Tại sao dù không thích nhưng bạn vẫn bị "cuốn theo" những tin tức về Sơn Tùng MTP đi giày Biti's trong MV mới?

04/01/2017 10:25 AM | Xã hội

Hãy tưởng tượng đồng nghiệp của bạn kể một câu chuyện vui và cả phòng đều cười theo. Vậy bạn cũng sẽ cười theo chứ, hay bạn dừng lại và nghĩ “Tại sao tôi phải cười theo câu chuyện vui chẳng có gì thú vị này”?

Trong cuộc sống, rất nhiều người cho rằng mình có đủ khả năng kiểm soát được bản thân và ra quyết định đúng đắn, nhưng não bộ của chúng ta lại thường hay bị đánh lừa bởi những yếu tố bên ngoài xã hội như văn hóa, tính bầy đàn và nhiều tác nhân khác.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bong bóng trên nhiều thị trường tài chính, sự khủng hoảng kinh tế hay những tình huống trớ trêu trong cuộc sống mà hàng ngày chúng ta gặp phải.

Vậy tại sao chúng ta không nên hoàn toàn tin tưởng chính bản thân mình khi ra quyết định, dù sự thật ở ngay trước mắt?

1. Chúng ta thường tự đánh giá quá cao bản thân trong nhiều lĩnh vực

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người rất hay có đánh giá sai về khả năng của bản thân. Một báo cáo mới đây cho thấy 84% người Pháp nhận định rằng bản thân là những người tình lãng mạn, nhưng số liệu so sánh thực tế cho thấy con số này chỉ vào khoảng 50%.

Một báo cáo cáo tương tự cũng cho thấy 93% số sinh viên tại Mỹ cho rằng mình lái xe hơn mức trung bình trong xã hội, nhưng số liệu kiểm tra chính xác lại cho thấy tỷ lệ không hề cao như vậy.

Những nghiên cứu này cho thấy sự đánh giá sai lầm của khả năng bản thân so với thực tế. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng kết luận rằng chúng ta thường nâng tầm đóng góp của bản thân vào thành công và yếu tố bên ngoài vào thất bại hơn là đánh giá một cách công bằng.

Các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm khi thực hiện bài kiểm tra cá nhân với một nhóm người. Kết quả cho thấy những người có điểm số cao tin tưởng rằng bài kiểm tra này phản ánh đúng năng lực tuyệt vời của họ, trong khi những người bị điểm kém đổ lỗi tại các nguyên nhân khách quan hoặc cho rằng bài thi trên không nói lên được điều gì.

Bạn thấy đó, nhiều khi chúng ta thường đánh giá sai lầm về khả năng của bản thân và có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Bởi vậy, hãy mời một người thân, một người bạn hiểu rõ mình, cùng ngồi uống cà phê và hỏi họ đánh giá thế nào về bản thân để có được cái nhìn khách quan nhất.

2. Chúng ta không thể kiểm soát và dự đoán nhiều thứ như chúng ta nghĩ

Nếu bạn để ý, những người chơi bạc thường quăng xúc xắc rất mạnh nếu họ muốn một điểm số lớn và quăng nhẹ hơn nếu muốn điểm thấp.

Theo các nhà nghiên cứu, những người đánh bạc này thường nhiễm một loại bệnh gọi là “ảo giác kiểm soát”, nghĩa là họ nghĩ rằng mình có thể ảnh hưởng đến những thứ mà trên thực tế không thể.

Mặc dù ảo tưởng này cho chúng ta thêm hy vọng và động lực để hành động, nhưng chúng cũng rất nguy hiểm khi hạ thấp cảnh giác cũng như phán đoán của người ra quyết định.

Một thí nghiệm về khả năng chịu đau của thính giác đã được các nhà nghiên cứu thực hiện. Theo đó người thí nghiệm phải nghe tấn số âm thanh đến khi tai bị đau và bị chia làm 2 nhóm, 1 nhóm có thể ấn nút đỏ khẩn cấp gần đó để dừng và 1 nhóm khác phải ra hiệu. Trên thực tế, nút đỏ này không có tác dụng gì mà hệ thống hoàn toàn được điều khiển bởi trung tâm kiểm soát.

Kết quả cho thấy, những người thí nghiệm với nút đỏ có khả năng chịu đau tốt hơn dù nút bấm này chẳng có tác dụng mấy trên thực tế.

Một minh chứng khác là bản nghiên cứu kéo dài 10 năm với 28.361 dự đoán của 284 chuyên gia trên mọi mảng của đời sống kinh tế xã hội đã được các nhà khoa học thực hiện. Theo đó, dự đoán chính xác của những chuyên gia này chỉ nhỉnh hơn 1 chút so với kết quả dự đoán ngẫu nhiên của máy móc và các thuật toán.

Ảo tưởng kiểm soát khiến chúng ta tự tin hành động, ra quyết định và thậm chí là dự đoán. Tuy nhiên, thay vì tốn công sức vào những thứ không đâu, hãy tập trung vào những mục tiêu mà chúng ta có thể thực hiện hoặc thực sự có thể kiểm soát.

3. Tâm lý bầy đàn

Hãy tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim đang hot ngoài rạp như “La La Land” hay “StarWar”, thế rồi kết phim cả phòng vỗ tay khen hay dù bạn chẳng thấy chúng thú vị tý nào. Vậy bạn sẽ vỗ tay theo chứ?

Thông thường, chúng ta thường cảm thấy đúng đắn khi làm theo những gì mà người khác làm, hay còn được các nhà khoa học gọi là “Tâm lý bầy đàn”. Đây là bản năng được di truyền từ thời xa xưa khi con người bắt chước hành vi của nhau để đảm bảo sự sinh tồn của giống nòi.

Hãy tưởng tượng bạn là một tộc nhân thời cổ đại đi săn cùng mọi người, bỗng nhiên tất cả người trong tộc đàn bỏ chạy, lúc đó nếu bạn không chạy, rất có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm khi bị hổ ăn thịt, bị gấu tát hoặc bị gì đó và bị loại khỏi bộ gen di truyền của nhân loại. Trong khi đó, những người hành động theo tâm lý bầy đàn lại sống sót và gen được di truyền xuống. Đây gọi là tiến hóa.

Chính điều này khiến một ý tưởng điên rồ một khi đã khiến nhiều người tin thì sẽ càng làm nhiều người tin hơn nữa, qua đó tạo nên những xu hướng thời trang kỳ dị, phương pháp ăn kiêng hại sức khỏe, những bong bóng tài chính hay những trào lưu văn hóa không giống ai.

Tồi tệ hơn, chính tâm lý này tạo nên một hiện tượng nữa là lối “suy nghĩ tập thể”, nghĩa là mọi người không dám nói lên chính kiến của bản thân để có thể hòa nhập với cộng đồng. Hãy tưởng tượng bạn đang trong một cuộc họp và tất cả mọi người đều đồng ý với bản kế hoạch trừ chính bạn, liệu bạn khi đó có dám mở miệng nêu ý kiến hay không?

4. Chúng ta bóp méo thông tin theo quan điểm cá nhân và niềm tin của bản thân

Bạn nghĩ rằng mình có thể đánh giá đúng một người dựa trên những ấn tượng ban đầu? Trên thực tế, tất cả điều đó chỉ là “ngộ nhận thông tin”.

Trên thực tế, hầu như ai cũng mắc lỗi này khi bóp méo thông tin tiếp nhận theo định kiến trước đây của mình.

Minh chứng rõ ràng nhất là khi bạn đọc báo, lướt Facebook, hầu hết những thông tin mà bạn tiếp cận dựa trên sở thích và định kiến của bản thân bạn trong khi những quan điểm trái chiều bị bạn bỏ qua. Khi đó, bạn càng gia nhập cộng đồng những người cùng sở thích và củng cố niềm tin của mình hơn thay vì mở rộng mạng lưới thông tin và tiếp nhận những ý kiến trái chiều.

Đây là nguyên nhân chính khiến những mảng như tử vi, bói toán... vẫn có thể tồn tại đến ngày nay khi con người tin vào những phần đúng còn những lời phán sai bị tự động bỏ qua.

Nhà tâm lý học Bertram Forer đã làm một thí nghiệm khi bịa đặt những lời phán chiêm tinh giả từ các tạp chí khác nhau theo lá số tử vi của một số học sinh và đưa cho họ xem. Kết quả là các học sinh này cho rằng 86% lời phán là chính xác.

Vâng, các bạn nghe không nhầm, nhưng lời phán bịa đặt này lại được đánh giá chính xác tới 86% và kết quả nghiên cứu này thậm chí được gọi là “Hiệu ứng Forer” để nói về sự bóp méo thông tin và ngộ nhận của tâm lý học.

Rõ ràng, chúng ta nên đối đầu với những quan điểm và bằng chứng đối lập để có cái nhìn thế giới khách quan hơn.

5. Đánh giá sai lầm về giá trị

Con người thường đánh giá giá trị của nhiều thứ dựa trên cung cầu hoặc so sánh chúng với những thứ khác. Tuy nhiên, việc đánh giá này thường dẫn đến những ngộ nhận sai lầm.

Hãy tưởng tượng bạn đến một bữa tiệc với một người bạn xinh đẹp hơn mình, bạn có nghĩ rằng người bạn xinh đẹp đó khiến bạn trở nên kém hấp dẫn trong mắt người khác hơn hay không?

Con người thường hay đánh giá dựa trên việc so sánh hơn là phân tích giá trị thực sự. Điều này cũng tương tự như bạn bỏ tay vào nước đá rồi cho tay vào nước ấm và nhận định cốc nước ấm là nước nóng.

Đây cũng là nguyên nhân cho các chiến dịch giảm giá hay khuyến mãi, bởi một sản phẩm giảm giá từ 100 USD xuống 70 USD có vẻ giá trị hơn một sản phẩm tương tự luôn giữ giá 70 USD dù chất lượng như nhau.

Ngoài ra, con người cũng hay đánh giá sai lầm dựa trên cung cầu, hay nói chính xác hơn là số lượng hiện còn. Một thí nghiệm đã được thực hiện, theo đó 2 nhóm đối tượng đang đói được cho ăn bánh và đánh giá chất lượng của chúng. Nhóm 1 được cho cả hộp bánh đánh giá thấp hơn so với nhóm 2 khi chỉ được cho 2 chiếc bánh dù chất lượng tương đương.

Rõ ràng, con người thường ngộ nhận khi đánh giá giá trị của một thứ gì đó và đây là nguyên nhân cho các chiến lược “chỉ giảm giá hôm nay”, “số lượng có hạn”... trong marketing.

6. Chúng ta thích những người có vẻ ngoài thu hút hoặc có đặc điểm giống mình

Những nghiên cứu khoa học cho thấy một yếu tố nổi trội của một con người như vẻ đẹp, địa vị xã hội, tuổi tác... sẽ cho chúng ta ấn tượng xấu hoặc tốt về về ai đó thay vì có một đánh giá toàn diện. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng hào quang” (Halo Effect) khi một yếu tố nổi trội át hết các yếu tố khác.

Trong đó, vẻ bề ngoài là yếu tố mạnh nhất chi phối đến đánh giá của chúng ta đến một con người. Điều này thể hiên rất rõ ràng trong cuộc sống thường ngày khi những sinh viên có vẻ ngoài đẹp thường được giáo viên ưu ái hơn hoặc những nhân viên nữ xinh xắn thường được các sếp ưu ái.

Thêm vào đó, chúng ta cũng thường có xu thế thích những người có nhiều điểm chung giống mình, như cùng trường đại học, cùng quê, có mối quan hệ bạn bè, cùng sở thích...

Đây là lý do những người bán hàng thường có đặc điểm sao chép khách hàng, ví dụ như bắt chiếc tư thế, giọng nói, tìm những điểm chung như quê quán, sở thích để kết nói, khiến người tiêu dùng thân cận và muốn mua hàng hơn.

7. Chúng ta thường quyết định dựa trên cảm tính

Theo bạn thực phẩm biến đổi gen có tốt hay không? Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn hãy liệt kê những ưu nhược điểm của loại sản phẩm này và cho ra quyết định. Nếu ưu điểm hoặc nhược điểm nhiều hơn thì bạn đã có câu trả lời.

Tuy nhiên, chúng ta không có thời gian cũng như năng lượng để phán đoán lý tính trên mọi việc nhỏ như vậy, kết quả là những quyết định cảm tính được đưa ra và hầu như mọi người đều sợ hãi thực phẩm biến đổi gen mà không biết chúng được sản xuất từ đâu, như thế nào và có công dụng ra sao.

Điều này cũng tương tự như khi nghe đến bệnh nhân HIV hay người đồng tính... Nếu ban đầu chúng ta nhận định những điều này là không tốt thì chúng ta sẽ thổi phồng mặt tiêu cực trong khi giảm nhẹ mặt tích cực một cách thái quá mà không hề phân tích kỹ lưỡng.

Rõ ràng, những suy nghĩ của chúng ta thường ít khi thấu đáo mà bị dẫn dắt bởi cảm xúc, những quan niệm cố hữu trong tư tưởng dẫn đường cho các cảm xúc, hình ảnh và lý do để chúng ta quyết định sự việc.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM