Doanh nghiệp vận tải đường bộ gian nan tìm cách phục hồi sau thời gian "ngủ đông"
Với đường bộ, những ngày đầu sau giãn cách, lượng phương tiện xe khách liên tỉnh quay lại các bến xe của Hà Nội chỉ đạt khoảng 15%. Còn theo đại diện một doanh nghiệp taxi, để có thể quay lại hoạt động như trước dịch sẽ còn rất gian nan.
Bốn tháng đầu năm, vận tải đường sắt giảm gần 55% doanh thu. Tổng công ty Đường sắt đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng. Mặc dù lỗ nhưng ngành đường sắt vẫn phải tìm cách cân đối các chi phí đầu vào để giảm cước, thu hút đối tác hàng hóa, bù lại một phần doanh thu.
“Có những đối tác Tổng công ty cũng thực hiện giảm giá cước, giúp phục hồi sản xuất kinh doanh. Có những chi phí đầu vào sẽ tăng do hàng loạt chi phí trong giai đoạn dịch nhưng đối với yếu tố nào giảm được ta sẽ giảm cho các đối tác để thu hút lượng hàng hóa vận tải“, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV.
Với đường bộ, những ngày đầu sau giãn cách, lượng phương tiện xe khách liên tỉnh quay lại các bến xe của Hà Nội chỉ đạt khoảng 15%. Còn theo đại diện một doanh nghiệp taxi, để có thể quay lại hoạt động như trước dịch sẽ còn rất gian nan. Việc thu không đủ bù chi buộc doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa các chi phí đầu vào, thậm chí cả lao động.
“Việc doanh thu sụt giảm việc đầu tiên doanh nghiệp phải tiết giảm là nhân sự, thứ 2 là các chi phí hành chính, thứ 3 là mức lương của các vị trí hiện tại khi điều chỉnh thời gian làm việc thì quỹ lương sẽ rơi xuống. Một tháng mỗi một người sẽ có 4 ngày nghỉ không lương.“, ông Nguyễn Công Hùng, chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng kinh doanh tiếp tục khó khăn đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng. Vì vậy, thời điểm này, đi vay từ chính nhân viên cũng là cách nhiều doanh nghiệp taxi đang phải tính đến.
Bên cạnh việc tự tìm cách để vượt bão dịch, theo các chuyên gia, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần sự sát cánh hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ GTVT, đơn vị chủ quản trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng để các doanh nghiệp vận tải có thể nhanh chóng phục hồi.
Chia sẻ trên báo Kinh tế Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có nhiều.
Theo chuyên gia giao thông này, giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ các DN vận tải lúc này là tạo điều kiện để họ tiếp tục cầm cự trước dịch bệnh để làm sao tỷ lệ người lao động trong các DN bị mất việc được hạn chế tối đa.
Mới đây nhất, Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị giảm phí BOT từ 3 - 5% cho xe tải 5 tấn trở lên, và xe khách từ 16 chỗ trở lên, để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng cho vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, trả lời các hiệp hội, Bộ GTVT cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt... và rà soát, có các giải pháp cụ thể hỗ trợ, giảm chi phí cho DN thuộc ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng, các DN BOT cũng đang thiệt hại bởi Covid-19 nên Bộ đề nghị ngược lại các DN vận tải cần chia sẻ khó khăn với DN BOT.
Để chia sẻ gánh nặng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 09/3/2020 đã ban hành Công văn 797 và sau đó là Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Công văn số 860 hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, không tính lãi.
Đối tượng được tạm dừng là các doanh nghiệp có ngành nghề vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến có 50% lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bị tạm thời nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.
Thời gian tạm dừng đến hết tháng 6/2020. Sau đó, nếu dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm và doanh nghiệp có đề nghị thì vẫn được xem xét, giải quyết tạm dừng đóng đến tháng 12/2020.
Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3 cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Về phía Ngân hàng nhà nước, trong hội nghị cách đây 1 tuần cũng cho biết để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tỉ giá, lãi suất và có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thực hiện.
Theo đánh giá sơ bộ, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải xây dựng, lưu trú, ăn uống, dịch vụ, giáo dục và đào tạo…