: "Bình tĩnh nào. Đừng bận tâm về điều đó. Carl là như thế đấy."

Tuy nhiên, Greg đã phải cố chịu đựng trong nhiều tháng nay và anh nhận thấy hành vi khó chịu của Carl ngày càng tai hại và khiến anh mất tập trung: Thường xuyên văng tục, chọn "trả lời tất cả" cho các email, ổ bánh mì sandwich bốc mùi và cả đống giấy tờ rải rác khắp nơi trên bàn làm việc của anh ta.

Greg không biết phải làm gì. Liệu anh ấy có nên tiếp tục làm ngơ và giả vờ như mọi việc đều ổn không? Hay anh nên thẳng thắn với Carl? Nói chuyện với người quản lý của anh ta thì sao? Tới phòng nhân sự? Hay thậm chí là tìm việc ở một bộ phận khác?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét tác hại mà các hành vi liên tục gây khó chịu như của Carl có thể gây ra cho các mối quan hệ nơi công sở, tinh thần và năng suất làm việc của đội ngũ cũng như cách để đối phó

Tác động của hành vi gây khó chịu

Hành vi gây khó chịu được định nghĩa là những thói quen gây phiền nhiễu của một cá nhân khiến bạn thường xuyên bận tâm, làm cạn kiệt năng lượng và tinh thần của bạn. Ví dụ như:

• Nói chuyện điện thoại to tiếng.

• Luôn ngắt lời người khác.

• Gây rối trong các buổi họp nhóm.

• Để mặc cho người khác dọn dẹp sau cuộc họp.

• Sắp xếp tài liệu không chính xác.

• Liên tục đi trễ.

• Ăn lớn tiếng.

• Dùng giờ nghỉ giải lao để hút thuốc.

• Mặc quần áo không phù hợp.

• Gọi người khác bằng những từ họ không thích.

Thông thường, những hành vi này được xem là không quan trọng nên mọi người thường bỏ qua. Bạn có thể cảm thấy mình như một nhiều chuyện nếu yêu cầu một đồng nghiệp thay đổi những gì họ đang làm. Đặc biệt là khi họ nghĩ rằng những việc đó chẳng phiền đến ai cả.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết, bạn sẽ cảm thấy bất lực, thất vọng và buồn bực. Cuối cùng, thói quen nhỏ gây khó chịu đó có thể trở thành yếu tố chính khiến bạn bị xao nhãng, làm bạn bực bội và tức giận hơn. Điều này có thể đe dọa đến các mối quan hệ của cá nhân và đội ngũ, đồng thời ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn.

Vậy ta có thể xử lý những hành vi gây khó chịu của đồng nghiệp một cách khéo léo nhưng quyết đoán này như thế nào?

Đồng nghiệp ở bẩn, vô tư nói chuyện điện thoại to tiếng...: Muôn kiểu khó chịu nơi công sở khiến bạn im lặng không được mà nhắc thẳng cũng chẳng xong! - Ảnh 1.

1. Tránh ngồi lê đôi mách

Bạn rất dễ sẽ giãi bày sự chán nản của mình bằng cách phàn nàn về anh ta với một đồng nghiệp khác, nhưng lan truyền tin đồn theo cách này có thể gây chia rẽ và phá hoại. Không những thế, có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng việc này là phản tác dụng. Cuối cùng thì bạn lại trông giống "kẻ xấu xa".

2. Đánh giá tác động

Cảm thấy khó chịu có thể là cảm nghĩ chủ quan của bạn. Vì vậy, trước khi bạn quyết định cách tiếp cận vấn đề, hãy lùi lại và xem xét nó một cách khách quan. Hành vi của đồng nghiệp thực sự ảnh hưởng đến bạn nhiều đến mức nào? Những thành viên khác trong nhóm của bạn có cảm thấy phiền không? Bạn có cảm thấy mình có thể xử lý hành vi đó một mình không? Hay bạn có cần báo lại cho sếp của mình không?

Mức độ hành động mà bạn đưa ra nên tương ứng với mức độ nghiêm trọng mà bạn cảm thấy về hành vi của người đồng nghiệp đó. Ví dụ, nếu anh ta liên tục nói chuyện to tiếng trên điện thoại thì có lẽ bạn chỉ cần đeo nút bịt tai hoặc lịch sự yêu cầu anh ta "nói nhỏ lại". Tuy nhiên, nếu cho rằng hành vi của anh ta là đang gây hấn hoặc gây hại, có khả năng là bạn cần phải báo lại vấn đề này với người quản lý hoặc bộ phận nhân sự.

3. Hãy khôn khéo!

Bạn có thể sẽ khó kiểm soát cảm xúc khi phải đối mặt với hành vi gây khó chịu dai dẳng, việc "kiềm chế" thường có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn. Tuy vậy, hãy nhớ rằng chính hành vi đó mới là vấn đề, chứ không phải bản thân người đó. Có khả năng là đồng nghiệp của bạn không ý thức được thói quen của họ lại khiến bạn khó chịu.

Hãy kiểm soát cảm xúc của mình khi đối mặt với người đồng nghiệp đó. Hãy khôn khéo và làm cho cuộc trò chuyện tập trung vào công việc nhất có thể. Hãy nói rõ cảm xúc của mình, nhưng đừng cá nhân hóa, vì điều này có thể khiến họ trở nên bảo thủ hoặc tức giận.

Ví dụ, bạn có thể nói: "Dina này, tôi thích gu âm nhạc của cậu, nhưng tôi đang phải hoàn thành gấp một công việc sắp đến hạn và thực sự cần phải tập trung. Cậu có thể giảm âm lượng xuống, chỉ trong một lát thôi được không?"

4. Xem xét mọi nguyên nhân tiềm ẩn

Hãy tin tưởng đồng nghiệp của mình. Ví dụ, một bàn làm việc lộn xộn có thể là dấu hiệu cho thấy anh ta đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp công việc; các cuộc gọi điện thoại ồn ào có thể là hệ quả của sự suy giảm thính lực; và khả năng quản lý tài sản kém có thể là do thiếu đào tạo.

Hành vi của anh ta có thể là kết quả một điều gì đó mà bạn chưa từng cân nhắc đến, chẳng hạn như sự khác biệt về văn hóa. Nếu vậy, bạn sẽ cần phải hành xử cẩn thận để bị xem là thiếu tế nhị hoặc phân biệt đối xử.

5. Cởi mở và trung thực

Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với đồng nghiệp của bạn. Hãy cởi mở và trung thực về cảm nhận của bạn nhưng cũng thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe câu trả lời của cô ấy bằng sự đồng cảm và không phán xét. Các cuộc trò chuyện thấu hiểu để cho phép mọi người trò chuyện thoải mái với nhau theo một cách có thể giúp họ tránh được xung đột hay ngờ vực.

Đồng nghiệp ở bẩn, vô tư nói chuyện điện thoại to tiếng...: Muôn kiểu khó chịu nơi công sở khiến bạn im lặng không được mà nhắc thẳng cũng chẳng xong! - Ảnh 2.

6. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Nếu hành vi chuyển từ mức độ gây khó chịu sang nghiêm trọng thì nó trở thành một vấn đề về hiệu quả làm việc hoặc kỷ luật. Trong những trường hợp này, tốt nhất là bạn nên để người quản lý hoặc bộ phận nhân sự xử lí.

7. Phát triển các kỹ thuật đối phó

Nếu bạn cho rằng hành vi gây khó chịu của một người không có khả năng thay đổi hoặc quyết định lờ nó đi thì hãy đảm bảo rằng bạn có các chiến lược đối phó thích hợp.

Hãy thử các bài tập hít thở sâu để giúp giữ bình tĩnh và tập trung. Bạn có thể thử sử dụng nút bịt tai hoặc tai nghe khử tiếng ồn. Bạn có thể đổi sang bàn khác, hoặc điều chỉnh nơi làm việc của mình để hành vi gây khó chịu của đồng nghiệp đó khó bị bạn nhìn thấy hoặc ít làm bạn mất tập trung hơn.

Làm gì nếu người khác nghĩ rằng bạn khiến họ khó chịu?

Có thể bạn có các điểm khác biệt hoặc thói quen thật sự khiến một trong những đồng nghiệp của bạn cảm thấy khó chịu! Có thể bạn sẽ cảm thấy bất ngờ một cách khó chịu khi biết điều này, và có thế bạn cảm thấy một loạt các cảm xúc, từ bối rối và sốc đến tức giận và xấu hổ. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh phản ứng tiêu cực và sử dụng các phương pháp sau đây để giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và hợp lý:

- Đồng cảm. Hãy cố xem xét tình huống từ quan điểm của người khác và yêu cầu đối phương làm rõ điều đã làm anh ta khó chịu. Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng mình hữu ích khi đưa ra lời khuyên cho 2 đồng nghiệp vào giữa cuộc trò chuyện, nhưng nếu làm việc này thường xuyên, bạn có thể mang tiếng là "kẻ chen ngang".

- Ý thức về ngôn ngữ cơ thể. Có bao giờ bạn cảm thấy ai đó đang khó chịu với bạn chưa? Cô ấy không nói cụ thể bất kì điều gì, nhưng bạn cứ cảm thấy có gì đó không ổn. Những hành động phi ngôn ngữ như tông giọng, thở dài, lườm mắt, nhún vai hoặc khoanh tay có thể báo hiệu rằng người đó đang phản ứng tiêu cực với điều bạn đang làm hoặc đang nói. Nếu điều này xảy ra, hãy thử sử dụng ngôn ngữ cơ thể và tông giọng cởi mở để thể hiện rằng bạn sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.

- Suy nghĩ tích cực. Hãy thừa nhận rằng việc nỗ lực điều chỉnh hành vi của bạn có thể cải thiện năng suất làm việc trên quy mô rộng hơn và các mối quan hệ trong đội ngũ của bạn. Điều này có thể sẽ có tác động tích cực đến danh tiếng và sự phát triển nghề nghiệp của bạn.

- Tự hỏi bản thân: "Điều này có công bằng không?" Những lời than phiền không nhất thiết phải là sự công kích cá nhân. Vì vậy, hãy quyết đoán nếu bạn cảm thấy những lời chỉ trích của đồng nghiệp là không hợp lý, hoặc nếu bạn nghĩ rằng đối phương có thái độ hung hăng. Nếu cảm thấy không thoải mái khi thách thức đối phương, đặc biệt là khi đối phương là sếp của bạn, thì hãy tìm kiếm lời khuyên từ bộ phận nhân sự hoặc một đồng nghiệp đáng tin cậy nếu phù hợp.

- Tự suy ngẫm. Đánh giá khách quan hành vi của chính mình có thể giúp bạn xét xem mình có đang hành xử một cách tôn trọng và phù hợp với nơi làm việc của mình không. Bạn có thể vô tình mắc phải những hành vi tiêu cực, tự mãn hoặc lười biếng, và những hành vi này có ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Nếu trường hợp này xảy ra, hãy đặt ra một hình mẫu tốt và điều chỉnh phong cách làm việc của mình.

Mộc Dương

Cùng chuyên mục
XEM