Doanh nghiệp phá sản vì áp lực trái phiếu đè nặng

02/02/2023 10:08 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 4/2022 và cả năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, nhiều DN trong lĩnh vực BĐS đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực. Ngoài ra, nhiều DN phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 13,7%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 56,7%; số lượng doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp phá sản vì áp lực trái phiếu đè nặng - Ảnh 1.

Dự án chung cư tại Long Biên đắp chiếu của một tập đoàn bất động sản lớn ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai

Nguyên nhân, theo Bộ Xây dựng, DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến DN thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.

Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, cơ quan quản lý phải khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn như: quỹ đầu tư, tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động... khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, giúp dự án được triển khai liền mạch. Điều này sẽ giúp giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực, nhất là tạo điều kiện hoãn nợ, hỗ trợ vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số DN còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của DN. Ngoài vấn đề vốn, doanh nghiệp còn đối diện với lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, khách hàng mua BĐS khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án BĐS dẫn đến các DN không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, vấn đề mà nhiều chủ đầu tư BĐS Việt Nam hiện đang đối mặt là không chuẩn bị cho các kế hoạch phát triển trong dài hạn, thiếu dự án phát triển trong tương lai nên dẫn đến rất khó tìm kiếm dòng tiền kinh doanh dài hạn. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng đứt gãy dòng vốn từ kênh huy động truyền thống là ngân hàng hay trái phiếu, DN sẽ gặp khó khăn.

“Hướng phát triển hiện tại là các chủ đầu tư bất động sản cần tập trung vào khai thác những nguồn vốn có tính chất trung và ngắn hạn. Phải tính toán việc cơ cấu lại hướng phát triển đường dài và hướng đến những loại hình BĐS phù hợp với nhu cầu thực của thị trường. Tôi cho rằng những khó khăn hiện nay cũng chỉ mang tính tạm thời. Sau khi tái cấu trúc và điều chỉnh, thị trường sẽ phát triển bền vững, minh bạch và tích cực hơn trong lâu dài”, ông Troy Griffiths nói.

Theo Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM