Doanh nghiệp ồ ạt chốt thỏa thuận với trái chủ

24/03/2023 14:26 PM | Kinh doanh

Sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã công bố thông tin gia hạn thành công các lô trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp ồ ạt chốt thỏa thuận với trái chủ - Ảnh 1.

Novaland mới đây đã gia hạn thành công 2 lô trái phiếu.

Nội dung chính:

Trong ngày 24/3, liên tiếp 2 doanh nghiệp bất động sản lớn công bố gia hạn thành công các lô trái phiếu đã phát hành. Tính đến hết ngày 8/3/2023, có 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp đã thực hiện giãn kỳ hạn thanh toán. Nghị định 08 có hiệu lực đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương lượng với trái chủ để giãn nợ.

Trong ngày 24/3, liên tiếp 2 doanh nghiệp bất động sản lớn là Novaland và Hưng Thịnh Land công bố thông tin điều chỉnh kỳ hạn, lãi suất, kế hoạch thanh toán gốc, lãi đối với các lô trái phiếu đã phát hành. Hôm qua, ngày 23/3, Tập đoàn Tiến Phước cũng thành công gia hạn kỳ hạn của 2 mã trái phiếu. Cụ thể như sau:

Doanh nghiệp ồ ạt chốt thỏa thuận với trái chủ - Ảnh 2.

Trước đó, ngày 22/2, Đại diện người sở hữu trái phiếu - Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã thông báo Novaland trễ hẹn thanh toán lô trái phiếu NVLH2123009, dẫn đến vi phạm chéo đối với hai lô trái phiếu khác trong đó có lô trái phiếu mã NVLH2224006.

Việc gia hạn trái phiếu giúp Novaland có thêm thời gian thu xếp nguồn tiền, giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn. Đây là 2 lô trái phiếu đầu tiên Novaland thương lượng thành công với trái chủ.

Thương lượng khó thành công

Theo Báo cáo Trái Phiếu Doanh nghiệp tháng 2/2023 , FiinRatings ghi nhận 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu. Ước tính giá trị trái phiếu chậm thanh toán chiếm gần 55% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành của 67 doanh nghiệp kể trên.

Tính đến hết ngày 8/3/2023, chỉ có 4 doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn. Hầu hết các doanh nghiệp đã áp dụng mức lãi suất cao hơn nhằm đền bù cho nhà đầu tư, từ đó nâng cao mặt bằng lãi suất của toàn thị trường.

Thị trường ảm đạm, dòng tiền khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu. Một số trường hợp doanh nghiệp đề xuất phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp với dòng tiền thực tế của công ty nhưng không được trái chủ chấp thuận.

Cuối tháng 2 vừa qua (khi Nghị định 08 chưa ban hành), Novaland đã đề xuất các phương án xử lý lô trái phiếu NVLH2123009 trị giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/2/2023, bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trong thời gian phù hợp hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển nhưng không được trái chủ chấp thuận..

Dữ liệu từ FiinRatings cho thấy khoảng 235.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ sẽ đáo hạn trong năm nay, trong đó 100.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thuộc về các doanh nghiệp bất động sản.

Doanh nghiệp ồ ạt chốt thỏa thuận với trái chủ - Ảnh 3.

Khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản sẽ còn tiếp diễn khi thị trường chưa hồi phục, thanh khoản chịu nhiều áp lực trong 2 quý giữa năm - giai đoạn cao điểm của trái phiếu đáo hạn.

Nghị định 08 hợp pháp hóa việc kéo dài thời hạn trái phiếu

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/3/2023, được đánh giá sẽ góp phần “khơi thông” thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay khi nới lỏng một số quy định so với Nghị định 65 ban hành hồi tháng 9/2022.

Cụ thể, Nghị định 08 cho phép kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa 2 năm. Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp "phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư". Nếu quá trình đàm phán không đạt kết quả như mong đợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với trái chủ theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.

Trong trường hợp tổ chức phát hành không thể thanh toán đầy đủ và đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu chào bán trong nước bằng Việt Nam đồng theo phương án đã công bố thì có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán bằng những tài sản khác.

Đây chính là tiền đề để các doanh nghiệp tiến hành thương lượng với người sở hữu trái phiếu nhằm cân đối theo điều kiện thực tế và đảm bảo lợi ích 2 bên.

Tuy nhiên, phương án này phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận và doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường, chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán.

Theo Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM