Đời học sinh Hàn Quốc không phải màu hồng như phim

01/06/2018 08:19 AM | Xã hội

Những bộ phim truyền hình bối cảnh học đường của Hàn Quốc như "Vườn sao băng" hay "Bay cao ước mơ"… đều cho thấy ít nhiều tình trạng bạo lực học đường, nhưng phần lớn chúng được làm nhẹ đi bằng những nội dung tình cảm hay sự vươn lên của nhân vật chính. Tuy nhiên, ngoài đời thực, những học sinh bình thường không có tài năng sẽ phải trả giá rất nhiều, thậm chí là bằng mạng sống của mình cho tệ nạn này.

"Tôi sợ phải đến trường. Kẻ bắt nạt tôi thông minh và được mọi người yêu mến. Tôi thì chẳng có gì nổi tiếng cũng không có thành tích nổi trội, vậy ai sẽ nghe tôi nói chứ? Cuộc đời học sinh của tôi như một chuỗi ác mộng. Tôi thà chết còn hơn phải đến trường. Tôi chỉ muốn nhảy khỏi một cây cầu nào đó nhưng không thể làm được khi nghĩ về cha mẹ mình", một học sinh 13 tuổi tên K khi phỏng vấn với tờ Teenink cho biết.

Bé K chỉ là một học sinh bình thường nhưng lại bị nhiều bạn bè bắt nạt, lấy mất đồ hoặc bị chế giễu. Tuy vậy cậu không thể kể với ai điều này bởi chẳng ai tin cũng như quan tâm đến chuyện này. Dần dần, lực học của K giảm sút, cậu chán ghét đến trường và thậm chí không nghe lời mẹ khi nghỉ học quá nhiều.

Câu chuyện của K chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp học sinh bị bắt nạt ở Hàn Quốc. Khảo sát năm 2012 của Tổ chức chống bạo lực học đường Hàn Quốc (FPYV) cho thấy 12% số học sinh được hỏi cho biết họ bị bắt nạt, khoảng 12,6% thừa nhận họ hay đi bắt nạt các bạn khác và 40,8% học sinh cho biết tình trạng bạo lực học đường là điều thường xuyên diễn ra tại lớp.

Đời học sinh Hàn Quốc không phải màu hồng như phim - Ảnh 1.

Tương tự, một khảo sát khác của Bộ giáo dục đào tạo Hàn Quốc cho thấy 63,6% số vụ bạo lực học đường diễn ra trong giờ học, 50% số vụ diễn ra trong chính lớp học. Thậm chí, khoảng 40% số học sinh được hỏi cho biết họ bắt nạt bạn bè chẳng vì lý do gì, hoặc chỉ để cho vui.

Số liệu năm 2012 của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy con số bạo hành đáng bạo động tại nước này. Khoảng 71,6% số học sinh đang bị bắt nạt ở trường học, tương đương 55.000 em bị bạo lực học đường.

Hệ quả của tình trạng này cộng với sự không quan tâm của nhà trường, gia đình cũng như xã hội đã khiến tỷ lệ tự tử tăng cao ở Hàn Quốc. Khảo sát của hãng tin CNN cho thấy số vụ tự tử trong giới trẻ đã tăng 57% trong khoảng 2001-2011 và bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Năm 2011, khoảng 31,4% số học sinh cho biết nghĩ đến việc tự tử sau khi bị bắt nạt và con số này tăng mạnh lên 44,7% vào năm 2012.

Trò đùa hay tội ác?

Vào năm 2017, một cuộc khảo sát nữa từ Bộ giáo dục cho thấy ít nhất 37.000 học sinh tất cả các cấp ở Hàn chịu sự bắt nạt dưới các hình thức khác nhau. Trong đó, việc bắt nạt bằng lời nói là phổ biến nhất với 34,1%.

Tồi tệ hơn, khoảng 78,3% số học sinh Hàn Quốc cho biết họ đã phải chịu đựng tình trạng bắt nạt từ cấp 1, tạo nên một môi trường học tập vô cùng xấu tại quốc gia này.

Hơn thế nữa, khoảng 27,6% số học sinh cho biết họ từng bắt nạt các bạn khác và không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Ngoài sự tắc trách của nhà trường và xã hội, việc coi nhẹ tình trạng bạo lực học đường của người lớn cũng là một phần nguyên nhân. Thêm vào đó, rất nhiều nạn nhân không muốn làm phiền người lớn về những vấn đề của các em.

Đời học sinh Hàn Quốc không phải màu hồng như phim - Ảnh 2.

Khảo sát của FPYV cho thấy khoảng 33,8% số học sinh bị bắt nạt tại Hàn Quốc không tìm giúp đỡ từ người lớn. Trong khi đó, nghiên cứu của Bộ giáo dục Hàn cho thấy 41,8% số học sinh thông báo việc bị bắt nạt cho biết tình hình chẳng khả quan hơn dù đã thông báo với nhà trường lẫn gia đình.

Tình hình bạo lực học đường ở Hàn Quốc tồi tệ đến mức vào năm 2011, 2 em học sinh đã tự tử làm rúng động toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình bắt nạt tại trường học của nước này cũng không khá hơn.

Em Park Han Wool, học sinh 17 tuổi, cho biết mình đã bị bắt nạt suốt 6 năm qua nhưng cha mẹ của em không coi trọng chuyện này bởi họ cho rằng đó chỉ là trò đùa của lũ trẻ. Câu chuyện chỉ trở nên nghiêm túc khi em cố gắng nhảy lầu tự sát từ tầng thượng của trường học nhưng may mắn được cảnh sát ngăn chặn.

"Tại trường học, các em không coi những bạn cùng lứa như bạn bè mà như đối thủ. Các em tin rằng mình cần phải đánh bại đối thủ thông qua con đường học tập hoặc bạo lực", Giáo sư tâm lý học Bae Joo Mi của Viện tư vấn giới trẻ quốc gia cho biết.

Tháng 9/2017, một vụ bạo hành học đường diễn ra đã làm rúng động xã hội Hàn Quốc khi hình ảnh 1 nữ sinh 14 tuổi bị đánh thừa sống thiếu chết được đăng tải lên mạng xã hội.

"Chúng cháu đánh bạn ấy vì không thích cách bạn ấy nói chuyện và thái độ của bạn ấy nữa", một trong số những nữ sinh tham gia cuộc ẩu đả khai với cảnh sát.

Nguyên thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang Sik đã từng phải xin lỗi người dân về các vụ bạo lực học đường cũng như thành lập bộ phận cảnh sát chuyên trách về vấn đề này. Trớ trêu thay, khảo sát năm 2012 của FPYV cho thấy 34,9% học sinh không biết gì về lực lượng này.

Có thể nói, câu chuyện bạo lực học đường tại Hàn Quốc vẫn sẽ còn tiếp diễn và những bộ phim màu hồng về đời học sinh Hàn chỉ có trên tivi. Chừng nào xã hội, gia đình, nhà trường và chính phủ còn chưa quan tâm đúng mức đến vấn nạn này thì người lớn vẫn còn là thủ phạm gián tiếp tiếp tay cho những tội ác sau cánh cửa nhà trường.

AB

Cùng chuyên mục
XEM