Doanh nghiệp Việt ‘thèm' chính sách ưu đãi đi vay còn được ngân hàng trả thêm tiền lãi như ở Hàn Quốc
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Hàn Quốc đã đưa ra chính sách cung cấp tín dụng ưu đãi cho các Chaebol, thậm chí áp dụng lãi suất âm để tạo điều kiện cho ngành này lớn mạnh.
Còn ở Việt Nam, trong khi ưu đãi của doanh nghiệp trong nước còn thua xa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn tài chính hạn hẹp đang hạn chế tính khả thi của những giải pháp ưu đãi.
Câu chuyện tín dụng lãi suất âm cho các Chaebol Hàn Quốc được ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng Ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ khi nói về tình hình ngành điện tử Việt Nam dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do và đầu tư song phương.
Theo ông Dương, lịch sử phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc cho thấy 2 bài học quan trọng.
Thứ nhất, do điện tử là ngành thâm dụng vốn, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển (với một quy mô hỗ trợ đủ lớn) là rất cần thiết.
Theo Sáng kiến phát triển công nghiệp nặng và hóa chất vào những năm 1970, Hàn Quốc cung cấp tín dụng ưu đãi cho các Chaebol (tập đoàn) lớn, thậm chí áp dụng lãi suất âm, để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp bá dẫn nói riêng và ngành điện tử nói chung lớn mạnh.
Nếu như chính sách lãi suất âm tiền gửi đánh phí vào người gửi tiền, nhằm hạn chế việc giữ tiền mặt, thì chính sách lãi suất âm tiền vay khuyến khích đối tượng vay đầu tư. Cụ thể hơn, chính sách này tạo ra ưu đãi "không tưởng" khi người đi vay được người vay trả thêm tiền lãi.
Thứ hai, bản thân sự phát triển của ngành điện tử là một quá trình liên tục, khó diễn ra trong một thời gian ngắn. Như vậy, cần phải có đủ thời gian để hỗ trợ chính sách đối với các doanh nghiệp điện tử thay vì chỉ hoàn toàn dựa vào việc tạo ra áp lực cạnh tranh để buộc doanh nghiệp phát triển.
Ở Việt Nam, khi ngành điện tử còn non trẻ, doanh nghiệp Việt được hỗ trợ thế nào?
Một trong những khó khăn của ngành điện tử Việt Nam là sự hiện diện quá lớn của các doanh nghiệp FDI.
Sự hiện diện quá lớn của doanh nghiệp FDI là một trong những khó khăn của doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Nguồn: Photoselter.
Trong khi bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường, các doanh nghiệp trong nước lại gặp khó khi Việt Nam mở cửa các ưu đãi cho khối doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, một câu chuyện đáng lưu ý khi phát triển ngành điện tử của Việt Nam là: Muốn phát triển ngành điện tử, Việt Nam phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Nhưng, nhiều doanh nghiệp trong nước sau khi nhận được hỗ trợ 10 năm, lại bán mình cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Thực chất, quá trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước 10 năm qua lại là hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Dương nói.
Câu chuyện này xảy ra tương tự với ngành bán lẻ Việt Nam với những cái tên như Fivimart, Nguyễn Kim, Phú Thái...
“Nếu Việt Nam thực sự muốn có ngành điện tử của riêng mình, cần mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Một mặt, sự hỗ trợ vẫn là cần thiết, nhưng sự hỗ trợ này cần tiết chế”, ông Dương khuyến nghị.
Để tái lập thế cân bằng giữa doanh nghiệp điện tử nước ngoài và trong nước, thường có 2 phương pháp phổ biến.
Một là, tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước. Phương pháp này khá tốn kém và câu chuyện hưởng ưu đãi rồi lại bán mình có thể tiếp diễn.
Hai là, giảm ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc giảm ưu đãi có thể gây thiệt cho các doanh nghiệp FDI, dẫn đến việc Việt Nam có thể bị kiện.
Ông Dương cho rằng, trong điều kiện không gian chính sách không còn nhiều như hiện nay, Việt Nam chỉ có thể thực hiện một số biện pháp như:
- Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt khuyến khích việc tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu vốn đã được định vị bởi các tập đoàn đa quốc gia
- Hỗ trợ giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển
- Có các chính sách khuyến khích thương mại và phát triển thị trường
Nhiều chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng phát triển ngành này cần một thời gian dài để tích lũy kỹ năng, đào tạo nhân lực và khả năng quản trị cho doanh nghiệp. Để có đủ thời gian tích lũy, ngay trong quá trình đàm phán hội nhập, Việt Nam cũng nên cân nhắc về quá trình phát triển ngành tích lũy theo thời gian như vậy.
Những chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc giúp hình thành các Chaebol
Không chỉ trong ngành bán dẫn, Chaebol các ngành khác đều nhận được các ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc để trở thành các trụ cột kinh tế.
Sau cuộc binh biến năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee quyết định cải tạo tình trạng nghèo nàn của đất nước bằng một công cuộc công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn – các Chaebol.
Để các Chaebol yên tâm thực thi nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp, chính phủ chủ động cho các Chaebol vay với lãi suất rất thấp thông qua các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng quốc doanh còn được lệnh phải bảo lãnh nợ nước ngoài cho các Chaebol, để họ có thể vừa thoải mái tiếp cận nguồn tín dụng trong nước, vừa "vô tư" đi vay nợ nước ngoài.
Chính nhờ những chính sách ưu đãi này, các Chaebol nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn tầm cỡ thế giới. Cuối thập niên 1980, Chaebol đã chế ngự lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt nổi tiếng về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng. Các chaebol được cho đã giúp nền kinh tế xứ kim chi thoát được cảnh thâm hụt mậu dịch, trở thành nước có thặng dư mậu dịch lớn kể từ năm 1986.
Ba Chaebol lớn nhất của Hàn Quốc tính đến năm 2008 là Samsung, Hyundai và Daewoo được dân Hàn ưu ái gọi là "tam trụ" – 3 trường cột chống giữ nền kinh tế nước Hàn.