Doanh nghiệp thời Corona: Khách đến hàng quán giảm, doanh nghiệp F&B lo lắng trăm bề, ngành giao nhận vẫn khá lạc quan

07/02/2020 21:00 PM | Kinh doanh

Cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sống chung tốt với đại dịch Corona, nó vẫn chưa ảnh hưởng quá xấu đến tình hình kinh doanh của họ. Nhưng không ít doanh nghiệp cực kỳ lo lắng về tương lai, nhất là các doanh nghiệp làm trong ngành F&B.

Có thể khẳng định: Nhà nước, người dân và cả các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm khá tốt công tác phòng chống đại dịch Corona (gọi tắt 2019-nCoV). Thêm nữa, do tình hình đại dịch Corona mới trong giai đoạn đầu tiên, nên cho tới thời điểm này, theo một khảo sát nhỏ của chúng tôi, các doanh nghiệp Việt vẫn rất vững vàng trước sự cố, được nhiều người ví von như ‘thiên tai’ này. 


Ngành F&B vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn, nhưng rất lo lắng về tương lai

"Từ mùng 4 Tết Âm lịch, The Coffee House đã triển khai việc đeo khẩu trang 100% cho nhân viên, cũng như trang bị gel sát khuẩn cho nhân viên và khách hàng. Nhân viên của hệ thống phải tuân thủ quy định vệ sinh, rửa tay 30 phút/lần. The Coffee House đã mua những vật dụng nói trên khá sớm, từ hôm mùng 4 Tết, lúc chưa khan hàng nên nhìn chung có giá tốt. Đợt tới, có thể giá sẽ tăng, nhưng dù vậy mình cũng phải chịu thôi, vì đó là những vật phẩm quan trọng cho mọi người.

Ngoài ra, các nhân viên còn được đào tạo các kịch bản có thể xảy ra để hỗ trợ khách hàng và tự bảo vệ sức khoẻ của mình khi có vấn đề gì đó phát sinh", ông Võ Duy Phú – Giám đốc Thương mại và Marketing của The Coffee House, chia sẻ với Trí Thức Trẻ về công tác phòng ngừa virus Corona trong doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh, The Coffee House có bị ảnh hưởng nhưng chưa nhiều, đa số các cửa hàng có doanh số thấp hơn bình thường nằm ở các khu vực dễ lây nhiễm hay các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng. Ngược lại, các cửa hàng trong 2 thành phố lớn nhất nước là TP. HCM và Hà Nội lượng khách đến quán vẫn không suy giảm nhiều.

Doanh nghiệp thời Corona: Khách đến hàng quán giảm, doanh nghiệp F&B lo lắng trăm bề, ngành giao nhận vẫn khá lạc quan - Ảnh 1.

Một hoạt động phòng chống virus Corona của The Coffee House

Ngoài ra, theo ông Võ Duy Phú, doanh nghiệp này có ghi nhận thêm doanh thu giao hàng tăng, có thể do khách dịch chuyển nhu cầu đến quán sang giao hàng tận nơi.

"Chúng tôi đang lo sốt vó vì không biết tương lai sẽ như thế nào nếu đợt dịch này không kết thúc sớm. The Coffee House đang xây 3 kịch bản ứng phó, tuỳ tình hình phát tán của dịch bệnh. Trong đó, kịch bản tệ nhất là phải đóng cửa đa số cửa hàng như bên Trung Quốc. Khi đó, doanh nghiệp phải lo đủ thứ chi phí, rồi sức khoẻ người lao động. Nói chung, mọi người đang rất căng thẳng, nên chúng tôi đang rất mong dịch bệnh qua sớm", ông Võ Duy Phú than thở.

Với việc đang có khoảng 160 quán trải dài toàn quốc, việc The Coffee House lo lắng là hết sức bình thường. Cứ tưởng tượng nếu Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, phải đóng cửa tất cả hàng quán, thì dù quán không hoạt động họ phải trả tiền mặt bằng, nhân công, hàng hóa từ nhà cung cấp theo hợp đồng…

Không như các doanh nghiệp F&B sừng sỏ đã có "của ăn, của để", The Coffee House vẫn đang là một startup, lại  tự mở tất cả, không phải nhượng quyền. Nếu nhượng quyền, các nhà nhượng quyền nhỏ còn có thể gánh vác chia sẻ phần nào rủi ro cùng doanh nghiệp trong các tình huống không lường trước như vậy.

"Hiện tại, Cheese Coffee thay  đổi giờ bán hàng từ 9h-21h để nhân viên có thời gian vệ sinh cửa hàng và chăm sóc sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra tất cả nhân viên đều được phát khẩu trang mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và khách hàng. Còn về ảnh hưởng của đại dịch Corona lên tình hình kinh doanh, chúng tôi xin phép được không chia sẻ", đại diện của Cheese Coffee – chuỗi cà phê và trà sữa, có hơn 10 cửa hàng tại TP. HCM cho biết.

Doanh nghiệp thời Corona: Khách đến hàng quán giảm, doanh nghiệp F&B lo lắng trăm bề, ngành giao nhận vẫn khá lạc quan - Ảnh 2.

Không chỉ Cheese Coffee, mà hầu hết chuỗi cà phê - trà sữa tại TP. HCM đã yêu cầu toàn bộ nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ khách.

Ngành giao nhận vẫn hoạt động bình thường, vẫn khá lạc quan về thị trường

Còn theo đại diện của Giao Hàng Nhanh – một trong những doanh nghiệp về logistics – giao nhận lớn tại TP. HCM, cũng đã có rất nhiều biện pháp để hướng dẫn nhân viên cũng như khách hàng và đối tác phòng ngừa virus Corona trong mùa đại dịch.

"Mọi người trong công ty phải tuân thủ 100% đeo khẩu trang, rửa tay khi đi làm và giao dịch với khách hàng. Truyền thông nội bộ vào những thời điểm này rất quan trọng, vì nó giúp anh chị em nâng cao cảnh giác. Giao Hàng Nhanh đã lập ra một đội phòng chống dịch này, nhằm cảnh báo, kiểm tra nhắc nhở mọi người thường xuyên tuân thủ các quy định.

Còn về lượng đơn hàng của Giao Hàng Nhanh nói chung hay AhaMove vẫn bình thường. Sau Tết, thì các tháng tiếp theo là tháng thấp điểm, năm nay lượng đơn cũng như năm ngoái", đại diện của Giao Hàng Nhanh tiết lộ.

Cũng theo người đại diện này, đại dịch Corona khiến thị trường khó chung chứ không chỉ mỗi bên giao nhận. Biết đâu, trong cái rủi có cái may cho nhiều doanh nghiệp logistic, vì khi mọi người không ra đường nhiều sẽ mua online/đặt thức ăn, đôi khi giao nhận lại nhiều hơn. Thị trường và người kinh doanh/người bán sẽ tự điều chỉnh để phù hợp tình hình, lúc ấy có khi lại xuất hiện nhiều giải pháp kinh doanh hay ho phục vụ tốt hơn cho khách hàng trong mùa đại dịch.

Cũng như Giao Hàng Nhanh, Grab cũng đã ra một bảng thông báo khá dài để hướng dẫn các bên liên quan phòng tránh virus Corona trong mùa đại dịch.

Thông báo từ Grab có đoạn: "Grab sẽ thường xuyên truyền thông đến các hợp tác xã, đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, khách hàng về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như: khuyến cáo đeo khẩu trang đúng cách, hướng dẫn giữ vệ sinh, khử trùng phương tiện; rửa tay thường xuyên; tăng cường dinh dưỡng và nghỉ ngơi; liên hệ ngay đến cơ quan y tế và tổng đài Grab khi cảm thấy không khỏe, hoặc có dấu hiệu sốt, ho, khó thở..."

Với các đối tác và khách hàng của Grab: Luôn mang găng tay; thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực chế biến thức ăn; rửa tay bằng dung dịch có cồn; tăng cường thêm một lớp bọc thực phẩm với tem khóa an toàn nhằm đảm bảo thức ăn được giao đến khách hàng một cách an toàn nhất.

Doanh nghiệp thời Corona: Khách đến hàng quán giảm, doanh nghiệp F&B lo lắng trăm bề, ngành giao nhận vẫn khá lạc quan - Ảnh 3.

Một hướng dẫn phòng chống virus Corona của Grab.

Cung cấp khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn tại tất cả văn phòng Grab và trung tâm tiếp đón đối tác tài xế, giúp đối tác tài xế chủ động phòng ngừa 2019-nCoV khi đang hoạt động trên nền tảng Grab. Tất cả khách đến văn phòng Grab và trung tâm tiếp đón tài xế được yêu cầu điền vào bản tự khai tình trạng sức khỏe. Grab vẫn đang tiếp tục tìm thêm nguồn cung, và sẽ bổ sung lượng khẩu trang cần thiết trong thời gian tới.

Đối với cán bộ công nhân viên: Tạm dừng toàn bộ các chuyến công tác của nhân viên Grab đến Trung Quốc. Khuyến cáo nhân viên Grab từ Trung Quốc trở về làm việc ở nhà tối thiểu 14 ngày và chủ động thăm khám tại các cơ quan y tế nếu cảm thấy không khỏe.

Doanh nghiệp này cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cho phép nhân viên Grab làm việc ở nhà trong trường hợp cần thiết, ​tùy vào diễn biến và chỉ đạo của các cơ quan chức năng​; và hạn chế đi công tác đến các tỉnh thành khác hoặc quốc gia khác nếu không thật sự cần thiết.

Với các tài xế - đối tác của Grab, tâm trạng của họ bây giờ là lo thì lo mà làm thì làm, ví dụ như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thanh – người gốc Nghệ An, mà chúng tôi có cơ hội trao đổi hôm 5/2: "Tôi cũng mới từ quê vào, khá hoảng sợ khi nghe tới đại dịch Corona. Nhưng, không đi làm thì lấy gì ăn. Tôi đi làm từ ngày mồng 8, khách có giảm nhưng không đáng kể. Thật ra, khi đi làm mình cũng hơi sợ, vì thường tài xế thì tiếp xúc với nhiều người. Dù biết là bệnh không nguy hiểm, nhưng sợ lây cho vợ con mà mình không biết, vì con Corona này lây lan cả trong thời gian mình ủ bệnh.

Ngoài hướng dẫn từ công ty, tôi cũng hay nghe hướng dẫn từ đài radio, họ hướng dẫn rất tỉ mỉ cho cánh tái xế của chúng tôi phải phòng ngừa như thế nào. Ví dụ như hải rửa tay bằng nước rửa tay sát khuẩn khô như thế nào, đeo khẩu trang ra sao, không bật điều hòa thấp, mở cửa xe khi có khách xuống xe… Thế nên, nếu khách bước lên xe của tôi không có khẩu trang, tôi sẽ đưa cho họ.

Hôm trước tôi đã hoảng khi thấy một nhà thuốc bán 1 bịch khẩu trang 120.000 đồng/hộp trong khi ngày thường 35.000 đồng/hộp người ta bán đầy đường, nhưng vì cần mình phải mua chứ sao. Sau khi làm theo thì mình cũng yên tâm hơn chút khi làm việc".

---

Để đối phó với dịch Corona đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đã chủ động chuẩn bị và thực hiện những đối sách phù hợp trong tình huống mới. Quý độc giả có thể xem thêm các hoạt động ứng phó dịch của doanh nghiệp trong box dưới đây.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM