Đội nhà không góp mặt, song Trung Quốc vẫn vui mừng vì "thống trị" ở World Cup

22/06/2018 08:06 AM | Sống

Chưa bao giờ, ở một kỳ World Cup, người ta thấy các nhãn hàng Trung Quốc góp mặt nhiều đến thế.

Theo Zenith - một công ty nghiên cứu marketing của Anh, trong số 2,4 tỷ USD tiền tài trợ mà World Cup 2018 thu được, có khoảng 855 triệu USD đến từ các công ty Trung Quốc , chiếm hơn 30%.

Con số này cao gấp đôi số tiền thu được từ các công ty của Mỹ (khoảng 400 triệu USD), và gấp 13 lần các doanh nghiệp Nga - nước chủ nhà đăng cai World Cup năm nay bỏ ra (khoảng 64 triệu USD).

Cho đến năm ngoái, việc kêu gọi các nhà tài trợ cho World Cup 2018 vấp phải không ít khó khăn. Sau vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bộ máy thượng tầng của FIFA, các công ty có trụ sở chính đóng tại Mỹ và châu Âu rất e ngại trong việc đổ tiền vào tài trợ cho World Cup.

Đội nhà không góp mặt, song Trung Quốc vẫn vui mừng vì thống trị ở World Cup - Ảnh 1.

Wanda Group và Hisanse là hai trong số nhiều thương hiệu Trung Quốc hiện diện dày đặc ở World Cup 2018.

Tại World Cup 2014 được tổ chức tại Brazil, chỉ có duy nhất một công ty Trung Quốc lọt vào danh sách những nhà tài trợ chính thức. Ở kỳ World Cup lần này, có đến 5 công ty đến từ quốc gia này có tên trong danh sách này. Hyundai và Kia Motor là hai công ty Hàn Quốc góp mặt trong danh sách này. Wanda Group - tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu lần này.

FIFA chia các nhà tài trợ ra 3 cấp độ: đối tác của FIFA, nhà tài trợ FIFA World Cup và những nhà tài trợ ủng hộ cho đội tuyển quốc gia. Các đối tác của FIFA được cấp quyền quảng cáo độc quyền ở tất cả các giải đấu và sự kiện được FIFA tổ chức, trong đó dĩ nhiên là bao gồm cả World Cup.

Mặc dù FIFA không công bố quy mô chi tiêu của các nhà tài trợ này, có thông tin các nhà tài trợ là đối tác của tổ chức này bỏ ra từ 22 triệu USD đến 44 triệu USD mỗi năm cho công tác tiếp thị của mình.

Đội nhà không góp mặt, song Trung Quốc vẫn vui mừng vì thống trị ở World Cup - Ảnh 2.

Công ty điện thoại VIVO là một trong những đối tác chính thức của FIFA cũng như World Cup 2018.

Trong số các nhà tài trợ Trung Quốc góp mặt tại World Cup lần này, có nhà sản xuất sữa lớn thứ hai của quốc gia này - Mengniu Dairy, công ty sản xuất smartphone VIVO và công ty sản xuất thiết bị gia dụng Hisense. Có nguồn tin thống kê rằng những nhà tài trợ này giúp FIFA "bỏ túi" từ 25 đến 35 triệu USD mỗi năm.

Mengniu Dairy là nhà tài trợ lớn thứ hai cho World Cup 2018, sau Wanda Group. Công ty sản xuất kem, và các đồ uống như sữa và sữa chua này cho biết họ bỏ ra 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 308 triệu USD) tài trợ cho World Cup 2018. Ngoài ra, Yadi - một công ty sản xuất xe điện Trung Quốc, cũng góp mặt là tài trợ ủng hộ đội tuyển quốc gia ở châu Á.

Các công ty Trung Quốc đổ tiền tài trợ cho World Cup, mục đích không nằm ngoài việc quảng bá thương hiệu của họ ra toàn cầu. "Cho đến giờ, các công ty Trung Quốc này vẫn đang tập trung vào việc khai thác thị trường nội địa, với số dân lên đến 1,4 tỷ người", Cho Seong-sik - giáo sư chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp thể thao của đại học Hanyang - Hàn Quốc, cho biết.

Đội nhà không góp mặt, song Trung Quốc vẫn vui mừng vì thống trị ở World Cup - Ảnh 3.

Các thương hiệu Trung Quốc đang dùng bóng đá để bước ra thế giới.

"Tuy nhiên, những công ty hàng đầu Trung Quốc đang từng bước mở rộng thị trường ra toàn cầu, và World Cup hay Thế vận hội là cánh cửa tốt nhất giúp các thương hiệu Trung Quốc này đến với toàn thế giới".

Chủ tịch nước Trung Quốc - ông Tập Cập Bình là một người hâm mộ bóng đá và luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tài trợ cho World Cup. Đáp ứng lời kêu gọi ấy, các nhà đầu tư Trung Quốc đã không ngần ngại đổ tiền vào các dự án liên quan đến bóng đá trong thời gian gần đây.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã từng bước thâu tóm các CLB bóng đá tên tuổi của châu Âu. Đội bóng mới nhất mà họ mua được là Southampton - đội bóng đang chơi ở Premier League.

Tập đoàn Gao - một tập đoàn gia đình Trung Quốc đang điều hành một công ty chuyên về thể thao đã mua lại 80% cổ phần của Southampton từ tháng Tám năm ngoái với giá 210 triệu bảng Anh (276,3 triệu USD).

Đội nhà không góp mặt, song Trung Quốc vẫn vui mừng vì thống trị ở World Cup - Ảnh 4.

AC Milan của Italia và các đội bóng Anh là Aston Villa, Birmingham City và Wolverhampton - tân binh của Premier League mùa tới cũng đã thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc.

FIFA cũng theo dõi sát sao về trào lưu đầu tư vào bóng đá mạnh mẽ đến từ Trung Quốc. Năm ngoái, khi Qatar - quốc gia đăng cai tổ chức World Cup 2022 phải đối mặt với khủng hoảng khi nhận phải lệnh cấm vận từ các quốc gia Trung Đông khác như Saudi Arabia và Ai Cập, chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã đích thân gặp gỡ cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Theo một số nguồn tin, cuộc trao đổi giữa hai người liên quan đến việc chuyển quyền đăng cai World Cup cho Trung Quốc.

Hiện tại, có rất nhiều thông tin về việc Trung Quốc sẽ đứng ra vận động để giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2030.

Song song với những cú hích mạnh trong việc tài trợ, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh tay cho đội tuyển quốc gia để thực hiện giấc mơ trở thành một cường quốc về bóng đá. Kế hoạch hành động của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020, quốc gia này sẽ nâng thứ hạng trong bảng xếp hạng FIFA lên vị trí thứ 70, cải thiện 5 bậc so với hiện tại.

Theo Kim Thiền

Cùng chuyên mục
XEM