Doanh thu tháng 2/2023 của Vĩnh Hoàn giảm 29% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ giảm 69%

13/03/2023 10:30 AM | Kinh doanh

Dù vậy, doanh thu tháng 2 đã hồi phục 66% so với tháng 1 với tất cả các thị trường đều tăng trưởng,.

Doanh thu tháng 2/2023 của Vĩnh Hoàn giảm 29% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ giảm 69% - Ảnh 1.

Theo kết quả kinh doanh vừa mới cập nhật, tháng 2/2023, CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đạt doanh thu xuất khẩu 758 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tăng 66% so với tháng 1/2023.

Xét về cơ cấu, doanh thu cá tra đạt 417 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Dù giảm mạnh song đây vẫn là mảng đóng góp chính vào doanh thu của công ty. Doanh thu các sản phẩm hỗn hợp khác và bánh phồng tôm lần lượt giảm 24% và 19%. Bù lại, các sản phẩm phụ, chăm sóc sức khỏe tăng 46% và 96% so với cùng kỳ.

Doanh thu tháng 2/2023 của Vĩnh Hoàn giảm 29% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ giảm 69% - Ảnh 2.

Doanh thu của Vĩnh Hoàn so với tháng 2/2022

Xét theo thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất thu về 197 tỷ đồng tổng doanh thu cho Vĩnh Hoàn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 69%. Các thị trường Việt Nam và Trung Quốc giảm nhẹ hơn, lần lượt giảm 2% và 3% mang về 189 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.

Ngược lại, thị trường châu Âu tăng mạnh 116% so với cùng kỳ mang về cho Vĩnh Hoàn 194 tỷ đồng doanh thu, gần bằng Mỹ.

Doanh thu tháng 2/2023 của Vĩnh Hoàn giảm 29% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ giảm 69% - Ảnh 3.

Doanh thu Vĩnh Hoàn so với tháng 1/2023

Nếu so với tháng 1/2023, tất cả các thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn hay thị trường nội địa đều đã phục hồi, tăng mạnh trên 38%.

Chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo ngành thủy sản trong đó nhấn mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục ở mức thấp, bắt nguồn từ nền cao của năm 2022, nhu cầu thấp và dư thừa tồn kho của các nhà bán lẻ.

Theo đó, tại thị trường Mỹ, 2022 được coi là "thời Phục hưng" cho ngành cá tra của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay tương ứng với 2,4 tỷ USD tăng 63%. Động lực chính là nhu cầu cao trên thị trường Mỹ, được hỗ trợ một phần bởi sự thiếu hụt về nguồn cung cá thịt trắng gây ra bởi cuộc chiến Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, ngành thủy sản đã phải đối mặt với những thách thức trong nửa sau của năm 2022 do lạm phát dai dẳng và hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu. Diễn biến tiêu cực này khả năng sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh, trong đó thị trường Mỹ có mức chiết khấu cao nhất trong các thị trường. Do giá xuất khẩu sang Mỹ là giá tham chiếu cho các thị trường khác nên sự sụt giảm giá bán này cũng đang gây áp lực lên giá bán chung của toàn ngành.

Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu đang cho thấy triển vọng ảm đạm trong nửa đầu năm 2023.

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này cho đến nay vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Vấn đề cơ bản dường như vẫn là nhu cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và điều này có thể là do tác động của việc giảm thu nhập của người Trung Quốc và sự phục hồi chậm của dịch vụ nhà hàng.

Theo Huyền Trang

Cùng chuyên mục
XEM