Đọc Tam Quốc, luận thành bại qua 3 giai đoạn mà bất cứ doanh nghiệp lớn nhỏ nào cũng trải qua

21/09/2016 11:51 AM | Kinh doanh

Tôi thích đọc truyện Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung từ nhỏ. Nó giúp tôi trải qua 3 giai đoạn khác nhau trong tư duy về chiến thuật và chiến lược.

CafeBiz xin giới thiệu bài viết của ông Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt, chia sẻ về 3 giai đoạn trong tư duy chiến thuật & chiến lược kinh doanh thông qua tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung.


Tôi thích đọc truyện Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung từ nhỏ. Sau này lớn lên hiểu ra rằng so với chính sử được ghi chép cẩn thận trong Tam Quốc Chí của tác giả Trần Thọ thì có khá nhiều điểm dị biệt nếu không muốn nói là hư cấu.

Tuy nhiên, so với chính sử bị tác động bởi nhiều yếu tố trong ghi chép, thì tôi thấy Tam Quốc có nhiều điểm thú vị hơn, vì nó giúp tôi trải qua 3 giai đoạn khác nhau trong tư duy về chiến thuật và chiến lược.

Tầng 1

Lúc còn nhỏ, giống như mọi chú bé hiếu động khác, tôi thích các mãnh tướng xông pha ra trận, tự tay chém tướng cướp cờ, mở màn mọi trận đánh, không nề hà mọi hiểm nguy. Tôi thích sự hung mãnh của Điển Vi, kiêu hùng của Lã Bố, can trường và tận tụy của Quan Vũ, xốc vác của Trương Phi.

Giai đoạn này, tôi chỉ thấy cục diện lịch sử được hình thành bởi những trận đánh. Trong đó, các tướng lĩnh tha hồ thể hiện sự vũ dũng của mình trước kẻ thù qua những hành động đặc trưng.

Thường các công ty SME bắt đầu như thế.

Tôi cũng không ngoại lệ, bắt buộc phải có một số anh em chiến hữu ở bên mình, trải qua hết các mùa ấm lạnh cùng nhau mặc cho sự biến đổi của thị trường và của chính các thành viên khác trong công ty.

Có lúc không còn ai, có lúc lại đầy nhân viên nhưng lại không phải là những người tập trung làm việc mà chỉ cơ hội trong vài tháng.

Chúng tôi tập trung vào những hành động nhỏ nhất. Ai hỏi tôi lúc ấy có định hướng gì không, thường là tôi không dám trả lời, không phải là không có. Nhưng tuy có mà có áp dụng được đâu? Vì tôi còn phải làm hàng trăm việc nhỏ nhặt thì nghĩ gì tới định hướng? Đành phải liệu cơm gắp mắm như lời các cụ dạy thôi. Level thấp nhất là khi chúng ta tập trung vào hành động.

Tầng 2

Lớn lên một chút, có lẽ vào khoảng lứa tuổi 18 tới 25, tôi khoái hình tượng của các quân sư quạt mo như Khổng Minh, Pháp Chính, Từ Thứ, những người ngồi trong màn nhung quyết định thành bại xa ngoài cả ngàn dặm. Một mưu nhỏ đưa ra, quyết định sinh tử của cả vạn người trong các trận đánh.

Lúc này, cách đánh quan trọng hơn số lượng. Đôi khi chỉ 500 quân của Khổng Minh có thể đuổi cả vạn quân của Tào Tháo chạy bán sống bán chết trong trận Tân Dã,…

Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, thường các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm tới việc áp dụng ý tưởng của những người đứng đầu vào thực tế.

Mưu thần trong các doanh nghiệp chính là các ông chủ hoặc là giám đốc đứng dưới người chủ, nhưng trên tất cả những nhân viên còn lại. Họ đưa ra các quyết sách, định hướng dựa vào năng lực cá nhân và khả năng nhạy bén trong phân tích các yếu tố của thị trường. Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào từng "mưu kế" họ đưa ra có đúng không trong từng "trận đánh". Level mức trung này thể hiện chiến thuật ở mức thấp của tổ chức.

Tầng 3

Sau cùng, cục diện tam phân trong truyện Tam Quốc được quyết định không phải bởi những chiến dịch hay trận đánh, mà là cả một cuộc chiến dai dẳng trong nhiều năm được định hình bởi các nhân vật “chóp bu” với tính cách riêng của họ.

Tào Tháo thì gian hùng, trọng tài năng, giỏi tận dụng cơ hội – chiếm được Thiên Thời.

Tôn Quyền thì thực dụng, tận dụng tốt điểm mạnh của nguồn gốc danh giá và địa thế hiểm yếu - giành lấy Địa Lợi.

Lưu Bị thì khả năng thu hút người tài vì cái tâm (mà tôi thấy đôi khi khá là trá ngụy- xin phép được phân tích vào một bài khác) – có được Nhân Hòa.

Mặc cho các tướng múa may khoe tài khoe giỏi nơi chiến địa, thắng trận chung cuộc lại không phải thuộc về người có nhiều vị tướng tài nhất, mà là người nhìn xa trông rộng nhất.

Doanh nghiệp lớn, lúc này ngoài cách đánh và thị trường xác định quan trọng nhất là phân định xem khác biệt với các doanh nghiệp khác ra sao?

Thương hiệu lớn, mà thông thường xuất phát từ hình tượng của chính chủ doanh nghiệp, không chỉ xác định cách đánh, định hướng của họ mà còn là điểm mạnh duy nhất khiến cho họ có khả năng thu hút người tài và nhân tâm.

Việc này có thể thấy ở FPT, nổi bật vì cách làm việc dân chủ, sức trẻ mãnh liệt do có các hình tượng lớn dẫn đầu như Trương Gia Bình; hay Vietel với quan điểm “chỉ hết việc không hết giờ” theo đúng kỷ luật quân đội.

Level cao nhất thường biểu hiện bằng các chiến lược đơn giản, nó được thể hiện qua chủ đề phát triển của một năm như P&G vào 2003 là “We will rock U(nilever)” hay như Mobifone vào năm 2016 là “Tốc độ”.

Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM