Đối xử tệ với nhân viên, khiến khách hàng cảm giác bị phản bội,... rất nhiều quốc gia ghét 7 Eleven thay vì chào đón như Việt Nam

21/11/2016 15:34 PM | Xã hội

Trong khi nhiều người Việt Nam hân hoan vì sắp được hưởng thêm 1 dịch vụ cung cấp bán lẻ nữa thì một số nơi lại đang phàn nàn về những hoạt động của 7 Eleven.

7 Eleven là thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới và hiện đang được coi là một trong những chuỗi cửa hàng thành công khi nhu cầu tiêu dùng thế giới đang giảm tốc như hiện nay.

Hiện hãng đang hoạt động tại 18 quốc gia với hơn 59.800 cửa hàng. Mới đây, nhiều nguồn tin cho thấy 7 Eleven đang rục rịch đổ bộ vào thị trường Việt Nam và có khả năng khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2/2017.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người Việt Nam hân hoan vì sắp được hưởng thêm 1 dịch vụ cung cấp bán lẻ nữa thì một số nơi lại đang phàn nàn về những hoạt động của 7 Eleven.

Cảm giác bị phản bội

Vào tháng 3 vừa qua, 7 Eleven Canada đã mua lại chuỗi bán lẻ của Metro Vancouver Esso với giá 2,8 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều nhân viên trong số 497 cửa hàng của Esso than phiền rằng động thái này của 7 Eleven có thể khiến họ bị mất việc, phá sản và cảm thấy bị tổn thương.

Nguyên nhân chính là việc Esso thu lợi nhuận chủ yếu từ mảng bán xăng dầu trong khi những cửa hàng bán lẻ tại các trạm xăng dầu chỉ là nhượng quyền thương hiệu. Việc 7 Eleven mua lại mảng bán lẻ của Esso sẽ khiến các cửa hàng này phải dọn đi nơi khác, có tiêu chuẩn mới và thay đổi tên gọi.

“Chúng tôi chỉ là những cửa hàng nhượng quyền. Chúng tôi bỏ tiền mua hàng hóa để bán và trả tiền thuê địa điểm dựa trên doanh số với Esso, nhưng mô hình này không phù hợp với công ty chủ quản mới là 7 Eleven”, anh Masud Ahmadi, chủ một cửa hàng bán lẻ của Esso trong 21 năm qua cho biết.


Anh Masud Ahmadi

Anh Masud Ahmadi

Anh Ahmadi cũng cho biết việc chuyển đổi công ty chủ quản khiến các nhân viên cảm thấy bị phản bội. Bản thân anh Ahmadi cho biết mình được 7 Eleven đề cử vào chức quản lý với mức thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước đây.

“Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến gia đình tôi. Những người thân của tôi đã cùng làm việc trong cửa hàng sẽ không thể cùng làm chung một chỗ nữa”, anh Ahmadi ngậm ngùi.

Ngoài ra, hàng loạt những nhà cung cấp tại Canada cũng sẽ bị ảnh hưởng khi 7 Eleven có tiêu chuẩn khác về mặt hàng kinh doanh so với Esso.

Tất nhiên, việc thay đổi này khiến nhiều nhân viên của Esso bất bình. Anh Ahmadi cảm thấy thất vọng khi Esso thậm chí không thèm có một lời cảm ơn nào sau 21 năm làm việc cùng nhau.

“Sau 21 năm làm việc cùng công ty, tôi đã tưởng mình là một thành viên trong đó. Họ luôn gọi chúng tôi là các đối tác, nhưng kiểu đối tác nào lại đẩy chúng tôi vào tình cảnh như hiện nay thế này?”, anh Ahmadi than vãn.

Bị phản đối vì đối xử tệ với nhân viên

Mới đây, tổ chức FWO trực thuộc chính phủ Australia đã tổ chức một cuộc điều tra với 7 Eleven liên quan đến tình trạng bóc lột người lao động.

Theo đó, 7 Eleven bị cáo buộc đã trả lương thấp hơn thực tế cho các nhân viên của mình và bị hàng nghìn người nộp đơn tố cáo lên FWO. Cụ thể, các nhân viên được trả lương đúng theo luật định nhưng bị buộc hoàn lại một phần tiền lương cho công ty bằng tiền mặt để tránh bị cơ quan điều tra để ý.

Kể từ khi cuộc điều tra diễn ra vào tháng 8/2016, 7 Eleven đã trả lại 26 triệu USD tiền lương trả thiếu cho 680 nhân viên của mình nhưng hiện vẫn còn hàng nghìn đơn tố cáo khác đang chờ FWO xem xét.


Tranh biếm họa vụ bê bối trả lương quá thấp của 7 Eleven

Tranh biếm họa vụ bê bối trả lương quá thấp của 7 Eleven

Vụ 7 Eleven được đánh giá là một trong những trường hợp bị tố cáo trả lương quá thấp và phải bồi thường lớn nhất trong lịch sử thị trường lao động Australia.

Theo FWO, 7 Eleven đã tạo nên một "văn hóa chấp nhận" trong công ty khi thuê rất nhiều nhân viên là học sinh du học hay người nhập cư đang cần thêm thu nhập hoặc việc làm, đồng thời sử dụng quy định cấm làm việc với những hộ chiếu du học để ép trả lương thấp.

Bộ trường Lao động Michaelia Cash nhận định vụ việc của 7 Eleven cần phải bị trừng phạt thích đáng và đưa ra thảo luận tại Nghị viện nhằm có những chế tài hợp lý, nhằm ngăn chặn tình trạng trên lan tràn.

Đây không phải lần đầu tiên 7 Eleven tại Australia bị giới truyền thông và chính phủ nước này “sờ gáy” vì vấn đề lao động. Trước đây, chuỗi bán lẻ này cũng đã bị cáo buộc và điều tra về việc trả lương không xứng đáng cho nhân viên, đặc biệt là những lao động nhập cư.

Vào năm 2015, 7 Eleven Australia bị cáo buộc trả thiếu đến 50.000 USD cho 2 nhân viên nhập cư và 30.000 USD cho 12 nhân viên của công ty trong suốt 12 tháng. Thêm vào đó, công ty cũng làm giả giấy tờ, ghi chép để hợp pháp hóa khoản trả lương quá thấp này.

Thậm chí, một số kết quả điều tra cho thấy nhiều nhân viên của 7 Eleven chỉ được trả 5 USD/mỗi giờ làm việc, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Tại Mỹ, nhân viên bán hàng của 7 Eleven được trả khoảng 7-12 USD/giờ, nhân viên thu ngân được trả 8-14 USD/giờ, quản lý được trả 9-13 USD/giờ.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM