Doanh nghiệp từng bước tái khởi động

27/04/2020 11:11 AM | Kinh doanh

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang từng bước được phục hồi sau thời gian bị đình trệ vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn khá thận trọng vì vừa tái khởi động vừa phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch

Trong bối cảnh hiện nay, ngành bán lẻ đã chuyển hướng tiếp cận khách hàng.

Xu hướng mua sắm mới

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một số hệ thống siêu thị kỳ vọng việc nới lỏng giãn cách xã hội cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá dịp lễ 30-4 và 1-5 sẽ kích thích sức mua bật lên trở lại.

Cầm chiếc điện thoại thao tác đặt mua 1,5 kg thịt đùi heo trên một website, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân - ngụ quận Tân Phú, TP HCM - cho biết từ tháng 3 đến nay, chị chỉ đi siêu thị 3 lần dù cách nhà chưa đến 2 km. "Trước đây, tôi chỉ mua online quần áo, giày dép, vật dụng linh tinh nhưng giờ thịt heo, bò cũng mua qua app. Rau củ, trái cây, hoa tươi, có khi thịt gà, vịt thì mua trong group bán hàng của chung cư. Cứ lướt web đặt hàng là món gì cũng có, lại được giao tận cửa nên đâm ra lười đi mua sắm" - chị kể.

Theo thống kê nhanh của các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, MM Mega Market, Aeon..., nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng gần đây đã dịch chuyển. Khách mua thực phẩm sử dụng trong vài ngày hoặc 1 tuần để giảm thiểu tần suất ra ngoài hay mua qua các kênh từ xa như điện thoại hoặc website. Ngay cả khi việc giãn cách xã hội đã được mới lỏng, hoạt động xã hội dần phục hồi, chợ, siêu thị đông khách trở lại nhưng theo các hệ thống siêu thị, lượng khách lẫn sức mua trong mấy ngày qua vẫn chưa bằng cùng kỳ năm 2019. Xét trong bối cảnh các nhà bán lẻ đang tung khuyến mãi rầm rộ, kéo dài từ giữa tuần trước đến hết tuần đầu tiên của tháng 5 thì sự hưởng ứng của người tiêu dùng vẫn còn rất chừng mực.

 Doanh nghiệp từng bước tái khởi động  - Ảnh 1.

Siêu thị vẫn khá vắng vẻ sau khi hết cách ly xã hội, do nhiều người đã dần hình thành thói quen mua sắm online. Ảnh: TẤN THẠNH

Về hình thức bán hàng, lượng đặt hàng online, qua điện thoại của các nhà bán lẻ trong vài ngày gần đây đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo quan sát tổng thể, số đơn hàng không trực tiếp của các siêu thị đều tăng cao trong 2 tháng qua. Đơn cử, tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, lượng đơn hàng qua điện thoại, Zalo, Viber… đã tăng gấp 10 lần. Tại Big C, lượng đơn hàng đặt mua qua điện thoại ở khu vực miền Nam tăng trên 200%; khu vực miền Bắc tăng 80%-120%.

Tác động của xu hướng mua hàng không trực tiếp tăng mạnh đến mức doanh nghiệp (DN) bán sỉ là MM Mega Market cũng đã thí điểm nhận đặt hàng qua điện thoại tại 1 siêu thị MM Mega Market ở Hà Nội, khả năng sẽ mở rộng ra các siêu thị khác cùng hệ thống trong thời gian tới.

Các DN lâu đời như Vissan, vốn quen với các hình thức kinh doanh truyền thống cũng đã tham gia bán hàng qua điện thoại tại khu vực TP HCM. Vissan còn tiến sâu hơn vào mảng kinh doanh trực tuyến bằng việc mở gian hàng trên trang thương mại điện tử Sendo, rao bán các sản phẩm tươi sống lẫn chế biến của công ty.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Big C Việt Nam, dự đoán với đà tăng trưởng mạnh mẽ, hình thức đặt hàng qua điện thoại đang là xu hướng mua sắm mới, phù hợp trong giai đoạn hiện nay và có thể sẽ làm thay đổi thói quen mua sắm của khách sau mùa dịch.

Hình thành nhiều mối liên kết mới

Thời điểm này, đa số nhà bán lẻ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch kích cầu hậu dịch bệnh và chờ ổn định xã hội trở lại để "đẩy" chương trình. "Dù vậy, online (trực tuyến) sẽ là xu thế quyết định vận mệnh nhà bán lẻ" - đại diện một DN bán lẻ lớn nhận định.

Theo vị này, dịch Covid-19 đã buộc các DN bán lẻ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, trong đó bao gồm mục tiêu tăng trưởng và định hướng đầu tư trong năm 2020. Hoàn cảnh hiện tại buộc nhà bán lẻ phải thích ứng nhanh. Nhà bán lẻ nào thiếu quy mô, bài bản sẽ rất dễ "gãy".

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận định thói quen mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi mạnh mẽ chỉ sau vài tháng. "Dịch bệnh khiến người nội trợ phải tìm hiểu công nghệ để thích nghi với hoàn cảnh" - ông nêu thực tế. Ông Đức cho rằng trước khi thế giới tìm ra vắc-xin ngừa Covid-19, người dân sẽ phải "sống chung với lũ" và duy trì việc mua sắm mà không đến cửa hàng. Ngay cả khi đã hết dịch, khách hàng quay mua sắm trực tiếp nhưng sẽ không thể trở lại 100%.

Một thành viên Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định diễn biến thị trường đặt nhà bán lẻ vào tâm thế phải thay đổi để theo kịp người tiêu dùng. "Dịch bệnh đang tạo điều kiện cho các kênh bán hàng online phát triển muôn hình vạn trạng. Người tiêu dùng có phần dễ dãi trong việc đặt và nhận hàng nhưng điều này sẽ không kéo dài. Họ sẽ dần đòi hỏi cao hơn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ trên chợ mạng. Vì vậy, vẫn còn đủ thời gian cho DN bán lẻ truyền thống nhảy vào khai thác" - ông phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, giải pháp phù hợp nhất là đẩy mạnh mảng bán hàng qua điện thoại và ứng dụng thương mại điện tử song song duy trì kết nối khách hàng với các điểm bán thực tế là siêu thị, cửa hàng...

"Đa số DN bán lẻ không có sẵn nền tảng online nên chọn hợp tác với các đối tác đang sở hữu nền tảng công nghệ về giao nhận, thanh toán... để tiếp cận khách hàng với chi phí phù hợp thay vì tốn rất nhiều tiền để tự đầu tư nền tảng riêng. DN bán lẻ truyền thống lấn sân mảng online có lợi thế lớn về quy chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Dù vậy, hàng hóa vẫn chưa đạt chuẩn đồng bộ cao để thực hiện các giải pháp online. Các dịch vụ hỗ trợ, logistics cũng chưa tối ưu hóa cho kinh doanh online" - Tổng giám đốc Saigon Co.op trăn trở.

Đưa chợ truyền thống lên

Thói quen mua sắm của người dân thay đổi trong mùa dịch bệnh không chỉ buộc các DN bán lẻ hiện đại chuyển hướng để thích nghi mà nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống, cửa hàng cũng mở thêm hình thức bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng. Đây cũng là cách để họ tồn tại trong bối cảnh siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng lấn át.

Nắm bắt được nhu cầu này, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã mở chương trình "Học viện Tiểu thương" trên toàn quốc, gồm những khóa đào tạo online và nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại địa điểm kinh doanh, nhằm giúp tiểu thương chuyển đổi mô hình bán hàng từ truyền thống sang online, qua đó có thể duy trì kinh doanh trong mùa dịch. Toàn bộ hỗ trợ cho tiểu thương là hoàn toàn miễn phí.

"Khảo sát cho thấy tuy 100% tiểu thương có điện thoại thông minh và 80% đã tham gia mạng xã hội nhưng hầu hết chỉ để giao tiếp và giải trí, 70% hộ cá thể chưa hề kinh doanh trên mạng, chủ yếu do quá quen với cách bán hàng truyền thống và lý do phổ biến hơn là còn e ngại vì chưa được hướng dẫn kinh doanh online" - đại diện VPBank nêu lý tổ chức mở "Học viện Tiểu thương".

Các khóa học cung cấp cho nhiều đối tượng tiểu thương (cá nhân kinh doanh, nhà sản xuất nhỏ, hộ kinh doanh gia đình...) những kỹ năng về kinh doanh online và kỹ năng quản lý kinh doanh giúp các tiểu thương thích nghi với thói quen mua sắm thay đổi của người tiêu dùng, đặc biệt khi dịch Covid-19 vẫn còn. Mục tiêu của chương trình là đưa được ít nhất 50.000 tiểu thương khắp cả nước chuyển đổi tập quán kinh doanh lên online.

Chị Trần Kim Khanh (ngụ TP Hà Nội), đang tham gia khóa học kinh doanh online, cho biết nhà chị có cửa hàng bán điện thoại di động nhưng hiện phải tạm đóng cửa do yêu cầu giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh. Chị muốn tìm hiểu kinh doanh online để có thể giới thiệu sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, tìm kiếm thêm khách hàng và gia tăng doanh số...

Một số tiểu thương ở chợ truyền thống cho biết sau một số buổi học, họ đã có thể áp dụng ngay các kỹ năng này vào giải quyết vấn đề thực tế như tự kinh doanh trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook); mở shop trên các sàn thương mại điện tử (Tiki, Shoppee, Lazada); làm việc với các đối tác giao nhận (Now, Be, Grab...); nâng cấp kỹ năng quản lý kinh doanh (thanh toán không tiền mặt, quản lý tài chính)...

Theo Thanh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM