Doanh nhân “ngày trở lại”: Có trải nghiệm kinh hoàng, có những thiếu sót và hơn hết là những niềm tự hào...

13/10/2021 08:43 AM | Kinh doanh

Đại dịch COVID-19 chưa qua nhưng đã để lại trong mỗi người những trải nghiệm và cảm xúc khác nhau, nhất là giới doanh nhân. Lúc này, họ đang trở lại với trạng thái bình thường mới, tâm thế mới và cả những suy tư, tự hào...

Trải qua khủng hoảng đại dịch COVID-19, trò chuyện với BizLIVE nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, những doanh nhân nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm nội địa đều có chung nhìn nhận: Nhiều việc giờ đã thay đổi, nhất là trong cách tiếp cận người tiêu dùng. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu chất lượng sản phẩm tốt và ổn định, cùng cung cách phục vụ đủ để các doanh nghiệp tự tin người tiêu dùng sẽ không bao giờ quên họ.

Còn với doanh nghiệp của mình, với cộng sự và cán bộ nhân viên, sát cánh qua cuộc khủng hoảng này cũng chính là trải nghiệm quý, và chắc chắn cũng sẽ không bao giờ quên.

Phía trước, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng được kiểm soát tốt hơn, độ phủ vaccine ngừa COVID-19 đang mở rộng, "ngày trở lại" với bình thường mới đang dần mở ra...

PHẢI LUÔN ĐÁP ỨNG NHU CẦU KHÁCH HÀNG CẢ TRONG ĐIỀU KIỆN KHÔNG LÝ TƯỞNG

Doanh nhân “ngày trở lại”: Có trải nghiệm kinh hoàng, có những thiếu sót và hơn hết là những niềm tự hào... - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long  

Trong suốt 4 tháng qua với những diễn biến bất ngờ do "cơn bão" đại dịch gây ra, cảm nhận của tôi là không hình dung nó sẽ kéo dài đến như vậy. Ảnh hưởng của đại dịch đối với doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn như Tân Long và thương hiệu gạo A An cũng mới tham gia thị trường mới 2 năm, thì cảm giác lo lắng lúc đó là khó dự báo về tình hình thị trường.

Kinh doanh trong điều kiện bình thường thì những dự báo về thị trường có thể đến sớm hoặc muộn về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tỷ lệ % mục tiêu đạt được, nhưng trong đại dịch thì rất khó đo lường. Nhưng Chủ tịch Tập đoàn đã kịp thời có những quyết sách đến với nhân viên khi hệ thống kinh doanh của Tập đoàn trải rộng trên cả nước và mỗi địa phương lại diễn biến và ứng xử với đại dịch mỗi khác.

Một trong những điều quan tâm nhất xảy ra xuyên suốt mùa dịch đã hình thành được trong triết lý kinh doanh của Tập đoàn, và có những điều chúng tôi đã được rèn luyện từ trước, là phải luôn đáp ứng được mọi nhu cầu khách hàng trong điều kiện không phải lý tưởng.

Nông nghiệp là mảng chính yếu của Tân Long với một hệ thống cửa hàng trải dài từ Bắc chí Nam và lực lượng nhân viên rất lớn. Khi đại dịch xảy ra kéo dài, chúng tôi xác định Tập đoàn sẽ trở thành điểm tựa cho nhân viên, nếu ngừng hoạt động thì nhân viên sẽ mất việc và ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Đó chính là trách nhiệm lớn nhất của người lãnh đạo. Điều này tôi đã được lĩnh hội được từ Chủ tịch Tập đoàn - người quyết liệt nhưng cũng là người biết lắng nghe và chia sẻ động viên nhân viên của mình.

Khi dịch đang diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine ở TP.HCM khan hiếm, trong khi nhân viên cửa hàng phải tiếp xúc với khách hàng hàng ngày, nên các lãnh đạo đầu ngành từ Nam ra Bắc đều động viên nhân viên của mình và cùng chung ý thức là phải bảo vệ nhân viên, lực lượng lao động tại các nhà máy, bằng cách nhường cho họ được tiêm ngừa vaccine trước. Nhờ vậy, khi thị trường mở cửa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không bị gián đoạn vì các bạn đã tiêm đủ vaccine.

Trước sự chăm lo đó, suốt mùa dịch vừa qua tất cả cán bộ, nhân viên luôn đồng hành cùng Tập đoàn vượt qua khó khăn, những gì tập đoàn có được hôm nay là nhờ vào chính sách cùng với sự đóng góp nhiệt tình của nhân viên, vì nếu không có nguồn nhân sự tốt thì Tập đoàn không thể gặt hái được thành công như ngày hôm nay.

Trong lúc bình thường sẽ không ai nhận thấy nhưng khi trải qua đại dịch chúng ta mới nhận diện rằng, với một hệ thống đã có một chiến lược bài bản sẵn rồi, và khi tất cả cùng đối mặt với gian khó thì mọi người sẽ cùng đồng lòng hướng về phía trước, cùng đưa công ty vượt qua khó khăn. Đó chính là điểm cộng của Tập đoàn.

Song, vẫn có những thiếu sót đó là sự chủ quan về khâu cung ứng. Có những lúc nhu cầu tiêu thụ nhân lên rất lớn do khách hàng có nhu cầu mua tích trữ và khâu sản xuất phải căng lực chạy hết công suất, nhưng vẫn cảm thấy cực kỳ lo lắng vì rủi ro về dịch bệnh ở khu vực đặt nhà máy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và trong thời gian đó đã có một số công nhân ở nhà máy bị dương tích SAR-CoV-2, có những chuyến xe vận chuyển hàng bị ách ở Long An, và thất bại nằm ở đây.

Chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm là cần phải có nhiều phương án dự phòng, còn về kế hoạch tương lai thì vẫn nằm trong lộ trình phát triển của Tập đoàn. Cũng chính trận đại dịch này giúp chúng tôi có thêm động lực là phải đi sớm hơn, phải xây dựng hệ thống theo định hướng của cấp cao đã định ra từ trước và các định hướng này hầu như đều rất đúng đắn.

ĐẠT DOANH THU LỚN, NHƯNG LÀ "NHỮNG TRẢI NGHIỆM KINH HOÀNG CHƯA TỪNG CÓ"

Doanh nhân “ngày trở lại”: Có trải nghiệm kinh hoàng, có những thiếu sót và hơn hết là những niềm tự hào... - Ảnh 2.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group

Chúng tôi tham gia thị trường nội địa đã bốn năm nay. Các sản phẩm gồm hạt tiêu các loại, các sản phẩm sữa, cà phê hòa tan… mang thương hiệu Phúc Sinh đã được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, nhờ duy trì chất lượng ổn định, mẫu mã bao bì bắt mắt… Các hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh.

Đang kinh doanh thuận lợi thì đại dịch ập đến. Tưởng như khó khăn sẽ xảy ra, nhưng với Phúc Sinh đại dịch cũng là cơ hội giúp công ty đạt được doanh thu lớn nhất.

Là nhà cung cấp các sản phẩm thực phẩm cơ bản, tôi nghĩ rằng "cho dù dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế nào thì bất cứ ai cũng cần phải ăn, phải uống để sống", và giá nào Nhà nước cũng cho mở cửa bán để cung cấp cho nhu cầu của hàng triệu người tiêu dùng ở TP.HCM. Tôi đã thuyết phục mọi người trong công ty cố gắng làm việc "3 tại chỗ".

Vì vậy, Phúc sinh vẫn cung cấp hàng hóa thực phẩm đều đặn đến tay người tiêu dùng và doanh số tăng lên gấp 5 đến 6 lần. Tháng 8 vừa qua là tháng Phúc Sinh đạt doanh thu lớn nhất trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, đại dịch không phải chỉ khó khăn mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với những đặc tính bất ngờ và của đại dịch trong suốt 4 tháng qua, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lúc đó hàng ngàn kiện hàng khách đặt đã được gửi đi đều bị trả lại vì không thể giao hàng ra Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội...

Khi đó, nhiều hàng dồn dập trả về bị dập nát, chất lượng không còn nguyên vẹn. Đặc biệt một tuần trước ngày 23/8 tất cả hàng hóa chuyển đi đều bị trả lại. Bên cạnh đó, một loạt các nhà cung cấp của Phúc Sinh cũng ngừng giao hàng do nhân viên nhiễm bệnh phải nghỉ làm. Đó là những trải nghiệm kinh hoàng nhất mà tôi từng có.

Trong suốt mùa dịch, có hàng trăm cuộc điện thoại của người tiêu dùng/ngày gọi đến đặt hàng và họ bảo rằng "Bây giờ chỉ có thể bám vào Phúc Sinh để mua thực phẩm thôi". Để không phụ lòng tin khách hàng, tất cả các đơn hàng dù lớn hay nhỏ chúng tôi đều và cố gắng giao đầy đủ cho bên mua. Bản thân tôi phải trực tiếp thuyết phục nhà cung cấp nào còn làm việc hãy giao hàng cho Phúc Sinh. Lúc đó tôi phải kiên nhẫn làm mọi việc, kể cả việc giao hàng.

Sau câu chuyện này người tiêu dùng đã nhìn thấy chất lượng hàng hóa và cách phục vụ khách hàng rất nhiệt tình của Phúc Sinh. Đó chính là cơ hội để khi công ty quay lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới một cách thuận lợi.

Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp tôi vẫn đi làm bình thường và chưa nghỉ ngày nào trừ ngày Chúa nhật. Giờ nhìn lại tôi thấy mình quá liều và cộng với một chút may mắn. Hoàn cảnh bắt buộc tôi phải liều. Vì ba lý do.

Thứ nhất, hầu hết nhân viên đều tin cậy vào công ty nên tôi phải lo tiêm vaccine cho họ từ khối văn phòng, cửa hàng đến các nhà máy. Họ có khỏe mạnh và tiếp tục đi làm thì công ty mới hoạt động tốt. Đến nay mọi việc đều đã đi vào ổn định và khi nhìn lại tôi thấy có một chút tự hào, một chút liều mạng và có một chút gọi là may mắn.

Thứ hai, công ty có 300 người là 300 gia đình và trong 300 gia đình đó rất thể có vợ/chồng bị nghỉ việc ở các công ty khác, nếu Phúc Sinh cũng ngừng hoạt động thì cả hai vợ/chồng đều không có việc làm.

Thứ ba, là công ty sản xuất kinh doanh nông sản nên Phúc Sinh làm việc với rất nhiều nông dân, nếu không duy trì được hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến 300 nhân viên của công ty mà còn ảnh hưởng đến bao nhiêu người trong chuỗi cung ứng và còn cả hệ thống khách hàng của mình.

ĐẠI DỊCH CÀNG KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA LÀ ĐÚNG ĐẮN

Doanh nhân “ngày trở lại”: Có trải nghiệm kinh hoàng, có những thiếu sót và hơn hết là những niềm tự hào... - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T

Khi 19 tình, thành phía Nam áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hệ thống kinh doanh nội địa gần như bị tê liệt gần như hoàn toàn, và đa phần các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm ứng phó với các trường hợp tương tự.

Đặc biệt là công ty chuyên xuất khẩu trái cây tươi, trong thời gian dịch bệnh diễn ra hàng không xuất đi được dẫn tới hao hụt rất nhiều. Tại thị trường trong nước hàng loạt các cửa hàng F&B (Food and Beverage Service) buộc phải đóng cửa, các chuỗi cung ứng nội địa gần như đứt gãy và tê liệt.

Vấn đề này thật sự quá lớn đối với doanh nghiệp như chúng tôi, nhưng nhờ rút kinh nghiệm từ đợt dịch đầu tiên nên đến đợt bùng dịch lần thứ 4 công ty đã đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Chúng tôi tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà từ khá sớm, cũng như duy trì nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống cho tất cả công nhân viên, không để họ gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, công ty luôn động viên, theo dõi tình hình qua các cuộc họp trực tuyến, bởi nhân viên là vốn quý của doanh nghiệp, không có họ sẽ không có công ty.

Có thể nói Vina T&T là một trong những doanh nghiệp may mắn vẫn hoạt động xuyết suốt mùa dịch, nên vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập cho nhân viên. Cho dù nhiều lúc bản thân tôi cũng rơi vào trạng thái bất an do không lường trước được diễn biến dịch bệnh, mỗi ngày theo dõi thấy số ca nhiễm tăng tôi cảm thấy rất lo lắng.

Tuy nhiên, gần đây mọi việc đã dần ổn định và có nhiều biến chuyển tích cực nên trạng thái lo lắng đã ổn định, thay vào đó là sự hào hứng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới" với nhiều cơ hội và thách thức chờ đón. Và qua mọi chuyện, tôi nhận rất rõ sự đoàn kết của người lao động trong công ty là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn.

Nhờ có tập thể đội ngũ công nhân viên làm việc xuất sắc, bộ máy nhân sự luôn đoàn kết và có chuyên môn cao cộng với nền tảng là mối liên kết chặt chẽ với nông dân và HTX, cũng như kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường khó tính, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, Vina T&T tự tin là doanh nghiệp tiên phong đón đầu mọi cơ hội mới và sẽ phục hồi nhanh chóng.

Đầu năm 2021, chúng tôi có kế hoạch xây dựng và mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nhưng tới giữa năm đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát, công ty đã bỏ qua khá nhiều các cơ hội kinh doanh do không giao thương trực tiếp với thị trường quốc tế. Các hội chợ, hội nghị, các lời mời từ các đối tác quốc tế hàng năm đều thay đổi hình thức tổ chức online, đã ít nhiều ảnh hưởng sự đàm phán thành công các đơn hàng lớn.

Là doanh nghiệp xuất khẩu nhưng Vina T&T luôn mong muốn phát triển thương hiệu ở thị trường nội địa, để người tiêu dùng trong nước cũng được sử dụng trái cây ngon, có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, vì sản phẩm công ty xuất khẩu như thế nào thì cung cấp thị trường nội địa cũng như thế đó.

Tận dụng thế mạnh về nguồn trái cây xuất khẩu từ việc bao tiêu vườn, sở hữu đội ngũ vận tải riêng, công ty đã nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu sang kinh doanh nội địa. Việc này đã góp phần mang lại nguồn thu cho công ty và thương hiệu Fruits T&T đã trở thành nhà cung cấp trái cây, gạo cho người tiêu dùng TP.HCM, và đang bắt đầu cung cấp trái cây vào một số siêu thị lớn trong nước.

Đợt dịch vừa rồi càng khẳng quyết định chinh phục thị trường trong nước của công ty là đúng đắn. Hy vọng trong tương lai người tiêu dùng sẽ có cách nhìn khác về ngành thực phẩm nói chung, trái cây nói riêng và mạnh tay hơn vào sử dụng trái cây nội địa chất lượng cao.

Ngoài những khó khăn và cơ hội do dịch bệnh mang đến, điều đọng lại trong tôi là ngoài việc ưu tiên cho sức khoẻ người lao động, mỗi công ty cần có những biện pháp và kế hoạch dự phòng để ứng phó kịp thời và linh động với tình hình, nhất là với những biến cố khó lường như COVID-19.

NGUYỄN HUYỀN

Từ khóa:  doanh nhân
Cùng chuyên mục
XEM