Đồng nghiệp hay đâm chọt, cấp trên khắt khe, giữa muôn trùng cạm bẫy ấy, tôi đã tận hưởng cuộc sống công sở như thế nào?

25/08/2020 21:00 PM | Kinh doanh

Vốn dĩ, cuộc sống của tôi là những ngày trôi qua trong sự nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ và ôn hòa trong tất cả các mối quan hệ. Nhưng khi bước vào môi trường công sở, nơi đây đã giúp tôi thấy rõ xã hội này hoàn toàn khác với những gì tôi đã nghĩ. Dù vậy, tôi vẫn thoải mái tận hưởng cuộc sống công sở theo cách của chính mình.

Có thể bạn không tin, nhưng môi trường làm việc nhất là nơi công sở, chính là chốn sản sinh ra vô số "drama" tưởng chừng chỉ có trên điện ảnh. Thật không may cho bản thân tôi lại vướng vào những rắc rối tưởng chừng như không có đường lui ấy. 

 "Chuyện công sở" – Bộ phim dài tập không hồi kết

Hầu như cả tôi và các bạn đều nghĩ rằng đồng nghiệp giống như người bạn của mình, có thể cùng nhau chia sẻ mọi chuyện, có thể vỗ lưng cười nói thân thiết. Nhưng trên thực tế, tôi lại trở thành mục tiêu tung đòn của những người ấy, thậm chí họ có thể bất chấp đâm chọt, bôi xấu và tìm cách phá hoại thành quả công việc hay các mối quan hệ mà tôi hao tâm gây dựng.

Tuy nhiên, đồng nghiệp không phải mối lo duy nhất tại nơi công sở, còn có cả cấp trên. Cấp trên có vẻ không vừa mắt khi tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, không hứng thú với những ý kiến tôi nêu ra dù nó rất khả thi, cũng chẳng bao giờ công nhận những gì tôi đã cống hiến. Đôi khi, tôi còn bị đưa vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", nhận những nhiệm vụ "trời ơi đất hỡi" một cách ngây thơ và chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Vậy mà, tôi lại "sống sót" và tìm ra cách khiến cuộc sống của mình "dễ thở" hơn. Tuy không mấy dễ dàng nhưng nó lại là phương án tốt nhất. 

Đồng nghiệp hay đâm chọt, cấp trên khắt khe, giữa muôn trùng cạm bẫy ấy, tôi đã tận hưởng cuộc sống công sở như thế nào? - Ảnh 1.

Tận hưởng cuộc sống công sở theo cách của bạn

Điều đầu tiên bạn cần lưu ý nếu muốn vượt qua cạm bẫy nơi công sở chính là: Dù môi trường xung quanh có ra sao, bạn vẫn phải đam mê, nhiệt huyết và chuyên tâm làm tốt công việc của mình. Mọi cố gắng của bạn sẽ được mọi người xung quanh nhìn nhận, dù cho họ có muốn hay không muốn nhìn vào thành quả của bạn tạo nên. Những điều bạn làm sẽ là kinh nghiệm và kỹ năng để bạn trưởng thành hơn, vững mạnh hơn và giỏi giang hơn. Vì vậy, nên nhớ rằng môi trường này đang tôi luyện cho bạn chứ không phải đào thải bạn.

Khi bạn làm tốt công việc của mình, bạn có thể tạo ra kết quả mà không phải ai cũng làm được, như vậy sẽ chẳng cần lo lãnh đạo khắt khe với bạn hay đồng nghiệp muốn chơi xấu bạn. Bởi không một nhà lãnh đạo nào muốn đánh mất nhân tài chỉ vì những lời đâm thọc vô căn cứ hoặc vì cảm nhận chủ quan. Có thể lãnh đạo không muốn khen ngợi công khai những gì bạn làm được, nhưng chắc hẳn trong lòng họ đã thầm công nhận năng lực của bạn.

Còn về những người đồng nghiệp, đừng vội căm ghét họ, bởi họ là một phần gắn liền với 8 tiếng hoặc hơn cả thế trong cuộc sống của bạn. Việc nói xấu nhau, bắt nạt nhau là chuyện mà bắt buộc bạn phải làm quen nếu quyết định dấn thân vào môi trường này. Vì thế, hãy luôn giữ thái độ mặc kệ và bình thản, không chen chân vào những cuộc tán gẫu nói xấu người khác, cố gắng tập trung vào công việc, đừng biến bản thân mình phải trở nên đáng ghét giống như họ.

Tất nhiên, bạn không thể khiến tất cả mọi người đều yêu thích bạn nhưng bạn có thể khiến rất nhiều người trong công ty quý mến bạn và việc biến "thù thành bạn" luôn được khuyến khích. Hãy tích cực giúp đỡ mọi người, dù người ấy đã từng đối xử không tốt với bạn. Điều này, không những không gây thiệt thòi cho bạn mà còn giúp bạn xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng mọi người.

Nơi làm việc được xem là ngôi nhà thứ hai vì bạn phải gắn bó với nó một khoảng thời gian dài trong ngày. Do đó, hãy tạo cho mình cách sống thoải mái nhất, cố gắng phát huy bản thân, hoàn thành nhiệm vụ và kết nối thêm mối quan hệ bạn bè. Cuộc sống mỗi người đều có cho mình một con đường riêng, không ai có thể đi thay bạn, nhưng đừng quên tìm kiếm người đồng hành với mình.

(Tham khảo HR Insider)

PV

Cùng chuyên mục
XEM