Động lực giống như đi tắm, không kéo dài lâu nhưng ngày nào cũng phải làm: Cuộc sống càng khó khăn, càng phải lên dây cót tinh thần để vượt qua

27/04/2020 19:44 PM | Sống

Không có mục đích, bạn sẽ không bao giờ bắt tay vào hành động được. Trong hoàn cảnh khó khăn, động lực lại càng trở nên quan trọng, bởi nó chính là mái chèo đưa ta vượt qua mọi giông bão của cuộc đời.

Không ít người đã từng rơi vào tình trạng này. Bạn quyết tâm cải thiện sức khỏe, sự nghiệp và các mối quan hệ, nhưng rồi chỉ 2 ngày sau, bạn bỏ cuộc. “Chỉ là tôi không có động lực.”

Chúng ta cứ nói những lời sáo rỗng đó mà không hiểu động lực thực sự là gì. Động lực chỉ đơn giản là lý do để bạn thực hiện điều mình định làm.

Vấn đề là, động lực thường không kéo dài lâu. Có những ngày bạn cảm thấy tràn trề động lực vào buổi tối, nhưng chỉ sau một giấc ngủ dài, mọi lý do đều biến mất qua cửa sổ.

Cố doanh nhân, diễn giả Zig Ziglar từng so sánh: “Người ta thường bảo động lực không kéo dài. Tắm cũng thế thôi - đó là vì sao ta lại cần làm điều đó hàng ngày”.

Bạn có thể tự khích lệ bản thân, đặt ra deadline hoặc bất cứ kỹ thuật nào để tìm lại động lực cho mình. Tuy nhiên, chúng ta đều biết những thứ trên đều sẽ chẳng bao giờ có tác dụng. Điều chúng ta cần là một chiến lược để lấy lại và duy trì động lực. Dưới đây là 3 điều mà bạn nên làm.

Giải quyết những rào cản nội tâm

Tìm kiếm động lực được hiểu là tìm kiếm mục đích để làm một việc gì đó. Không có mục đích thì không thể làm gì. Đó chính là lý do tại sao mục đích lại cần thiết đến vậy.

Không có động lực nghĩa là bạn không có mục đích. Bác sĩ tâm thần người Áo, đồng thời cũng là người sống sót qua thảm họa diệt chủng, Viktor Frankl đã cống hiến cả đời mình để nghiên cứu về chủ đề này. Trong tác phẩm “Ý chí của Ý nghĩa”, ông viết:

“Thứ mà con người thực sự cần không phải trạng thái bớt căng thẳng mà là sự nỗ lực và cố gắng vì một mục tiêu có giá trị, một công việc tự nguyện làm.”

Đây chính là cuộc chiến nội tâm mà chúng ta đều phải đối mặt. Tại sao chúng lại làm điều mình đang làm? Để làm gì? Tại sao chúng ta phải ra khỏi giường mỗi sáng?

 Động lực giống như đi tắm, không kéo dài lâu nhưng ngày nào cũng phải làm: Cuộc sống càng khó khăn, càng phải lên dây cót tinh thần để vượt qua  - Ảnh 1.

Theo Frankl, chúng ta đều là người kiến tạo chính số phận mình. Chúng ta tạo ra động lực. Đấy không phải là một thứ được trao cho chúng ta. Động lực phải xuất phát từ bản thân mỗi người. Bạn chính là người quyết định xem mục đích nào xứng đáng trong cuộc đời này và phấn đấu để đạt được nó.

Thế nhưng, mọi chuyện lại không dễ dàng như vậy. Bạn sẽ bị chính mình hoặc mọi người xung quanh cám dỗ để làm những điều khác. Bản chất của tâm trí con người là rất dễ bị xao nhãng. Chúng ta cứ theo đuổi những mục tiêu khác, vậy nên kết quả là chúng ta cảm thấy hoang mang.

Do đó, hãy nhìn cuộc sống tựa như một trò chơi.

Sẽ có những thế lực khiến bạn quên đi mất mục tiêu của mình. Nhiệm vụ của bạn là giải quyết những rào cản nội tâm đó. Bạn có thể thực hành bằng cách viết lách mỗi ngày để nhắc nhở bản thân tại sao mình lại làm vậy. Bạn hãy can đảm bước ra khỏi vùng an toàn, cố gắng làm những điều mới mẻ, thách thức bản thân. Bạn có thể học triết học hoặc thực hành thiền. Cứ kết hợp mọi thói quen bạn thấy cần thiết để làm chủ cuộc chơi nội tại này.

Có trách nhiệm với bản thân

Động lực phải bắt nguồn từ chính bản thân mình. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ xoay quanh một mình bạn. Do đó, bạn sẽ thấy mục đích sống của mình luôn liên quan tới người khác - gia đình, bạn đời, con cái, bạn bè, thậm chí là cả người lạ. 

Tiếp theo, bạn phải tự chịu trách nhiệm về chính mình, về hành động của mình. Điều này sẽ đảm bảo bạn tiếp tục tiến lên kể cả khi gặp thất bại. Để làm được điều này, bạn phải biết áp dụng nguyên tắc cam kết và nhất quán.

 Động lực giống như đi tắm, không kéo dài lâu nhưng ngày nào cũng phải làm: Cuộc sống càng khó khăn, càng phải lên dây cót tinh thần để vượt qua  - Ảnh 2.

Đây là một trong những quan điểm cơ bản trong cuốn sách Influence (Ảnh hưởng) của tác giả Robert B. Cialdini - giáo sư tâm lý học tại ĐH Arizona. Con người ai cũng muốn tỏ ra nhất quan với hành động của mình. Nếu ai đó hỏi rằng bạn có phải kiểu người ưa mạo hiểm không và bạn trả lời có, bạn sẽ có xu hướng hành động như vậy để chứng minh điều đó.

Bạn có thể dùng nguyên tắc này để áp dụng cho bản thân. Hãy nói cho mọi người nghe mục đích của bạn là gì. Hãy nói một cách thường xuyên. Khi kể cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp của mình nghe, chúng ta thường sẽ cố gắng để làm đúng như vậy. Bạn sẽ thấy mình nỗ lực hết khả năng để làm được điều mình đã nói.

Ngoài ra, bạn có thể chọn cách viết mục đích ra giấy.

Tự thưởng cho những cố gắng của bản thân

Phần thưởng là một cách tăng cường động lực cá nhân khá phổ biến. Tuy nhiên, nó có thể phản tác dụng nếu bạn chọn sai phần thường hoặc biến phần thưởng thành động lực của mình.

Cách làm rất đơn giản. Cứ mỗi khi đạt thành tựu nào đó, bạn lại tự thưởng cho mình. Khi bạn có những tiến bộ nhất định trong sự nghiệp, mọi người sẽ bảo bạn nên mua thứ gì đó hay ho và đẹp đẽ cho bản thân.

 Động lực giống như đi tắm, không kéo dài lâu nhưng ngày nào cũng phải làm: Cuộc sống càng khó khăn, càng phải lên dây cót tinh thần để vượt qua  - Ảnh 3.

Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng các phần thưởng dưới dạng vật chất. Làm thế rất dễ khiến bạn coi chúng là động lực, mà như vậy sẽ hủy hoại toàn bộ mục đích ban đầu. Đây chính là điểm mà các diễn giả viết về động lực và phần thưởng thường nhầm lẫn. Họ cố gắng giúp chúng ta nhưng cuối cùng lại làm mọi chuyện tệ thêm.

Phần thưởng mà chúng ta cần ở đây là phần thưởng về tinh thần, để thỏa mãn nội tâm của mình. Những thứ như vậy thường không quá đắt đỏ. Chẳng hạn, nếu vừa hoàn thành xong một dự án lớn, hãy thưởng cho mình một tuần nghỉ ngơi ở nhà đọc sách, làm việc vặt, gặp gỡ bạn bè và thư giãn.

Rất nhiều người lại cảm thấy vui khi ăn uống. Đây cũng có thể coi là một loại phần thưởng. Bạn có thể chọn tùy theo sở thích của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi thứ bạn thưởng cho bản thân chỉ là phần phụ. Kể cả khi không có phần thưởng, bạn vẫn thực hiện điều mình cần.

Ví dụ, đừng tập thể dục chỉ vì bạn muốn ăn kem chuối sau đó. Như vậy thì mục đích bạn đề ra đều trở thành công cốc. Thay vì để phần thưởng quyết định hành vi, hãy làm những gì bạn thực sự thích thú. 

Đừng thắc mắc quá nhiều về động lực của mình

Cuối cùng, đừng quên rằng bản thân động lực và mục đích cũng là một cái bẫy. Bạn rất dễ đi sai hướng và lạc lối trong những suy nghĩ tiêu cực. Bạn phải nhớ cuộc đời sinh ra là để sống. 

Cách duy nhất để tìm thấy động lực là gạt nó ra khỏi đầu mình. Đến một lúc nào đó, bạn phải ngừng thắc mắc về mọi thứ và cứ thế trải nghiệm cuộc sống.

Hãy lựa chọn một mục đích, nói cho cả thế giới biết và rồi theo đuổi nó. Trên cuộc hành trình ấy, hãy tự thưởng vì tất cả những gì bạn đã làm được. Tất nhiên, điều này không hề dễ dàng. Nhưng dù chuyện gì xảy ra, hãy nhớ luôn tiến về phía trước.

(Theo Medium)

Theo Linh Hân

Cùng chuyên mục
XEM