Đón dòng vốn tỷ USD từ 'đại bàng' Intel, Foxconn, "ngôi sao đang lên" Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội thế nào?

08/02/2021 14:31 PM | Kinh doanh

Báo cáo mới nhất của HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao đang lên trong sản xuất công nghệ". Từ một quốc gia thu hút FDI chủ yếu từ lĩnh vực thâm dụng lao động là dệt may và da giày, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất công nghệ, với tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng điện tử tăng từ 5,5% trong năm 2000 lên 34% trong năm 2020, đạt kim ngạch xuất khẩu 96 tỷ USD.

Báo cáo mới nhất của Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC cho biết, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đã và đang bùng nổ nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ khá ổn định.


"Ngôi sao đang lên"

Gọi Việt Nam là "ngôi sao đang lên trong sản xuất công nghệ", HSBC nhìn nhận Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhờ một phần quan trọng là các chính sách định hướng FDI và xuất khẩu.

Các khu công nghiệp đã được thành lập trên khắp đất nước, thu hút các nhà đầu tư toàn cầu với các ưu đãi về thuế và lực lượng lao động hiệu quả với giá rẻ. Từ những năm 2000, dòng vốn FDI mới đổ vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực sản xuất, với tỷ trọng luôn chiếm 4-6% GDP.

Từ một quốc gia thu hút FDI chủ yếu từ lĩnh vực thâm dụng lao động là dệt may và da giày, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất công nghệ, với tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng điện tử tăng từ 5,5% trong năm 2000 lên 34% trong năm 2020. Xét về kim ngạch, trong 2 thập kỷ qua, xuất khẩu điện tử đã tăng từ 1 tỷ USD lên 96 tỷ USD.

Đón dòng vốn tỷ USD từ đại bàng Intel, Foxconn, ngôi sao đang lên Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội thế nào? - Ảnh 1.

Một phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam có được là nhờ vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều năm của Samsung, bắt đầu vào cuối những năm 2000, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất quan trọng của hãng điện tử này.

Với vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD trong nhiều năm, Samsung hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam, bao gồm 2 nhà máy điện thoại ở miền Bắc, sản xuất một nửa số điện thoại thông minh và máy tính bảng. Trong khi Trung Quốc vẫn ở vị trí thống trị, thì Việt Nam vẫn tăng thị phần trên thị trường xuất khẩu điện thoại toàn cầu.

Đón dòng vốn tỷ USD từ đại bàng Intel, Foxconn, ngôi sao đang lên Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội thế nào? - Ảnh 2.

Thành công của Việt Nam còn ghi nhận từ việc Intel đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở lắp ráp và kiểm tra chip tại Việt Nam từ năm 2006. Mới đây, Intel được cho là đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào nửa cuối năm 2019 để sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý.

Đáng chú ý, sự thành công của Samsung và Intel đã khiến các ông lớn công nghệ khác như Google và LG chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Việc gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã mang lại phần nào lợi ích cho Việt Nam, không chỉ về sự bùng nổ thương mại mà còn cả sự chuyển hướng FDI. Mặc dù quá trình này có phần bị gián đoạn do đại dịch, nhưng lợi ích FDI ngày càng tăng đã tiếp tục trở lại khi các điều kiện được cải thiện, đặc biệt là với hoạt động sản xuất liên quan đến Apple.

Hai nhà cung cấp của Apple ở Đài Loan là Pegatron và Foxconn đều đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ để tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, hai nhà lắp ráp Apple tại Trung Quốc đại lục là Luxshare và Goertek đã tăng cường tuyển dụng và bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất mới từ cuối năm 2020.

Cơ chế thu hút FDI cạnh tranh và nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, điều này rất quan trọng trong việc giúp Việt Nam đi lên trong chuỗi giá trị. Tham vọng công nghệ của Việt Nam không chỉ là một cứ điểm sản xuất cấp thấp, do đó, HSBC khuyến nghị Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để nắm bắt các cơ hội sắp tới.


Hai yếu tố cần cải thiện

HSBC cho rằng, việc làm thế nào để nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong tương lai vẫn là một nhiệm vụ ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn thăng hạng trong chuỗi giá trị.

Thứ nhất, đất nước cần cải thiện năng suất lao động thông qua việc giáo dục tốt hơn và đào tạo nghề nghiệp được thiết kế phù hợp hơn.

Đón dòng vốn tỷ USD từ đại bàng Intel, Foxconn, ngôi sao đang lên Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội thế nào? - Ảnh 3.

Hơn 30% lực lượng lao động Việt Nam vẫn nằm trong khu vực nông nghiệp. Nguồn: HSBC.

Trong khi đó, việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng đang diễn ra sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam, vì đất nước vẫn còn kém các nước trong khu vực về chất lượng cơ sở hạ tầng. Làm thế nào để thu hút thêm các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án lớn thông qua luật PPP sửa đổi sẽ là chìa khóa thành công.


Lạc quan nhưng cần cẩn trọng

Số liệu tháng Giêng của Việt Nam cho thấy rằng các dữ liệu tăng trưởng kinh tế năm 2021 bắt đầu hồi phục một cách mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao, thể hiện qua những số liệu xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi sự ảnh hưởng của Tết đóng một vai trò quan trọng, phần lớn sự tăng trưởng là do các lô hàng điện tử tăng vọt nhờ chu kỳ điện thoại thông minh hiện tại.

Điều đó cho thấy, cần phải cẩn trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 lại bùng phát trong thời gian gần đây, vì nhân tốc này có thể làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam. Bởi vậy, Nhà nước cần hỗ trợ các chính sách tài khóa có mục tiêu hơn cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và người lao động.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM