“Động lực phát triển kinh tế” kêu khổ, buộc phải “chạy cửa sau” để sinh tồn

28/03/2016 14:16 PM | Kinh tế vĩ mô

Khu vực kinh tế tư nhân – khu vực luôn được coi là động lực phát triển kinh tế trong các báo cáo – đang than thở về khu vực công không minh bạch, khiến các doanh nghiệp hoặc là “chùn chân mỏi gối” hoặc là phải tìm “cửa sau” trong kinh doanh để “sinh tồn”.

Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đang thể hiện được vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng vẫn chưa thoát khó khăn, đôi khi còn thể hiện trạng thái đuối sức trong xu thế cạnh tranh gay gắt và hội nhập.

Đồng thời, tại khu vực này, đang có nguy cơ đối mặt với việc phân tầng mạnh mẽ, doanh nghiệp nào có quan hệ tốt với chính quyền sẽ dễ tiệm cận với tài nguyên đất, khoáng sản, các gói thầu... nên tăng trưởng rất nhanh, áp đảo các “DNNVV chân phương”.

Hệ quả là xuất hiện tâm lý “nản chí” trong một bộ phận không nhỏ các doanh nhân, một bộ phận khác vì sự “sinh tồn” mà phải chạy theo xu thế kinh doanh quyền lực.

Đồng quan điểm với ông Nam, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cho biết các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào đất đai và các lĩnh vực tài chính ngân hàng, BĐS, xây dựng, khai thác mỏ,…vốn là những lĩnh vực có thể tận dụng được cơ chế “xin – cho” của nhà nước.

Còn những doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực sáng tạo thì luôn trong tình trạng vừa yếu vừa thiếu. Do đó, không tạo ra nền tảng vững chắc của sự phát triển của Việt Nam.

Việc nguồn lực không được tiếp cận bình đẳng sẽ làm giảm khả năng sinh lời và ảnh hưởng tới khả năng tồn tại của các doanh nghiệp tư nhân. Bởi nếu ỷ vào những “ưu đãi ngầm”, những lợi ích kinh tế nhờ quan hệ “thân tín” doanh nghiệp sẽ không còn chú trọng đến năng lực, nỗ lực của bản thân. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân rất khó phát triển, ngay cả khi đang hoạt động hiệu quả, ông Đoàn kết luận.

Do đó một trong số những đề mà ông Tô Hoài Nam đưa ra tại hội thảo là “đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các loại hình sở hữu, qua đó tạo nên sự phân bổ nguồn lực của đất nước bình đẳng hơn”.

Ông Nam nhìn nhận: Phải có một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng không có lợi dụng mối quan hệ chính quyền để chèn ép, áp đảo lẫn nhau mới có thể giúp các DNNVV phát huy tốt được.

Còn TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT lại khuyến nghị nên có sự tham gia quản lý của các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức của cộng trong các Quỹ đầu tư hỗ trợ cho hoạt động khỏi nghiệp nhằm tránh tình trạng lợi ích nhóm thao túng, chi phối, gây ra những “ô dù”, thiên vị lệch lạc.

Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM